Phụ huynh mua tin nhắn điện tử mà nhà trường vào điểm trễ thì cũng bằng không

30/04/2022 08:15
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có những chuyện một số giáo viên tưởng chừng rất nhỏ nhưng nó lại rất quan trọng với nhiều phụ huynh khi họ luôn chờ đợi kết quả học tập của con em mình.

Thời điểm này, đa phần học sinh các cấp học phổ thông đã bước vào những tuần cuối cùng của năm học, những nơi phải nghỉ vì dịch bệnh trong thời điểm đầu năm học thì cũng đang ở tuần 29, hoặc tuần 30 của năm học.

Điều này cũng đồng nghĩa là các trường học đã hoàn thiện việc kiểm tra giữa kỳ II từ rất lâu và tất nhiên là giáo viên phải vào điểm số cho học sinh theo quy định của nhà trường.

Thế nhưng, vẫn có tình trạng những môn học còn trắng, chưa hề có cột điểm nào trên phần mềm khiến cho học sinh, phụ huynh nóng lòng chờ đợi. Đặc biệt là đối với những phụ huynh đã bỏ tiền ra mua dịch vụ tin nhắn điện tử.

Nếu như trước đây, việc các trường học chưa phát động phụ huynh học sinh phải mua dịch vụ tin nhắn điện tử thì điểm số của con em họ cuối học kỳ mới biết đã đành nhưng khi đã triển khai dịch vụ tin nhắn điện tử mà nhà trường không ràng buộc giáo viên vào điểm thì đó là điều thiếu sót và cần phải khắc phục.

Một số môn học vào điểm trễ (Ảnh do phụ huynh cung cấp)

Một số môn học vào điểm trễ (Ảnh do phụ huynh cung cấp)

Con đã học xong tuần 30 mà phụ huynh không biết điểm số một số môn học

Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp triển khai dịch vụ tin nhắn điện tử trong buổi học phụ huynh và nhấn mạnh vai trò của dịch vụ này trong việc trao đổi thông tin và điều quan trọng là phụ huynh sẽ cập nhật được điểm số học tập của con em mình sau khi có điểm thường xuyên và định kỳ của từng môn học.

Tất nhiên, đa số phụ huynh các lớp sẽ mua vì suy cho cùng 80-100 ngàn đồng không phải là quá nhiều mà thông qua tin nhắn thì phụ huynh có thể theo dõi quá trình học tập để nhắc nhở con mình học hành được tốt hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh một số môn học được thầy cô vào điểm tương đối đúng với thời gian thì cũng có những môn vào điểm rất chậm. Thậm chí phải khi kiểm tra cuối kỳ thì giáo viên mới vào điểm cho học sinh.

Bởi vì, nếu tính theo khung thời gian năm học thì thời điểm này cũng đã gần cuối năm học, việc thực học của học sinh chỉ còn vài tuần nữa là các em bước vào kiểm tra cuối kỳ II nhưng lúc này vẫn còn một số môn chưa hề có cột điểm nào.

Điều đáng buồn hơn cả là những môn có nhiều cột điểm như Ngữ văn và Tiếng Anh vẫn còn trống không. Trong khi, theo đúng quy định của Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT thì lúc này môn Ngữ văn, Toán sẽ có 4 cột điểm (3 cột thường xuyên và 1 cột định kỳ), môn Tiếng Anh có ít nhất cũng phải 3 cột điểm.

Và, tất nhiên là điểm kiểm tra giữa kỳ của tất cả các môn đều đã có.

Vậy nhưng, khi nhìn bảng điểm qua phần mềm Vnedu mà phụ huynh đã mua cho con em mình vẫn thấy một số môn học còn trống trơn như vậy rõ ràng phụ huynh sẽ không hài lòng với cách vào điểm của một số thầy cô bộ môn.

Rõ ràng, những bất cập, hạn chế này rất cần được một số thầy cô giáo bộ môn khắc phục.

Những chuyện tưởng rằng rất nhỏ nhưng phụ huynh lại đang chờ đợi, trông ngóng

Ngày nay, mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con và tất nhiên là đa phần phụ huynh đều quan tâm đến chuyện học tập của con em mình. Việc quan tâm chuyện học hành của phụ huynh không chỉ là việc nhắc nhở khi học tập ở nhà và nhiều phụ huynh vẫn luôn cập nhật điểm số mà họ đã đăng ký mua từ đầu năm học.

Thông thường, các trường vẫn quy định về thời gian để giáo viên vào điểm số thường xuyên, định kỳ ở phần mềm của nhà trường và thường là sau 1 tuần kiểm tra là giáo viên bộ môn phải vào điểm.

Những bài kiểm tra định kỳ, đặc biệt là kiểm tra cuối kỳ thì nhiều trường còn quy định giáo viên phải vào điểm sau 3-4 ngày kiểm tra để thực hiện các báo cáo.

Hơn nữa, bất kỳ trường học nào thì đầu năm học các tổ trưởng chuyên môn đều phải làm kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ để Ban giám hiệu nhà trường phê duyệt, sau đó kế hoạch này được triển khai và gửi đến giáo viên trong tổ.

Điều này cũng đồng nghĩa là giáo viên bộ môn các lớp phải thực hiện theo quy chế chuyên môn và điểm số phải được thực hiện đồng loạt giữa các giáo viên với nhau theo kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên, các trường học vẫn có tình trạng một số giáo viên vào điểm trễ theo quy định.

Việc vào điểm trễ của giáo viên bộ môn không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch chung của nhà trường mỗi khi bị thanh, kiểm tra của cấp trên mà còn dẫn đến sự thấp thỏm, chờ đợi của nhiều phụ huynh khi họ trông ngóng điểm số của con em mình.

Để thay đổi tình trạng này, có lẽ điều quan trọng nhất là bản thân mỗi thầy cô giáo ở các nhà trường cần phải thực hiện đúng phần việc của mình theo kế hoạch chung bởi đằng nào thì công việc này trước sau giáo viên bộ môn cũng phải làm chứ không có ai làm thay cho mình cả.

Vì thế, trước hay sau cũng phải vào điểm theo quy định thì điều tốt nhất là giáo viên nên vào điểm đúng quy định, không nên vào trễ để nhà trường, tổ chuyên môn phải nhắc nhở mình.

Điều quan trọng là dịch vụ tin nhắn điện tử đã được nhà trường triển khai để bán cho phụ huynh học sinh nên nó còn cần phải thực hiện theo đúng thời gian.

Bởi lẽ, phụ huynh mua dịch vụ này với mục đích là nhận được những tin nhắn từ nhà trường và điểm số của con em mình sau mỗi lần kiểm tra chứ mua mà không biết được điểm số hoặc biết khi sắp kết thúc học kỳ thì phụ huynh mua để làm gì.

Thiết nghĩ, Ban giám hiệu các trường học, tổ trưởng chuyên môn cần có sự nhắc nhở kịp thời giáo viên trong trường, trong tổ của mình để không để xảy ra tình trạng giáo viên vào điểm trễ nải như một số tình trạng đang xảy ra ở nhiều trường học.

Có những chuyện một số giáo viên tưởng chừng rất nhỏ nhưng nó lại rất quan trọng với nhiều phụ huynh khi họ luôn chờ đợi kết quả học tập của con mình sau mỗi lần kiểm tra.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI