Phản ánh việc giáo viên dâm ô học sinh bằng cách nào?

24/12/2018 06:20
Phan Tuyết
(GDVN) - Các cấp có thẩm quyền cần thành lập một kênh thông tin tố cáo tình trạng dâm ô trong trường. Thao tác dễ dàng để bất kì ai cũng có thể sử dụng.

LTS: Việc tố cáo tiêu cực nói chung và phản ánh việc giáo viên dâm ô với học sinh nói chung còn đang gặp nhiều trở ngại.

Cô giáo Phan Tuyết kiến nghị về kênh tố cáo thông tin tố cáo dâm ô trong trường học.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Câu chuyện Hiệu trưởng Đinh Bằng My - Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở Thanh Sơn (Phú Thọ) bị khởi tố, bắt giam vì xâm hại hàng chục nam sinh trong trường đang gây phẫn nộ cho tất cả mọi người.

Không chỉ thế, tập thể giáo viên nơi ấy cũng bị dư luận chỉ trích gay gắt vì sự im lặng đáng sợ khi không có ai dám đứng ra tố cáo hành vi mất nhân tính của hiệu trưởng nhà trường.

Sự ích kỉ, hèn nhát của giáo viên (những người luôn xưng là cha mẹ của học sinh ở trường) bị dư luận buộc tội là bao che, đồng lõa.

Phản ánh việc giáo viên dâm ô học sinh bằng cách nào? Ảnh minh hoa: Tienphong.vn
Phản ánh việc giáo viên dâm ô học sinh bằng cách nào? Ảnh minh hoa: Tienphong.vn

Thế nhưng bên cạnh những lời lên án gay gắt ấy cũng có không ít ý kiến cho rằng, giáo viên không thể tự mình lên tiếng tố cáo khi không có bằng chứng xác thực trong tay.

Bởi, ai sẽ tin mình? Từ xưa đến nay, pháp luật của chúng ta luôn trọng chứng hơn trọng cung.

Không cẩn thận sẽ bị quy vào tội vu khống đồng nghiệp, nguy hiểm hơn người đó lại chính là hiệu trưởng của mình.  

Hiện tượng Đinh Bằng My có phải là cá biệt?

Một cô giáo đã về hưu (từng nhiều năm dạy ở trường dân tộc nội trú) cũng trút bầu tâm sự trên Facebook chuyện mình từng phải câm nín khi thấy có chuyện dâm ô trong trường vì biết rõ chuyện đó nhưng cô nói nếu tố cáo cũng chẳng ai tin mình.

Và cô biết chắc chắn hậu quả xấu sẽ đến với mình mà vẫn không thể bảo vệ được các em.

Cứ nghe báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ khi sự việc Đinh Bằng My bị phát giác.

Chuyện tội ác tày trời như thế mà họ vẫn chỉ cho là hành vi không chuẩn mực của ngài hiệu trưởng.

Phản ánh việc giáo viên dâm ô học sinh bằng cách nào? ảnh 2Im lặng để Hiệu trưởng xâm hại học sinh là tội ác

Chính bản thân người viết bài đã có tới vài lần được nghe phản ánh trường học ấy, giáo viên ấy dâm ô với học trò nhưng xin bằng chứng để tố cáo lại chẳng ai có cái gì ngoài điều họ nói nghe được, thấy được những biểu hiện bất thường (cái này không được gọi là bằng chứng) hay chỉ là những linh cảm (họ khẳng định chắc chắn không sai)… dù cả trường xôn xao nhưng thầy cô cũng chỉ dám xì xào to nhỏ với nhau mà chẳng ai dám lên tiếng tố cáo.

Giáo viên phản ánh dâm ô bằng cách nào?

Nếu không có bằng chứng như hình ảnh, tin nhắn… giáo viên chỉ biết hoặc nghi ngờ điều bất thường sẽ phải phản ánh chuyện này bằng cách nào?

Đây là điều không hề dễ. Đôi khi chuyện mười mươi, nhiều hiệu trưởng còn tìm cách bao che vì sợ xấu mặt trường, sợ ảnh hưởng thi đua nên vẫn cố tình ém nhẹm cho đến lúc không thể giấu được nữa.

Vậy nên, giáo viên có phản ánh (có bằng chứng) cũng sẽ bị bưng bít thông tin hoặc cùng lắm xử lý nội bộ.

Còn không có bằng chứng thì chính thầy cô phản ánh ấy sẽ bị ghép vào tội làm mất đoàn kết và chia rẽ nội bộ, không khéo còn bị kiện thưa mà chẳng có cách gì bảo vệ nổi mình.

Ai đang bảo vệ con chúng tôi?

Người dâm ô là giáo viên còn thế, nếu là hiệu trưởng lại càng khó phản ánh hơn nhiều.

Bởi cấp trên xưa nay chỉ tin tưởng cán bộ quản lý mà tiếng nói của giáo viên chẳng khác nào “đá ném ao bèo’.

Chỉ cần giáo viên phản ánh, hoặc đưa đơn thì lập tức sẽ được trả về chính nơi sở tại. Và người thụ lý sự việc ấy lại chính là hiệu trưởng.

Thử hỏi với kiểu quy định làm việc thế này, liệu người tố cáo có gánh nổi tội không?

Vì những lẽ đó, phần lớn thầy cô chọn cách im lặng cho xong chứ hoàn toàn không phải vô cảm, máu lạnh cũng là điều dễ hiểu.

Cần có thêm kênh thông tin tố cáo dâm ô trong trường học

Phản ánh việc giáo viên dâm ô học sinh bằng cách nào? ảnh 3Điều tra vụ một nữ sinh lớp 8 nghi bị hãm hiếp, đang tạm giữ thầy giáo

Các cấp có thẩm quyền cần thành lập một kênh thông tin tố cáo tình trạng dâm ô trong trường.

Thao tác dễ dàng để bất kì ai cũng có thể sử dụng.

Không chỉ dành cho giáo viên, chính học sinh cũng có quyền tố cáo.

Người tố cáo, không nhất thiết phải khai họ tên đầy đủ nếu họ không muốn. Không yêu cầu phải có bằng chứng mới hợp lệ.

Giống như chuyên mục bạn đọc của các báo, đôi khi chỉ cần vài dòng tin nhắn công ty A, xí nghiệp B làm ăn bất chính, các tòa soạn lập tức cử phóng viên đi điều tra viết bài. Và nhờ đó, nhiều vụ việc lớn đã được đưa ra ánh sáng.

Trở lại việc ở trường học, khi nhận được thông tin tố cáo, cơ quan chức năng sẽ tổ chức điều tra và làm rõ mà người tố cáo chẳng bị làm khó.

Có như thế mới hy vọng giáo viên hoặc chính học sinh mạnh dạn tố cáo nạn dâm ô trong trường học đang có chiều hướng gia tăng hiện nay.

Phan Tuyết