Phạt học trò, đừng làm các em phải ấm ức, sợ hãi!

29/09/2019 06:36
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Thay vì thay đổi phương pháp giảng dạy và cách quản lý của mình thì một số giáo viên lại lạm dụng hình phạt với học trò một cách vô lý.

Trong các lỗi mà học trò hay mắc phải trong giờ học, thường gặp nhất là học sinh hay nói chuyện riêng và chưa tập trung vào lời giảng của thầy cô. Nhưng, xét đến cùng thì việc học sinh nói chuyện không phải là vấn đề quá mới và không có cách giải quyết.

Cái khéo của người thầy đứng lớp là biết lôi cuốn học sinh vào các hoạt động dạy học của mình và có những biện pháp giáo dục phù hợp sẽ giúp cho học sinh tiến bộ để đi vào nền nếp.

Phạt học trò vô lý chỉ khiến các em chán nản với thầy cô mà thôi (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN)
Phạt học trò vô lý chỉ khiến các em chán nản với thầy cô mà thôi (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, thực tế vẫn có những thầy cô dạy chưa tốt, quản lý học sinh không phù hợp. Chỉ cần vài lỗi đơn thuần là phạt học trò, quở trách học trò. Trong đó, có những hình phạt liên quan đến phụ huynh khiến cho họ không phục người thầy mà xem đó là một thất bại của người giáo viên đứng lớp.

Bản thân người viết bài cũng là một giáo viên nên nhiều khi lên lớp chúng tôi bắt gặp rất nhiều lỗi học trò bị thầy cô bộ môn ghi vào sổ đầu bài.

Học sinh mất trật tự ghi, học sinh không thuộc bài ghi, học sinh đi muộn ghi, học sinh không soạn bài ghi, học sinh không thuộc bài cũ ghi, học sinh nhìn đồng hồ cũng ghi...

Nhìn những lỗi giáo viên ghi vào sổ đầu bài, chúng tôi thấy có lỗi học sinh nhìn đồng hồ bị ghi tên nên tò mò hỏi học trò.

Học sinh này rất ấm ức trả lời rằng, em nhìn đồng hồ xem mấy giờ thì cô nói là không chịu học chỉ mong cho hết giờ nên cô bắt đứng hết tiết học và ghi sổ đầu bài.

Có hôm đang dạy thì thấy một học sinh cứ loay hoay viết cái gì đó nên chúng tôi xuống bàn học sinh này đang ngồi thì thấy viết bản tự kiểm để nộp cho giáo viên. Hỏi vì sao em viết bản tự kiểm thì học sinh này trả lời là trong giờ sinh hoạt lớp tuần trước, cô giáo ngồi viết cái gì đó nên giao cho lớp tự sinh hoạt.

Trong lớp có nhiều bạn nói chuyện nên em có quay xuống nói chuyện với bạn ở bàn dưới thì bị cô bắt và yêu cầu viết bản tự kiểm và đưa về cho ba hoặc mẹ ký tên và xác nhận là em vi phạm.

Phạt học trò, đừng làm các em phải ấm ức, sợ hãi! ảnh 2Thầy cô đừng buông lời miệt thị học trò của mình, tội lắm!

Tôi đem thắc mắc hỏi 2 giáo viên đã ghi tên học sinh vào sổ đầu bài và yêu cầu học sinh làm bản tự kiểm thì được họ trả lời làm như vậy cho học sinh sợ và cũng là cơ sở để xếp loại hạnh kiểm cuối học kỳ cho học trò.

Chúng tôi thắc mắc với giáo viên này là học sinh nói chuyện riêng thực tế lớp nào cũng có, nhất là khi lớp sinh hoạt mà ban cán sự lớp điều khiển.

Nếu yêu cầu học sinh làm bản tự kiểm và yêu cầu phụ huynh ký liệu có phù hợp không? Bởi, những lỗi vi phạm lớn thì yêu cầu học sinh làm bản tự kiểm đã đành, học sinh nói chuyện trong lớp mà yêu cầu làm bản tự kiểm thì em nào chẳng phải viết?

Nhưng, học sinh viết rồi yêu cầu phụ huynh ký, phụ huynh thắc mắc làm sao giáo viên trả lời được bởi lỗi đó chẳng đáng để yêu cầu phụ huynh phải ký tên, xác nhận con mình vi phạm.

Thực tế, những học sinh từ lớp 7 trở xuống chỉ cần thầy cô lớn tiếng là các em đã sợ hoặc nếu thầy cô giảng dạy và quản lý lớp tốt thì khó có chuyện học sinh mất trật tự.

Học sinh chỉ nói chuyện khi thầy cô làm việc riêng, thầy cô yếu phương pháp sư phạm và cách truyền giảng kiến thức bài học chưa tốt, chưa lôi cuốn được học trò.

Nếu thầy cô khéo léo trong giảng dạy, dạy lôi cuốn học trò, biết phân chia các hoạt động dạy học phù hợp cộng thêm một chút nghiêm khắc thì học sinh rất khó có thời gian nói chuyện trong giờ học.

Thay vì thay đổi phương pháp giảng dạy và cách quản lý của mình thì một số giáo viên lại lạm dụng hình phạt với học trò một cách vô lý. Phạt, đương nhiên là học trò sẽ phải thực hiện và tuân lệnh giáo viên nhưng phạt để làm gì khi những lỗi các em mắc phải chẳng đáng để phạt.

Người thầy giỏi, tâm huyết với nghề chẳng cần phải phạt học trò

Phạt học trò, đừng làm các em phải ấm ức, sợ hãi! ảnh 3Thưa cô, đố cô biết, nhà em nuôi mấy con bò ạ?

Dạy học là một nghề đặc biệt trong các nghề bởi đây là dạy người. Chính vì vậy, người thầy phải biết rắn, biết mềm đúng từng trường hợp cụ thể.

“Rắn” ở đây không phải là đánh, là quát mắng, xúc phạm danh dự học trò mà "rắn" là có những lời lẽ nghiêm khắc để hướng học trò đi vào nền nếp và có thái độ học tốt.

"Rắn" không phải là cầm thước đánh học trò tay dùng tay tát học trò khi các em vi phạm. Thầy cô hãy hiểu là học trò thời nào cũng hiếu động và đôi lúc có những lời lẽ thiếu chín chắn, đùa cợt bởi tuổi các em còn nhỏ.

Vì vậy, thay vì hình phạt, thầy cô hướng học trò vào nề nếp học tập tốt, có những lời lẽ nghiêm khắc nhưng yêu thương, cương quyết nhưng vị tha sẽ đạt được hiệu quả giáo dục cao hơn.

Giáo dục bằng hình phạt khiến học trò sợ. Học trò sợ vì cha mẹ các em biết, sợ vì phải cầm bản tự kiểm thuyết phục cha mẹ ký vào. Sợ ghi lên bảng vào buổi sinh hoạt lớp, sợ đứng trước cột cờ và sợ mình bị hạ hạnh kiểm.

Vì vậy, có những chuyện đáng ghi vào số đầu bài thì giáo viên cả ghi, đáng phạt học trò cả phạt. Có những lỗi lầm học trò chỉ cần thầy cô đưa mắt nhìn các em cũng đã giật mình và khiến các em thay đổi tích cực.

Vậy, tại sao một số thầy cô lại cứ phải phạt, phải quở trách, thậm chí xúc phạm học trò- dù có những lỗi thật ra chẳng có thể quy vào lỗi được như chuyện học sinh nhìn đồng hồ mà cũng ghi vào sổ đầu bài và bắt học sinh đứng suốt tiết học!

NGUYỄN NGUYÊN