Phản biện tác giả Nguyễn Trọng Bình về văn bản "Tôi đi học" trong sách giáo khoa

10/09/2021 06:51
Thanh Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc rút gọn văn bản để đưa vào sách giáo khoa có thể chưa phải là giải pháp tối ưu nhưng đó chắc chắn không phải là cách làm tùy tiện, ngẫu hứng.

LTS: Trao đổi về việc cắt gọn văn bản "Tôi đi học" trong cuốn sách giáo khoa tiếng Việt, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, cô giáo Thanh Nguyên - một giáo viên Ngữ văn ở Trà Vinh đã có bài viết phân tích, phản biện với tác giả Nguyễn Trọng Bình.

Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Toà soạn đặt lại, trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi.

Bàn về văn bản "Tôi đi học" (theo Thanh Tịnh) xuất hiện trong sách giáo khoa tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, có nhiều ý kiến xuất hiện trên báo và cả mạng xã hội rất đáng quan tâm, trong đó có một ý kiến cho rằng:

Trong cuộc đời của mỗi con người, có rất nhiều “buổi mai”. Cụm “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” trong nguyên tác rất quan trọng. Nó có ý nghĩa và tác dụng giải thích đồng thời nhấn mạnh đến cái “buổi mai hôm ấy” – cái lần đầu tiên trong đời mà tác giả được mẹ mình “âu yếm nắm tay dẫn đi trên con đường dài và hẹp” để đến ngôi trường làng.

Vậy nên, tôi lấy làm lạ là tại sao Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng vốn là một chuyên gia ngôn ngữ lại có thể tùy tiện cắt gọt và gộp lại 2 câu văn của Thanh Tịnh thành một câu như thế?

Việc làm này theo chúng tôi, đã vô tình làm méo mó nội dung, ý nghĩa, khiến khó nhận ra cái hồn cốt, văn phong cũng như sắc thái tình cảm, cảm xúc của cố nhà văn Thanh Tịnh trong nguyên tác "Tôi đi học". [1]

Chúng tôi xin có ý kiến trao đổi thêm với tác giả bài viết trên như sau:

1. Xem xét từ góc độ yêu cầu cần đạt của môn tiếng Việt 1 theo Chương trình 2018

Tập trung vào năng lực đọc hiểu văn bản văn học, Chương trình yêu cầu như sau:

Đọc hiểu nội dung:

  • Hỏi và trả lời được những câu hỏi đơn giản liên quan đến các chi tiết được thể hiện tường minh

  • Trả lời được các câu hỏi đơn giản về nội dung cơ bản của văn bản dựa vào gợi ý, hỗ trợ.

Đọc hiểu hình thức:

  • Nhận biết được hình dáng, hành động của nhân vật thể hiện qua một số từ ngữ trong câu chuyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

  • Nhận biết được lời nhân vật trong truyện dựa vào gợi ý của giáo viên.

[2; tr.18,19]

Từ đó cho thấy, năng lực văn học thẩm bình phong cách tác giả chưa phải là yêu cầu cần đạt của môn tiếng Việt, ở khối lớp 1.

Như vậy, lí do của tác giả bài viết đưa ra về việc sử dụng văn bản rút gọn sẽ khiến học sinh khó nhận ra cái hồn cốt, văn phong cũng như sắc thái tình cảm, cảm xúc của cố nhà văn Thanh Tịnh trong nguyên tác "Tôi đi học", vì không nằm trong yêu cầu cần đạt của chương trình, nên không phải là điểm trừ của văn bản mà tác giả sách giáo khoa đã chọn và đưa vào bộ sách của mình.

2. Xem xét từ cấu trúc sách giáo khoa và cấu trúc đơn vị bài học trong sách giáo khoa tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống

Ảnh 1: Mục lục sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, chủ điểm Mái trường mến yêu với bài 1 "Tôi đi học"

Ảnh 1: Mục lục sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, chủ điểm Mái trường mến yêu với bài 1 "Tôi đi học"

Nhìn vào cách sắp xếp bài học trong chủ điểm Mái trường mến yêu, chúng ta dễ nhận ra trình tự xen kẽ về thể loại: văn xuôi – thơ – văn xuôi - thơ – văn xuôi – thơ.

Như vậy để phục vụ cho một đơn vị bài học, tác giả biên soạn sách giáo khoa phải huy động đồng thời nhiều văn bản với một ma trận yêu cầu cần đạt (về thể loại văn bản, về đơn vị kiến thức tiếng Việt, về phục vụ 4 kĩ năng đọc – viết – nói – nghe,…).

Chính vì vậy, nếu ai không tiếp cận trọn vẹn cuốn sách giáo khoa này sẽ nghĩ đến việc sao không thay văn bản "Tôi đi học" (theo Thanh Tịnh) đó bằng một văn bản khác (có người đề xuất văn bản Đi học, trùng với văn bản 2 của chủ điểm vì không biết rằng nó cũng đã được tác giả sách giáo khoa huy động; có người đề xuất “Con cò be bé”, hay “Mẹ đi vắng” là ca từ của bài hát thiếu nhi, thì ngôn ngữ của các văn bản đó gần với thơ, trong khi cuốn sách đang cần một văn bản văn xuôi cho chủ điểm này, bên cạnh 2 văn bản văn xuôi khác!).

Hoạt động và câu hỏi trước khi đọc văn bản “Tôi đi học”

Hoạt động và câu hỏi trước khi đọc văn bản “Tôi đi học”

Hoạt động đọc và câu hỏi khi đọc văn bản “Tôi đi học”

Hoạt động đọc và câu hỏi khi đọc văn bản “Tôi đi học”

Hoạt động sau khi đọc văn bản “Tôi đi học”

Hoạt động sau khi đọc văn bản “Tôi đi học”

Hoạt động sau khi đọc văn bản "Tôi đi học" (tiếp theo)

Hoạt động sau khi đọc văn bản "Tôi đi học" (tiếp theo)

Mặt khác, nhìn lại toàn bộ tiến trình hoạt động dạy học được thiết kế trong sách giáo khoa liên quan trực tiếp đến văn bản "Tôi đi học" (theo Thanh Tịnh), nhất là hệ thống câu hỏi kèm theo trước, trong và sau khi đọc văn bản (các ảnh 2, 3, 4, 5 đính kèm), chúng ta nhận thấy nó đạt yêu cầu về năng lực đọc hiểu văn bản văn học quy định trong chương trình 2018 đã nêu ở trên.

3. Xem xét từ phương pháp xử lí ngữ liệu khi đưa vào sách giáo khoa

Ai cũng hiểu nếu chọn và đưa được nguyên tác vào sách giáo khoa là một cách làm rất đúng đắn, ít gây ra tranh cãi (tiền đề là văn bản đó đã thỏa mãn yêu cầu khoa học và sư phạm).

Song song đó, ai cũng hiểu đặc thù của ngữ liệu trong sách giáo khoa tiếng Việt bậc tiểu học, và nhất là lớp 1, còn có những đòi hỏi khắt khe về tỉ lệ từ vựng, ngữ âm,… đã học của trẻ.

Chính vì vậy để chọn một văn bản thỏa mãn các tiêu chí ấy không hề đơn giản, và với một chủ điểm thì cần phải đến 6 văn bản phải vừa thơ vừa văn xuôi cùng ma trận yêu cầu cần đạt khác quả là một thách thức mà chúng tôi tin không một tác giả sách giáo khoa nào dám tùy tiện cả.

Người biên soạn nếu không chọn được một văn bản có sẵn, họ có thể tự tạo lập một văn bản, đó cũng là một giải pháp.

Tuy nhiên, cũng có một giải pháp khác đó là tóm tắt lại một văn bản đã có và đây là một giải pháp được nhiều người dùng chứ không phải là sự ngẫu hứng của tác giả bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Vấn đề bàn cãi là chất lượng của bản tóm tắt. Đây lại là một khía cạnh có khả năng dẫn đến những nhận định chủ quan vì nó chịu sự tác động của tiếp nhận văn học, sự tiếp nhận đó lại chịu ảnh hưởng của cả kí ức tiếp nhận của các thế hệ.

Như vậy, để khách quan nhất, chúng ta chỉ nên xét văn bản "Tôi đi học" (theo Thanh Tịnh) trong bộ sách và tác phẩm "Tôi đi học" (nguyên văn Thanh Tịnh) trên cơ sở nội dung và hình cơ bản của 2 văn bản này.

Thứ nhất, nội dung của văn bản gồm các thành tố đề tài, chủ đề, tình thái. [3 ; 36]

Tác phẩm "Tôi đi học" (nguyên văn Thanh Tịnh):

  • Đề tài: kỉ niệm ngày đi học

  • Chủ đề: kỉ niệm ấy vô cùng sống động, gần gũi với không gian, thời gian và con người hiện ra

  • Tình thái văn bản: thái độ trân trọng, thiết tha với kỉ niệm đó.

Đọc văn bản "Tôi đi học" (theo Thanh Tịnh) trong Sách giáo khoa tiếng Việt 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), ta thấy cũng có sự triển khai nội dung rất gần với nội dung văn bản gốc.

Để chủ đề của văn bản gốc được tái hiện triển khai đầy đủ, văn bản rút gọn đã khéo léo giữ lại các không gian từ con đường, ngoài và trong lớp học; con người: mẹ, thầy và bạn bè; Đó cũng chính là một ưu điểm đáng ghi nhận của văn bản rút gọn này.

Văn bản này được học sinh lớp 1 học ở học kì 2, cách thời gian khai trường lớp 1 của bản thân các em khoảng 4, 5 tháng. Trong một chừng mực nào đó sẽ gợi nhắc cho các em về một kỉ niệm rất gần vừa diễn ra đối với chính các em.

Thứ hai, hình thức văn bản gồm tiêu đề và chính văn, chính văn có các thuộc tính như sau: hoàn chỉnh, thống nhất, liên kết và mạch lạc. Hình thức của văn bản "Tôi đi học" (theo Thanh Tịnh) thỏa mãn các thuộc tính trên.

Như vậy, văn bản "Tôi đi học" (theo Thanh Tịnh) trong bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống là một văn bản rút gọn từ tác phẩm văn học khác, bản thân nó là một văn bản thỏa mãn các thuộc tính về nội dung và hình thức cần có của một văn bản nói chung và cũng là một văn bản rút gọn không phản lại văn bản gốc của tác giả.

Văn bản rút gọn có thể không giữ được trọn vẹn “hồn cốt, văn phong” của tác giả, đó là hiển nhiên, nhưng đối với văn bản rút gọn này, cá nhân tôi vẫn cảm nhận sự gợi nhớ đến văn bản gốc, và với tư cách một giáo viên đang đứng lớp, thầy/cô ấy hoàn toàn có thể chủ động mời gọi học sinh thưởng thức một trích văn từ "Tôi đi học" của Thanh Tịnh và tìm đọc văn bản đầy đủ của tác phẩm.

Ngoài ra, không biết tác phẩm này có dịp quay lại trong sách giáo khoa cũng ở bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống ở khối lớp khác không? Khi đó, với đối tượng học sinh đã đọc thông, tác phẩm sẽ dễ dàng có cơ hội trình hiện đầy đủ và việc một tác phẩm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần với mức độ yêu cầu đọc và hiểu khác nhau cũng là một phương pháp sư phạm chạm khắc vào ghi nhớ xưa nay.

Tóm lại, việc rút gọn văn bản để đưa vào sách giáo khoa có thể chưa phải là giải pháp tối ưu, chất lượng văn bản rút gọn có thể sẽ có nhiều người khen chê, nhưng đó chắc chắn không phải là cách làm tùy tiện, ngẫu hứng của tác giả sách giáo khoa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống trong trường hợp văn bản "Tôi đi học", mà nó là một giải pháp có cân nhắc, có sự thận trọng về mặt chuyên môn.

Điều này rất xứng đáng được tiếp nhận và đóng góp một cách xây dựng, để học sinh có được một tài liệu học tập tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Trọng Bình, Cắt gọt "Tôi đi học" từ sách giáo khoa lớp 8 xuống lớp 1 là cách làm tùy tiện [https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/cat-got-toi-di-hoc-tu-sach-giao-khoa-lop-8-xuong-lop-1-la-cach-lam-tuy-tien-post220860.gd]

  2. Bộ Giáo dục và đào tạo, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018)

  3. Chim Văn Bé, Văn bản và làm văn – Rèn luyện kĩ năng viết văn bản nghị luận, Trường Đại học Cần Thơ, 2008.

Thanh Nguyên