Phó Giáo sư Võ Văn Minh luận bàn về trí thức: Họ là ai?

18/05/2021 06:38
Phó Giáo sư Võ Văn Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công việc tổ chức “tôn vinh tri thức” như thế nào cho hợp lí thì không phải là việc làm dễ dàng, và nếu làm không đúng và không trúng thì nên dừng.

LTS: Nhân ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5), nhà nước và các địa phương tổ chức vinh danh trí thức.

Phó Giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Trưởng nhóm Nghiên cứu – Giảng dạy “Môi trường và tài nguyên Sinh vật” (DN-EBR) Đại học Đà Nẵng đã có những chia sẻ về cảm nghĩ cá nhân về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Trí thức, họ là ai?

Quan điểm “tôn vinh tri thức” luôn chính đáng và thực sự cần thiết đối với bất kì nhà nước nào. Bởi vì vai trò của trí thức đối với nhân loại cũng như đối với sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia, địa phương đã được khẳng định từ xưa đến nay.

Phó Giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có những chia sẻ về việc "tổ chức tôn vinh trí thức". Ảnh: AN

Phó Giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có những chia sẻ về việc "tổ chức tôn vinh trí thức". Ảnh: AN

Tuy nhiên, công việc tổ chức “tôn vinh tri thức” như thế nào cho hợp lí thì không phải là việc làm dễ dàng. Và nếu làm không đúng và không trúng thì có lẽ không làm sẽ tốt hơn!

Trước hết, để tôn vinh trí thức thì trước hết phải xác định được trí thức, họ là ai và họ có những phẩm chất gì? Để trả lời câu hỏi “trí thức, họ là ai?” đến nay cũng còn nhiều quan điểm khác nhau.

Tuy nhiên, chắt lọc những điểm chung nhất thì họ là những người “lao động trí óc”, “có hiểu biết sâu, rộng về một hoặc một số lĩnh vực”, “thường xuyên vận dụng tri thức để phát hiện, giải quyết vấn đề lí luận và thực tiễn vì lợi ích chung”.

Với cách hiểu như vậy thì phần nhiều trong số họ là những người có học vấn, thuộc các ngành nghề như giảng viên, nghiên cứu viên, bác sĩ, dược sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà điêu khắc, hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà quản lí…

Mặc dù, về nghề nghiệp thì những người kể trên là những người lao động trí óc, có hiểu biết sâu, rộng về ngành nghề họ đang hoạt động.

Nhưng với tất cả những người kể đều gọi là trí thức thì khó được xã hội chấp nhận. Chính vì điều đó, nên xác định và tôn vinh trí thức là việc làm không dễ. Dễ gây tranh cãi và khó đạt được mục đích như mong đợi.

Để nhận diện rõ trong số đông những người lao động trí óc, ai chính là trí thức, cần phải xác định những đặc điểm phẩm chất của trí thức, vốn được xã hội đề cao và tôn trọng như sau:

Thứ nhất, trí thức là những người ham học. Ham học dù ở bất kì tuổi tác nào. Vì ham học nên họ luôn khao khát tìm đến chân lí và khát vọng vươn lên để chiếm lĩnh tri thức.

Thứ hai, trí thức luôn tư duy sáng tạo. Sáng tạo luôn là động lực của trí thức hoạt động. Vì tư duy sáng tạo nên trí thức thường nghĩ khác và làm khác.

Chính vì khác biệt, nên nếu không khách quan trong tư duy của lãnh đạo thì trí thức khó có cơ hội cống hiến nhiều cho xã hội.

Thứ ba, trí thức có tư duy độc lập và có thói quen phản biện. Vì với trí thức thì “hoài nghi lành mạnh” là khởi nguồn để phát triển tư duy sáng tạo. Đây cũng chính là đặc điểm đáng trân quý, có giá trị nhưng lại là “cái bẩy” dễ sơ sẩy dẫn đến cực đoan.

Thứ tư, trí thức là người tự trọng. Vì ham học, vì tôn thờ chân lí nên luôn trung thành với tri thức khoa học. Chính vì đặc điểm này mà họ không thuộc vào nhóm người cơ hội, thực dụng; không mưu cầu danh-lợi và không chấp nhận giả dối.

Thứ năm, trí thức thường bộc trực khi bày tỏ chính kiến, bảo vệ những quan điểm liên quan đến tri thức mà họ được chiếm lĩnh và trung thành cũng như phản biện lại những luận điểm, hành vi sai trái…

Tuy nhiên, trong đời sống thường ngày, họ luôn là những người cư xử lịch thiệp, khiêm tốn, bình dị… Một người hội tụ đủ các phẩm chất trên thì bản thân họ không cần một tổ chức hay diễn đàn nào vinh danh.

Tuy nhiên, đối với nhà nước thì vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để những hình mẫu như vậy ngày càng nhiều hơn trong xã hội.

Nhìn chung, “chân dung” của trí thức tiêu biểu có thể khái quát là những người: (1) chủ động chiếm lĩnh tri thức, (2) chủ động truyền bá tri thức và (3) chủ động đem tri thức phụng sự cộng đồng xã hội và nhân loại. Những người hội tụ được những yếu tố đó, xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Tôn vinh trí thức là tôn trọng chuẩn giá trị

Trong xã hội, mỗi người ở độ tuổi lao đông đều gắn với một ngành nghề hoạt động để mưu sinh. Chỉ cần làm “đúng việc”, hoàn thành tốt phận sự là đã cống hiến tích cực cho xã hội và cho đất nước.

Đối với trí thức ngoài ngành nghề họ hoạt động mưu sinh, họ còn đóng góp trí tuệ; tư vấn, phản biện cho xã hội một cách khách quan, trung thực và có trách nhiệm.

Đó là việc làm rất đáng trân trọng. Chính vì lẽ đó, họ đáng được tôn trọng, ghi nhận, lắng nghe và tạo dựng môi trường an toàn để họ hoạt động.

Được như vậy chính là tôn vinh trí thức. Không nên xem các phần thưởng lớn, các lễ vinh danh hoành tráng, các phong trào rầm rộ… gắn với cụm từ “tôn vinh” là vinh dự cho trí thức.

Bởi vì nhiều khi, chính những việc làm hình thức rất dễ làm tổn thương họ hơn. Lãnh đạo tôn trọng trí thức thì phải xác định công tác cán bộ phải thực sự “then chốt”.

Phát hiện, tiến cử và trọng-dụng… phải khách quan và nhân văn. Thu hút người tài gắn với chính sách đãi ngộ vật chất chỉ là “miếng mồi”.

Còn môi trường làm việc mới là thứ trí thức thực sự cần. Trí thức được làm việc sáng tạo, được lãnh đạo lắng nghe, ghi nhận; được phản hồi, trả lời những ý kiến phản biện một cách rõ ràng; được hưởng chính sách công bằng; được đề bạt, tiến cử, bổ nhiệm khách quan…

Đó chính là môi trường lí tưởng để trí thức tồn tại, phát triển và tất nhiên sẽ cống hiến tích cực cho sự phát triển bền vững của địa phương cũng như đất nước.

Về vấn đề Tôn vinh Trí thức Khoa học Công nghệ tại lễ kỉ niệm Ngày Khoa học & Công nghệ Việt Nam (18/5) hàng năm, nhà nước và các địa phương nên tổ chức với hình thức tiết kiệm, thực chất để cùng “ghi nhớ” vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển xã hội;

Ghi nhận những cá nhân, đơn vị có những đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển khoa học công nghệ; Những nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản lí… đem lại hiệu quả; Những công bố khoa học có ý nghĩa với nhân loại được cộng đồng chuyên môn đánh giá và giới thiệu…

Tóm lại, mọi ngành nghề hợp pháp trong xã hội đều có sứ mệnh riêng, đóng góp vào sự phát triển chung và đều cao quý. Những người hoạt động trong lĩnh vực của mình bằng chính lương tâm và trách nhiệm, thì đều cần được tôn vinh

Tôn vinh trí thức là việc làm rất ý nghĩa. Nhưng để thực sự ý nghĩa thì việc cần làm bây giờ là truyền thông nhằm tôn vinh chuẩn giá trị của trí thức hơn là tập trung suy tôn những cá nhân có thành tích xuất sắc trong phạm vi chuẩn nghề nghiệp của họ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề chính do Tòa soạn đặt)

Phó Giáo sư Võ Văn Minh