Phải tăng lương cho thầy cô để loại bỏ phong bì, dạy thêm

09/11/2018 07:35
Đỗ Thơm
(GDVN) - Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, chính sách tiền lương đối với nhà giáo tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) còn chung chung, không cụ thể.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 để hoàn chỉnh và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp tới.

Về chính sách tiền lương đối với nhà giáo (Điều 76), báo cáo giải trình của Chính phủ tiếp thu ý kiến đóng góp nhấn mạnh, dự thảo Luật quy định, nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Lương giáo viên sẽ cao hơn lương sĩ quan công an, quân đội?

Việc sửa đổi này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW và Nghị quyết 27-NQ/TW.

Ngày 16/8/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Về nội này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chủ trương chính sách tiền lương phải tương xứng với đặc thù nghề, với vị trí, vai trò của nhà giáo là quan điểm nhất quán trong các nghị quyết của Đảng.

Tuy nhiên, việc thể chế hoá quan điểm trên trong hệ thống luật pháp còn bất cập, đặc biệt từ sau việc sửa đổi Luật Giáo dục vào các năm 2005, 2009.

Về nội dung này, báo cáo thẩm tra cho biết, đa số ý kiến đồng tình với quy định về lương nhà giáo tại Điều 76 của Dự thảo Luật và cho rằng, quy định này đã phù hợp với Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: T.Trung
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: T.Trung

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nghị quyết 27 quy định chính sách lương chung cho các ngành, lĩnh vực, chưa tính đến đặc thù riêng của nghề giáo.

Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể trong dự thảo Luật về chính sách lương bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp, vị trí, vai trò của nhà giáo; về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ chức năng trong xây dựng chính sách tiền lương và quản lý biên chế.

Phát biểu thảo luận tại tổ về Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh ông rất quan tâm đến mức tiền lương của bậc tiểu học.

Vì đây là bậc học quan trọng, gắn với hình thành nhân cách, đạo đức của con người.

Theo đại biểu, chính những người thầy bậc tiểu học là khởi nguồn giảng dạy các em lòng yêu thương gia đình, bạn bè, quê hương đất nước.

“Giờ tôi vẫn nhớ mãi những bài học của các thầy, cô bậc tiểu học... Nên vai trò của người thầy ở bậc tiểu học rất lớn.

Vì thế cần nâng lương lên cho các thầy, cô để làm sao họ gắn được với trách nhiệm của mình mà không chịu ảnh hưởng phong bì, dạy thêm…”, ông Ngân nêu ý kiến.

Đồng quan điểm về việc cần có cân nhắc tính toán về chính sách tiền lương với giáo viên, đại biểu Nguyễn Văn Chương - đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng dự thảo về chính sách tiền lương còn chung chung, chưa cụ thể.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị phải tính toán lại để làm sao để cho các thầy, cô yên tâm công tác, yêu nghề.

Đỗ Thơm