Phó Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi chùm thông tư xếp hạng, nhà giáo ấm lòng

30/11/2021 06:42
MINH KHÔI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những phát biểu, chỉ đạo về lương được giáo viên đồng tình, hoan nghênh.

Ngày 26/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về một số vấn đề vướng mắc về bổ nhiệm, xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nội dung được đăng tải công khai trên cổng Thông tin điện tử Chính phủ [1].

Xin chân thành cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có phát biểu, chỉ đạo khiến hàng triệu giáo viên cả nước ấm lòng.

Xin được phép chia sẻ nội dung bài viết cũng như nêu ra một vài đề xuất của bản thân là một nhà giáo đang đứng lớp, về những nội dung bất hợp lý của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 cần sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền lợi giáo viên như chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Sửa Thông tư lương giáo viên phải xóa bất cập, đảm bảo quyền lợi giáo viên

Tại buổi họp bên cạnh những đổi mới trong việc bỏ quy định phải có chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học để chuẩn hoá, xếp hạng giáo viên; lương của giáo viên được xếp theo trình độ chuẩn được đào tạo quy định trong Luật Giáo dục 2019,… đại diện các bộ, ngành cũng đã phân tích, làm rõ những vấn đề bất cập phát sinh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên trong biên chế như việc chuyển xếp hạng theo quy định mới chưa tính đến trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chưa đạt chuẩn theo quy định và quá trình giảng dạy của 1 bộ phận giáo viên; các địa phương chưa triển khai thống nhất việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp cho giáo viên;… Đồng thời, tại cuộc họp cũng bàn đến vấn đề giáo viên hợp đồng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Bộ sẽ khẩn trương tổng hợp thông tin phản ánh về những tồn tại, bất cập liên quan đến bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương giáo viên, làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung thông tư nhằm bảo đảm quyền lợi của giáo viên và phù hợp với những quy định mới tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc sửa đổi các thông tư, quy định liên quan đến xếp hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương cho giáo viên công bằng, không bị thiệt thòi, “thực sự có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, động viên thầy trò trường Trung học cơ sở Phú Đông, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang trong chuyến công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chiều 19/11. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm, động viên thầy trò trường Trung học cơ sở Phú Đông, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang trong chuyến công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chiều 19/11. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát nguyện vọng, thu thập phản ánh của giáo viên cả nước về xếp hạng, xếp lương, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng những ý kiến đóng góp xác đáng vào thông tư mới, có kế hoạch để triển khai thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc sau khi ban hành, không để giáo viên bị thiệt thòi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính rà soát những vấn đề bất cập liên quan đến chế độ, chính sách lương, phụ cấp đối với giáo viên hợp đồng đúng theo công việc giảng dạy đang thực hiện; rà soát lộ trình sắp xếp, cơ cấu lại giáo viên ở các địa phương theo hướng giảm nhưng không để thiếu giáo viên đứng lớp.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường quản lý việc thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên tại các địa phương.

Sửa các vấn đề sau đây sẽ đảm bảo quyền lợi giáo viên khi xếp lương

Như vậy đây là động thái mới nhất cho thấy tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự cầu thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến đời sống giáo viên sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có phát biểu về đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa chùm Thông tư xếp lương giáo viên ở nghị trường Quốc hội.

Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những phát biểu rất cụ thể rõ ràng, đúng và trúng niềm mong mỏi của giáo viên về việc cần thiết phải sửa đổi các bất cập về bổ nhiệm, xếp lương; xếp lương công bằng; thống nhất cả nước; có sự đổi mới về chế độ cho giáo viên;…

Nếu làm tốt những việc trên thì những bất cập về bổ nhiệm xếp lương sẽ chấm dứt, bảo đảm quyền lợi giáo viên và giáo viên yên tâm công tác, cống hiến.

Trong bài viết xin được tiếp tục nêu các bất cập do lịch sử để lại và kiến nghị của bản thân sẽ giải quyết các bất cập trên.

Thứ nhất, về giáo viên chưa đạt chuẩn

Khi chuẩn trình độ về nhà giáo được nâng lên theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 0/7/2020 thì trình độ nhà giáo được nâng lên như ở mầm non từ trung cấp nâng lên cao đẳng; ở bậc tiểu học từ trung cấp nâng lên đại học; bậc trung học cơ sở từ cao đẳng nâng lên đại học.

Tuy nhiên, việc nâng chuẩn được thực hiện theo lộ trình theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP nhưng khi ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03 mới xác định việc trả lương cho các giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng trên là chưa đạt chuẩn là vô cùng bất hợp lý khi giáo viên trên hoặc là không thuộc đối tượng nâng chuẩn hoặc đang trong lộ trình nâng chuẩn thì không có lý gì xếp họ chưa đạt chuẩn, xếp lương chưa đạt chuẩn trong khi đó có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bằng khen cấp tỉnh, trung ương,…

Nên người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem lại đối tượng này, xếp lương vào hiệu quả công việc, tiêu chuẩn các hạng đạt được mà không nên dựa vào bằng cấp như hiện tại.

Thứ hai, giáo viên trình độ thạc sĩ, cử nhân hưởng lương trung cấp, cao đẳng

Vấn đề thứ hai cũng do lịch sử để lại đó chính là việc có nhiều giáo viên có trình độ thạc sĩ, đại học từ năm 2012 đến nay vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng công tác từ mầm non đến trung học cơ sở.

Thật ra vấn đề này có phần lỗi của nhiều địa phương khi không tổ chức, tham mưu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xét, thi thăng hạng giáo viên nên họ không được thăng hạng trong thời gian qua dẫn đến họ bị thiệt thòi rất lớn.

Do đó, vì không được thi, xét thăng hạng nên họ chỉ được xếp hạng IV, III cũ quy định các giáo viên này chỉ được chuyển sang hạng III mới theo chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 mà bỏ qua thiệt thòi của họ trong thời gian dài trên là gây rất nhiều bức xúc, bất công.

Đồng quan điểm của nhiều tác giả, nên người viết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cho giáo viên đạt tiêu chuẩn ở hạng nào thì được bổ nhiệm ở hạng đó mà không quy định giáo viên hạng III, IV cũ sang hạng III mới và phải 9 năm sau mới có cơ hội lên hạng II mới.

Thứ ba, đối với giáo viên hợp đồng

Thực tế thì nhiều giáo viên hợp đồng trong thời gian qua đã có rất nhiều giáo viên công tác rất tốt, hiệu quả nhiều người là giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi thậm chí là giáo viên cốt cán, nhờ nhiều giáo viên hợp đồng mà trường học đạt nhiều thành tích, học sinh học tiến bộ, nhiều học sinh giỏi, thi đạt học sinh giỏi nhờ các giáo viên hợp đồng,…

Nhưng họ lại mang tiếng là giáo viên hợp đồng, đương nhiên không được quy định trong việc xếp lương trong chùm Thông tư mới.

Nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị tiếp tục xét tuyển đặc cách các giáo viên hợp đồng đạt thành tích, các tiêu chuẩn của hạng chức danh mới, được bổ nhiệm vào hạng mới, được xếp lương như giáo viên biên chế.

Thứ tư, giáo viên xuống hạng do không có bằng thạc sĩ

Nhiều giáo viên ở bậc tiểu học, trung học cơ sở đã cố gắng, phấn đấu, công tác tốt, cống hiến có rất nhiều thành tích và đã được dự thi thăng hạng lên hạng I cũ thì nay nên được xem xét bổ nhiệm vào hạng I mới mà không nên quy định trình độ phải thạc sĩ trở lên.

Thứ năm, xem xét lại việc chuyển hệ số lương từ 2,67 - 3,99 cùng qua 4,0

Ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở có việc chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới có hướng dẫn chưa được rõ ràng từ việc chuyển đổi từ hệ số lương 2,67-3,99 sang hạng II mới ở bậc I có hệ số lương 4,0 chưa thống nhất.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cẩn trọng xem xét việc này, nếu chuyển từ cùng 2,67 - 3,99 cùng sang hệ số 4,0 sẽ là một bất cập, bất công rất lớn xưa nay chưa từng có, sẽ gây bất mãn trong giáo viên. Việc chuyển xếp này không có cơ sở khoa học, kiểu hên, xui.

Cuối bài viết xin cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có những phát biểu, chỉ đạo về lương được giáo viên đồng tình, hoan nghênh.

Những vấn đề này đa số do lịch sử để lại, người viết tin rằng dưới sự cầu thị, lắng nghe thì trrong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành chùm Thông tư lương mới xóa bỏ bất cập, bất công của chùm Thông tư cũ và khi xếp lương bảo đảm quyền lợi giáo viên như Phó Thủ tướng đã chỉ đạo.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Xep-hang-xep-luong-theo-quy-dinh-moi-phai-bao-dam-quyen-loi-giao-vien/454373.vgp

[2] Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

MINH KHÔI