Phản biện của một phụ huynh về đề xuất bán trường chuyên Hà Nội - Amsterdam

25/06/2020 14:00
THÚY NGỌC
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ huynh nghĩ gì về việc có nên bán trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam nói riêng và các trường chuyên nói chung hay không?

Mấy hôm nay thấy nhiều tiến sỹ lên đề nghị bán hết trường chuyên, toàn những người thành danh và có cả những cựu học sinh chuyên, nhưng họ người thì học chuyên lâu rồi, người thì khuyên con không nên học…. tóm lại có cảm giác cũng là những người nhìn từ ngoài vào.

Vậy nên, tôi muốn đóng góp thêm ý kiến từ khía cạnh là một phụ huynh, là một người trong cuộc, gắn bó với Chuyên Hà Nội – Amsterdam qua con lớn và cũng không đến nỗi “cuồng chuyên” hay “cuồng Ams” – bằng chứng là cậu con bé không thi chuyên nữa.

Cũng không phải là tại cậu bé không có khả năng. Nhìn vào thành tích bạn đạt được trong các cuộc thi toán, tiếng Anh, khoa học… và chứng chỉ quốc tế như Toefl, SAT thuộc top 5% thế giới… thì bạn học cũng không tệ.

Chắc chắn đỗ thì không dám nói nhưng nếu đặt mục tiêu để phấn đấu nhiều khả năng sẽ đỗ, không đỗ chuyên này cũng đỗ chuyên kia, Hà Nội nhiều trường chuyên mà! Nhưng bạn xác định luôn là không thi Chuyên. Tại sao thì tôi xin nói ở phần dưới.

Đầu tư cho trường chuyên cao hơn như thế có đúng không?

Tôi không biết đầu tư cho trường chuyên cao khoảng hơn gấp đôi trường thường như thế là cao hay thấp. Đánh giá này chắc phải có chuyên gia định lượng, định tính tử tế mới biết.

Nhưng tại sao như vậy lại là không công bằng? Nói như vậy thì Nhà nước tăng đầu tư cho học sinh khuyết tật hay dân tộc thiểu số cũng là bất công với những bạn người Kinh hay bình thường khác?!

Công bằng không có nghĩa là cào bằng. Đối tượng nào cần đầu tư thì phải đầu tư. Tôi xin mượn lại bảng chi sự nghiệp giáo dục của Hà Nội để mọi người xem và cùng suy nghĩ.

Trường cho học sinh khuyết tật nổi tiếng ở Hà Nội có khiếm thị như trường Nguyễn Đình Chiểu, khiếm thính như trường Xã Đàn... và rất nhiều trường khác có định mức gấp đôi trường thường.

Hệ thống trường Dân tộc nội trú thì phủ đến hơn 50 tỉnh thành với hơn 300 trường (Hà Nội cũng có mấy trường). Học sinh không chỉ học miễn phí mà được nhà nước nuôi ăn ở... hoàn toàn thì định mức gấp 3.

Tôi tin để ra được định mức đó cũng phải có phương án và phê duyệt, nếu chỗ nào chưa ổn thì kiến nghị, phân tích, cập nhật một cách khoa học. Không thể đơn giản nói một câu: phải bằng nhau được!

Trường chuyên có cần không?

May quá! Có vẻ các tiến sỹ đang đòi bán trường chuyên cũng đều đồng ý là vẫn cần trường chuyên!

Đơn giản, ai cũng hiểu để tối ưu hiệu quả giáo dục thì với mỗi đối tượng học sinh nên có những cách dạy phù hợp.

Nhân tài thì phải bồi dưỡng. Con tôi và tuyệt đại đa số các bạn trong Ams hay Chuyên khác cũng chả ai dám nhận là nhân tài, kể cả những bạn đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế.

Mà đúng thế thật! Rất, rất hiếm những đứa trẻ đã thể hiện được sự vượt trội hơn hẳn chúng bạn từ khi còn nhỏ. Các bạn thi đỗ vào Chuyên (cấp 3) phần lớn đều mới chỉ có thể nói là Khá – Giỏi.

Xuất phát điểm các bạn có chênh nhau nhưng không quá cách biệt. Một thủ khoa chuyên đầu vào lớp 9 cả cấp 3 không có giải quốc gia là bình thường.

Các học sinh chuyên đều phải trong quá trình học tìm thấy đam mê, mục tiêu, sở trường của mình mà từ đó phấn đấu.

Các trường chuyên, các đội tuyển, các giáo viên đầy kinh nghiệm và nhiệt huyết sẽ giúp các học sinh khá – giỏi lúc vào phát triển hết khả năng của mình.

Nếu chỉ chọn một nhóm nhỏ, chúng ta có thể tìm ra ngay những học sinh xuất chúng như các bạn ở đội tuyển Olympic Vật lý 2019 này không? Đội đã mang về 3 Huy chương Vàng và 2 Bạc cho Việt Nam.

Đội tuyển Olympic Vật lý mang lại vinh quang cho Việt Nam toàn học sinh chuyên

Đội tuyển Olympic Vật lý mang lại vinh quang cho Việt Nam toàn học sinh chuyên

Bán trường chuyên mới là tạo ra sự bất bình đẳng

Tôi có cảm giác đâu đây trong các bài phân tích rất hùng hồn của mấy tiến sỹ có một sự đánh tráo khái niệm rất lớn, khi nói là nên tư nhân hóa các trường chuyên để tạo sự bình đẳng xã hội?!!!

Bình đẳng ở đâu khi trường đã bị tư nhân hóa, những học sinh có học lực tốt, đáng lẽ được thi công khai, có cơ hội công bằng để được vào trường Chuyên, được đào tạo lên sẽ phải ngậm ngùi từ bỏ vì không đủ học phí?!

Đừng nghĩ đến Học bổng, đã là tư nhân hóa, kể cả phi lợi nhuận học bổng cũng không nhiều đến thế đâu!

Như tôi đã nói ở trên, học sinh chuyên đầu cấp không quá chênh nhau đến thế, một phần vì chương trình cấp 2 còn nhẹ, chưa phân hóa lớn.

Và làm sao cho những đứa trẻ nhà nghèo, vốn chưa được dạy riêng, chưa được tiếp cận với các chương trình rất chuyên sâu có thể bỗng dưng tỏa sáng vượt trội hơn cả các bạn có điều kiện, đủ để nhà trường hay Nhà nước phát hiện ra và cấp học bổng cho các em theo học?!

Con trai thứ 2 của tôi được học bổng toàn phần hệ Cambridge của một trường tư, nhưng mỗi năm tôi vẫn phải đóng cho con khoảng 50 triệu đồng tiền một loạt thứ phí khác như bán trú, xe cộ, đồng phục, sách vở... gấp mấy chục lần tiền học phí trường công.

Con tôi là dạng may mắn vì rất, rất ít khi các trường tư cho học bổng toàn phần. Thường chỉ có các trường có hậu thuẫn rất lớn từ ngành khác, mà cũng chỉ theo đợt khi trường mới mở cơ sở mới hay chương trình học mới, cần thu hút học sinh giỏi.

Cách học và cách thi của các trường tư thục, quốc tế lớn đều hướng đến giáo dục quốc tế, nên để thi được học bổng như con tôi các bạn nhà nghèo mới là không có cơ hội, vì họ yêu cầu cả những thứ rất ít học được ở trường công như tiếng Anh, khả năng thuyết trình...

Trường công, chính là để Nhà nước thực hiện vai trò điều tiết của mình, bù đắp ngân sách cho học sinh nghèo có năng lực được tiếp cận với giáo dục cao cấp, có cơ hội được trui rèn để tỏa sáng.

Trong các trường chuyên và cả đội tuyển quốc gia hiện nay đều có những học sinh nhà rất nghèo, bố mẹ làm nông thuần túy hay chạy xe ôm.

Nếu các trường tư có đợt thi học bổng đi nữa thì các em ngay đến thông tin cũng chắc gì tiếp cận được mà hy vọng giành học bổng từ hệ thống tư nhân?

* Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

THÚY NGỌC