Phó Giáo sư Võ Văn Minh và những trăn trở với việc đào tạo giáo viên

24/06/2021 06:01
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những chia sẻ về đào tạo ngành sư phạm của thầy Minh đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam được độc giả, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách ghi nhận.

Là cơ sở đào tạo giáo viên trọng yếu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng được xem là “cái nôi” của những đổi mới, phát triển ngành sư phạm.

Chính những băn khoăn, trăn trở của những người thầy, người lãnh đạo nhà trường như Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng nhà trường hay Phó Giáo sư Võ Văn Minh – Chủ tịch Hội đồng trường... đã thúc đẩy quá trình thay đổi, sáng tạo đó.

Nhiều đề xuất đổi mới đào tạo giáo viên

Trong những lần trò chuyện, trao đổi với thầy Minh, chúng tôi cảm nhận được sự trăn trở, day dứt của một người thầy trước thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay cũng như cái nhìn của xã hội về nghề giáo.

Phó Giáo sư Võ Văn Minh tặng hoa chúc mừng tân Thạc sĩ ngành Sinh thái học. Ảnh: AP

Phó Giáo sư Võ Văn Minh tặng hoa chúc mừng tân Thạc sĩ ngành Sinh thái học. Ảnh: AP

Dường như thầy cô không còn được sự trọng vọng giống ngày xa xưa khi dân gian đã đúc kết rằng: “Muốn sang thì bắc cầu kiều – Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.

Vị thế của người thầy ngày nay đã bị sụt giảm so với trước đây khi những ngành nghề hấp dẫn lên ngôi thì phụ huynh, học sinh lại mang tâm lý “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”.

“Làm sao để thay đổi những tư duy, những suy nghĩ không đúng về nghề giáo như thế. Chỉ có một con đường là đổi mới, thu hút người tài vào sư phạm.

Muốn thu hút người tài thì cần phải có cơ chế chính sách đãi ngộ phù hợp. Đời sống của giáo viên phải được đầu tư, quan tâm hơn nữa để họ có thể sống bằng nghề”, thầy Minh tâm sự.

Bên cạnh đó, có quá nhiều thông tin không tích cực về giáo dục... đã tác động đến tâm lý của sinh viên sư phạm trong học tập.

Tại các hội thảo về đào tạo sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hay do các trường sư phạm tổ chức, thầy Minh đều tham gia đóng góp các ý kiến tâm huyết với mong muốn phát triển đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm.

“Các chính sách đối với giáo viên chưa được thay đổi tích cực (lương thấp, đời sống giáo viên khó khăn...) dẫn đến đầu vào của các trường sư phạm còn thấp. Do đó, cần phải chăm lo chính sách cho đội ngũ giáo viên.

Đây chính là chủ trương quan trọng của Đảng đã được Nghị quyết 29-NQ/TW đề cập. Vấn đề là, Quốc hội, Chính phủ phải cụ thể hóa bằng chính sách, đồng thời đi kèm theo yêu cầu về chất lượng”, thầy Minh nhấn mạnh.

Tóm lại, để phát triển đất nước bền vững thì ngay bây giờ (không thể chờ đợi thêm nữa) là phải thực sự quan tâm đến đội ngũ giáo viên trong cả nước, trong tất cả các bậc học đúng như những gì Đảng và Nhà nước thể hiện trong luật, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Lúc đó, chất lượng đào tạo giáo viên chắc chắn được nâng cao. Điều đó có nghĩa là quốc sách hàng đầu không chỉ là đầu tư về chính sách cho giáo viên, về đào tạo giáo viên...Mà cả quản lý nhà nước cũng phải quan tâm hàng đầu!

Những gửi gắm ở Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Nhiều năm gắn bó với bục giảng, đào tạo ra nhiều thế hệ giáo viên ở khắp mọi miền đất nước, thầy Minh vẫn luôn ấp ủ những “kế sách” để phát triển ngành sư phạm. Theo thầy Minh:

Phó Giáo sư Võ Văn Minh (thứ 4 từ trái sang) cùng các thực tập sinh trong chuyến thực tế. Ảnh: AP

Phó Giáo sư Võ Văn Minh (thứ 4 từ trái sang) cùng các thực tập sinh trong chuyến thực tế. Ảnh: AP

“Chủ trương sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm là hợp lí. Tuy nhiên bên cạnh việc sắp xếp, tái cấu trúc các ngành đào tạo phù hợp với hệ thống các môn học ở phổ thông thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu giáo viên quốc gia, để quy hoạch tổng thể đội ngũ giáo viên toàn quốc đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là hết sức cần thiết.

Bởi lẽ, trong nền kinh tế thị trường thì hầu hết các lĩnh vực cần thị trường sắp xếp, nhưng đào tạo giáo viên thì nhất thiết phải có chính sách nhất quán, được sự đầu tư của Chính phủ, chứ không thể thả trôi tự ai nấy làm. Chúng ta rất cần một đề án quy hoạch tổng thể đội ngũ đến từng môn học, bậc học và từng địa phương cụ thể.

Căn cứ vào sứ mệnh của mình, các trường đại học sư phạm được Bộ giao nhiệm vụ phải cụ thể hóa thành kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn,… chuẩn bị tốt nhất cho công tác đào tạo và bồi dưỡng theo từng giai đoạn.

Hiện nay, có một sự mất cân bằng về giáo viên giữa các vùng miền; các cấp bậc và ngay cả trong các ngành học.

Ví dụ, số lượng trường học theo bậc học tăng dần từ trung học phổ thông đến trung học cơ sở, rồi tiểu học và mầm non. Nhưng số ngành đào tạo tương ứng ở các trường đại học và cao đẳng thì giảm dần.

Ở phổ thông trung học, trung học cơ sở có vài chục ngành đào tạo sư phạm, trong khi tiểu học và mầm non chỉ có 1 ngành.

Đi kèm đó thì chỉ tiêu cũng phân bổ theo ngành đào tạo. Nên dẫn đến sinh viên các ngành mầm non, tiểu học ra trường thì có việc ngay, trong khi ở trung học phổ thông, trung học cơ sở có ngành thừa, ngành thiếu”.

Thầy Minh cũng tâm sự rằng, nhiều năm qua, hàng ngày, thầy vẫn thường xuyên theo dõi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam).

Ở đó có những bài viết, những quan điểm, ý kiến đóng góp hay về đổi mới, đào tạo sư phạm... rất được quan tâm và ứng dụng vào thực tiễn.

Ngoài ra, Giáo dục Việt Nam cũng luôn đón nhận và trân trọng những ý kiến, bài viết của Phó Giáo sư Võ Văn Minh như một chuyên gia, người bạn thân thiết lâu năm của Báo.

AN NGUYÊN