Phan Thiết đã có chỉ đạo trả tiền dạy thêm, vì sao các trường vẫn ngâm?

22/08/2020 06:42
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiền học buổi 2 là do chính phụ huynh đóng hàng tháng thì không có lý do gì để các trường tiểu học nơi đây không trả theo tháng cho giáo viên đã giảng dạy.

Bài viết “Phan Thiết có tình trạng lợi dụng Covid-19 "ngâm" tiền dạy buổi 2 của giáo viên?” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 3/8 phản ánh việc giáo viên Phan Thiết dạy học 2 buổi cả năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền.

Chúng tôi đã phân tích khá kỹ việc dạy buổi 2 ở các trường công lập hiện nay chính là kiểu dạy thêm tại trường có thu học phí.

Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (Ảnh chụp màn hình)Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (Ảnh chụp màn hình)

Kiểu dạy này dựa trên cơ sở chính là sự thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh trong trường học ấy. Học sinh học bao nhiêu tháng thì phụ huynh phải nộp tiền đủ bấy nhiêu tháng cho nhà trường.

Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên dạy bao nhiêu tháng sẽ được nhận đủ tiền bấy nhiêu tháng dạy thêm mà không phụ thuộc vào việc có dạy đủ quy định 35 tuần học chính khóa hay không.

Hình thức dạy này, về nguyên tắc, phụ huynh sẽ nộp tiền học cho con theo tháng và nhà trường cũng sẽ phải trả thù lao cho giáo viên dạy (sau khi trừ % theo quy định) theo từng tháng.

Thế nhưng theo phản ánh của giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Phan Thiết hiện nay thì phụ huynh đã đóng tiền học thêm cho nhà trường từng tháng nhưng giáo viên hiện vẫn chưa nhận được tiền dạy thêm dù chỉ một tháng.

Không trả tiền dạy buổi 2 cho giáo viên, nhà trường đang làm sai sự chỉ đạo của thành phố Phan Thiết?

Mới đây, phòng Tài chính-Kế hoạch thành phố Phan Thiết ban hành Công văn số: 1231/TCKH-TC về việc triển khai thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục năm học 2019 -2020- 2002 -2021. Công văn nêu rõ:

Công văn số: 1231/TCKH-TC về việc triển khai thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục năm học 2019 -2020- 2002 -2021.

Công văn số: 1231/TCKH-TC về việc triển khai thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục năm học 2019 -2020- 2002 -2021.

“…Đối với các trường có thu học phí, thu mặt bằng căn tin mặt bằng giữ xe học sinh và thu dạy thêm học thêm, ôn tập thì đơn vị rà soát, xác định các khoản kinh phí giảm trừ của các tháng phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19…

Để thống nhất phương án hoàn trả cho phụ huynh học sinh các khoản thu trong trường hợp nhà trường đã tổ chức thu của các tháng tạm nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19;

Các trường tổ chức họp bàn trong trong Hội đồng nhà trường và phụ huynh học sinh để đề xuất phương án hoàn trả cho phụ huynh học sinh theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh”.

Công văn của Phòng Tài chính-Kế hoạch thành phố Phan Thiết nhấn mạnh: các trường có thu học phí, thu dạy thêm học thêm, ôn tập thì rà soát, xác định các khoản kinh phí giảm trừ của các tháng phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19 và hoàn trả cho phụ huynh học sinh các khoản thu trong trường hợp nhà trường đã tổ chức thu của các tháng tạm nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19;

Rõ ràng, theo công văn sẽ giảm khoản kinh phí của các tháng phải nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, nếu trường nào đã thu tiền những tháng ấy thì giờ sẽ tính toán và trả lại cho phụ huynh (chứ không phải trả lại hoàn toàn 9 tháng đã thu như một số trường đang làm).

Vì thế đương nhiên, những tháng học sinh đã học thêm phụ huynh phải đóng đủ và những tháng giáo viên đã dạy thêm trong thời gian qua sẽ phải được nhận đầy đủ.

Giáo viên phải được trả tiền dạy buổi 2, phụ huynh sẽ được trả lại 2 tháng học sinh không học vì nghỉ dịch Covid-19

Như chúng tôi đã phân tích, việc dạy 2 buổi ở các trường tiểu học hiện nay chính là việc dạy thêm theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh theo đúng tinh thần của công văn số 282/UBND-VXDL.

Bởi thế, giáo viên phải nhận được số tiền dạy thêm hằng tháng của mình từ phía phụ huynh đóng góp.

Cụ thể, trong năm học vừa qua, giáo viên đã dạy 7 tháng và phụ huynh cũng đã đóng đủ 7 tháng cho nhà trường. Trường hợp những phụ huynh đã đóng đủ tiền của cả năm học (9 tháng) sẽ được trả lại 2 tháng vì dịch Covid-19 các em không đến trường học.

Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập nêu rõ:

“Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí tiền lương dạy thêm giờ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cơ sở giáo dục công lập quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư liên tịch này, căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thực hiện thanh toán hoặc tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp”.

Đó là việc thanh toán tiền công dạy thêm giờ bằng ngân sách nhà nước nên cần phải căn cứ điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thực hiện thanh toán hoặc tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp.

Thế nhưng, tiền học buổi 2 là do chính phụ huynh đóng hàng tháng thì không có lý do gì để các trường tiểu học nơi đây không trả theo tháng cho giáo viên đã giảng dạy.

Việc nhà trường thu tiền của phụ huynh và “ngâm” không chịu trả cho giáo viên từng tháng là vi phạm quy định trong Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính

Việc vi phạm quy định này, ai sẽ chịu trách nhiệm? Nếu không phải là chính hiệu trưởng các trường tiểu học?

Phải chăng vì lý do này mà chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với một số hiệu trưởng trường tiểu học nơi đây để làm rõ vấn đề nhưng vẫn không nhận được sự hợp tác?

Phan Tuyết