Phải nói thẳng học bạ toàn 10 đi thi chỉ 1 điểm là rất bất thường!

06/08/2020 09:53
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học bạ toàn điểm 10 thi chỉ 1 điểm là minh chứng hùng hồn, sinh động cho tổng kết đánh giá không thực chất, điều mà thời gian sắp tới phải xóa bỏ trong giáo dục.

Trong những ngày qua dư luận đang quan tâm vấn đề điểm học bạ đẹp như mơ mà điểm thi thì như ... thực tế.

Để rộng đường dư luận, người viết giới thiệu cho bạn đọc nguyên tắc ra một đề kiểm tra và đề thi để đánh giá, tuyển chọn học sinh.

Muốn ra đề, người ra đề phải lập ma trận đề, bao hàm các chủ đề kiến thức đã học, dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng để có phân phối điểm hợp lý cho mỗi chủ đề.

Kiến thức kỹ năng kiểm tra gồm các mức độ nhận thức: Biết, hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao.

Dù đề của cá nhân, của trường, của phòng, của sở hay đề quốc gia đều phải dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Điểm và nội dung đề phân bố trên các mức độ nhận thức tùy theo mục đích của kỳ kiểm tra đánh giá để ra đề.

Dù mục đích đề ra như thế nào chăng nữa thì một đề ra cũng phải đủ bốn mức độ nhận thức mới là một đề ra đẹp và nhân văn.

Phải nói thẳng học bạ toàn 10 đi thi chỉ 1 điểm là rất bất thường! ảnh 1Kết quả tuyển sinh vào lớp 6 chất lượng cao Trường trung học cơ sở Cầu Giấy - Hà Nội, Ảnh: T.D chụp trang web của Trường.

Đề thi quá khó nên một số em học bạ 10 điểm thi 1 là điều bình thường?

Một học sinh được tổng kết bộ môn 10 điểm phải là học sinh giỏi hơn ... giáo viên. Chắc bạn đọc thắc mắc sao người viết nói vậy?

Muốn ra một đề kiểm tra, giáo viên phải mất ít nhất thời gian gấp đôi, gấp ba thời gian học sinh làm bài, học sinh làm đạt điểm tuyệt đối, rõ ràng trò hơn thầy, đó là hạnh phúc của nghề giáo.

Nói đơn giản học sinh đạt điểm 10 trong các kỳ kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ phải là học sinh cực kỳ xuất sắc trong nhận thức và tư duy, đạt chuẩn cao nhất nhất về kiến thức và kỹ năng của lớp học, bậc học.

Thế nhưng học sinh học bạ 10 điểm thi 1 trong thi tuyển sinh đầu vào trung học cơ sở, trung học phổ thông đó không thể là điều bình thường, dù mục đích đề ra là để tuyển sinh, phân hóa cao.

Theo anh Nguyễn Văn Định ở quận Đống Đa (Hà Nội): “Với 11/14 lần kiểm tra định kỳ đều đạt 10 điểm thì thực sự là một thành tích đáng khâm phục. Điểm tổng kết các môn của con từ lớp 1 đến lớp 5 luôn đạt điểm giỏi.

Năm ngoái, tôi tự tin đăng ký cho con thi tuyển vào lớp 6 tới 3 trường thuộc nhóm chất lượng cao nhưng kết quả thi thực tế của con lại dưới điểm tuyển của cả 3 trường.

Do vậy, điểm số cao không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với năng lực thực của các cháu”[1]. Đó là lời tâm sự chân thành, có trách nhiệm của người trong cuộc.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn.

Tổng kết 10 thi chỉ 1 điểm, phải nói thẳng, nói thật là rất không bình thường!

Từ bao giờ xuất hiện học bạ ... toàn điểm 10?

Người ta phải đỏ mắt mới thấy điểm 9 trong bảng điểm của học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Bảng điểm đẹp như mơ xuất phát từ chính quy định trong hướng dẫn công tác tuyển sinh lớp 6 năm học 2019-2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đối với Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Cụ thể, để dự tuyển, đối tượng tuyển sinh phải đảm bảo đủ các điều kiện sau: Tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn Toán và Tiếng Việt của 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Như vậy, các bài kiểm tra phải đạt điểm trong khoảng từ 9 đến 10 điểm.

Cuối các năm học lớp 3, lớp 4 và lớp 5 học sinh phải đạt danh hiệu “Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện”.

Năm lớp 3, học sinh phải đạt tổng điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn Toán, Tiếng Việt phải là 20 điểm. Như vậy, cả hai môn đều phải đạt điểm 10.

Năm lớp 4 và 5, tổng điểm các bài kiểm tra định kỳ cuối năm 4 môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý đạt 40 điểm/lớp. Như vậy, từng năm, học sinh phải có cùng lúc 4 bài kiểm tra đạt điểm 10.

Điểm sơ tuyển sẽ là tổng điểm học tập cấp tiểu học và điểm ưu tiên đạt từ 139 điểm trở lên.[2]

Ai đang đọc bài này đều hiểu thực tế đạt điểm 9, 10 trong học tập là rất khó. Những cuốn học bạ “siêu nhân” chỉ xuất hiện khi Hà Nội có trường chuyên, lớp chọn, trường công lập chất lượng cao hay hệ song bằng.

Để qua vòng “gửi xe” ở các trường này đầu tiên học sinh phải có học bạ đẹp, vô hình trung chính quy định của cơ quan quản lý đã thổi bùng ngọn lửa “chạy học bạ”.

Trường công lập chất lượng cao để đào tạo nhân tài cho đất nước?

Đã có ý kiến bán trường chuyên, giải thể trường chuyên vì mất công bằng trong giáo dục. Vậy những trường công lập chất lượng cao, đầu vào ngất ngưởng, có phải đang đào tạo nhân tài cho quốc gia?

Để trả lời câu hỏi này thật ra vô cùng đơn giản, chỉ cần làm một phép thống kê những công chức, viên chức, nhà khoa học, tỷ phú đã học trường phổ thông nào, trường đại học nào, hình thức đào tạo nào?

Trường nào, hình thức đào tạo nào, đào tạo ra nhiều công chức, viên chức phục vụ đất nước thì vinh danh trường đó.

Người viết chưa tìm được con số thống kê nào về đóng góp của hệ thống trường chuyên, trường công lập chất lượng cao ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cho việc đào tạo nhân tài.

Nhưng sự bất công ngay trong chính một trường công lập do ngân sách đầu tư thì đã rõ. Cùng học một trường công, em nào vào lớp chất lượng cao thì đóng học phí cao hơn các em đại trà và hưởng các điều kiện giáo dục tốt hơn các em đại trà.

Hơn nữa, Hà Nội đang quá tải sĩ số các trường phổ thông công lập, các lớp chất lượng cao/song bằng sĩ số ít, thì áp lực lại dồn lên các lớp còn lại trong cùng một trường, hay các trường công khác trên cùng địa bàn.

Nói cách khác, mầm mống của phân chia giai cấp, tầng lớp giàu - nghèo đã xuất hiện ngay trong môi trường giáo dục công lập, nếu cách làm này vẫn được duy trì.

Vì vậy, dư luận đặt vấn đề có nên tiếp tục duy trì hệ thống trường chuyên, trường công lập chất lượng cao và các dịch vụ giáo dục có thu phí trong trường phổ thông công lập ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay không, là có cơ sở để cơ quan chức năng nghiên cứu.

Học bạ toàn 10 là trái tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Nghị quyết Số: 29-NQ/TW nêu rõ: "Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. [3]

Đề thi tuyển sinh vào lớp 6 khó đến mức có học sinh tổng kết toàn 10 điểm, thi chưa được 1 điểm, cho thấy tình trạng "nhồi nhét kiến thức" đang ngày càng nặng, đi ngược lại quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nêu trên.

Đây cũng là căn nguyên của tình trạng dạy thêm - học thêm tối ngày. Không học thêm thì học sinh khó có cửa để vào các lớp chất lượng cao công lập.

Như vậy hình thức tuyển sinh dựa vào học bạ đẹp và đào tạo theo kiểu học để thi, học để có “học bạ siêu nhân”, giáo dục vì “giấy khen” đang đi ngược lại Nghị quyết Số: 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Học bạ toàn điểm 10 thi chỉ 1 điểm là minh chứng hùng hồn, sinh động cho tổng kết đánh giá không thực chất, điều mà thời gian sắp tới phải xóa bỏ trong giáo dục.

Nếu đổi mới giáo dục mà không loại bỏ sự giả dối, chương trình mới cũng thất bại. Các cấp quản lý cần bám sát thực tế, có cơ chế chính sách phù hợp để loại bỏ giả dối trong giáo dục hiện nay, bắt đầu từ những cuốn học bạ trung thực.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/nhung-cuon-hoc-ba-toan-diem-10-559576.html

[2]https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-ba-sieu-nhan-toan-diem-10-du-thi-vao-truong-ams-hien-tuong-xa-hoi-khong-hiem-20190602140423584.htm

[3] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-va-dt.aspx?ItemID=3928

Lê Mai