PGS Văn Như Cương: Tôi hơi bất ngờ về phát ngôn của CT tỉnh Nam Định

23/06/2013 07:00
Xuân Trung
(GDVN) - Liên quan tới sự việc tỉnh Nam Định không tuyển người có bằng tại chức vào các cơ quan công quyền của tỉnh, PGS. TS Văn Như Cương khi nghe thấy thông tin này ông hơi …bất ngờ.
Là một nhà giáo có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh, lãnh đạo một trường THPT ngoài công lập và cũng là người thành lập ra trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam từ thời kỳ đổi mới, được đánh giá cao với năng lực sư phạm, PGS. TS Văn Như Cương không khỏi bất ngờ về cách tuyển dụng công chức của Nam Định trong thời gian qua. Mặc dù, Nam Định không phải là tỉnh duy nhất cả nước có chủ trương này. Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, khi đọc được phát ngôn của ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, cho rằng không tuyển tại chức vì tỉnh có quá nhiều người học giỏi. PGS. TS Văn Như Cương phản ứng: “Tôi hơi bất ngờ về phát ngôn của Chủ tịch tỉnh Nam Định, phát ngôn như vậy là hơi đáng trách. Nếu bất ngờ mà nói năng lúng túng thì có thể cho qua. Chứ còn nếu mà bảo là tỉnh có nhiều người học quá giỏi là không nên, vì tỉnh học tập không giỏi thì mới cần những người giỏi về chứ? Tôi cho là Nam Định làm vẫn không xác đáng”. Theo PGS. TS Văn Như Cương, với cách phân biệt bằng cấp như tỉnh Nam Định là không theo một quy luật nào, trong khi ngành giáo dục vẫn khẳng định bằng cấp giữa hai hệ có giá trị như nhau. Vì vậy, theo lời của PGS Cương không những Nam Định mà các tỉnh khác (nếu có) cũng có quyền đăng tuyển người nhưng quyền đó, cách thức tuyển đó cần phải phù hợp với tình hình chung.
PGS. TS Văn Như Cương nói, vẫn có cách tuyển dụng người bằng tại chức để có chất lượng tốt nhất.
PGS. TS Văn Như Cương nói, vẫn có cách tuyển dụng người bằng tại chức để có chất lượng tốt nhất.
Đối với cách làm của tỉnh Nam Định, nhiều ý kiến cho rằng có thể có được những cách tuyển dụng tốt hơn nếu trong tư duy tuyển công bằng, bằng cách phỏng vấn, có thi kể cả đối với những người có bằng chính quy hay không chính quy, vì thực tế người học không chính quy cũng là người giỏi thì sao?
Lý giải nguyên nhân UBND tỉnh Nam Định tiếp tục nói không với bằng tại chức trong thông báo tuyển dụng công chức năm 2013, gây xôn xao dư luận tại tỉnh này, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho hay: vì chất lượng đào tạo của tại chức thấp, thứ hai là vì Nam Định là tỉnh học quá giỏi…
PGS. TS Văn Như Cương chia sẻ suy nghĩ, trong ý tưởng của Nam Định, có thể tại chức tổ chức làm khắt khe hơn, không trách vì giáo dục từ xa có những chuyện không được nghiêm túc như chính quy: “Trong ấn tượng thì không trách nhưng tỉnh đề ra chủ trương như vậy tôi nghĩ không ổn”. Lâu nay, dân ta vẫn thường có tâm lý coi trọng bằng cấp, nhiều ý kiến khi nghe tới chủ trương không tuyển bằng tại chức hay dân lập của một số tỉnh, thành đều nhận định nguyên nhân là như trên. Với tâm lý suy nghĩ rằng, học tại chức là học bằng tiền, học bằng những buổi thuê người học để chạy chương trình… PGS. TS Văn Như Cương cho biết, ông hoàn toàn biết điều này, chính vì thế mới cần tới tuyển chọn công bằng, có thể tuyển chọn bằng việc giao cho người ứng tuyển một công việc xem có hoàn thành tới mức nào, có đáp ứng được yêu cầu hay không. Cái này chỉ cần kiểm tra là biết được. Một luồng dư luận khác lại cho rằng, không lấy bằng tại chức là để đảm bảo chất lượng công chức, cách làm như Nam Định là hoan nghênh. Cá nhân PGS. TS Văn Như Cương lại khẳng định, ông không có ý trách gì cách tuyển dụng như thế, nhưng cũng không nên đưa tiêu chuẩn từ chối tại chức ra. Lập luận của PGS Cương là: “Bây giờ chẳng nhẽ tôi đưa bằng Harvard ra là nhận ngay ư? Thì nó cũng bất hợp lí vì tâm lí của người Việt Nam biết đâu cũng là bằng mua? Biết đâu bằng trường công lập loại ưu, loại giỏi cũng mua, cũng chạy, có người làm hộ luận văn, biết đâu đấy?”. Và, PGS Cương đề nghị nếu không tin vào bằng cấp thì vẫn có cách kiểm tra riêng. Nhận định về cách làm của tỉnh Nam Định, ông cho rằng đó là cách làm cũng đã báo động cho hệ thống giáo dục ngoài công lập hay Giáo dục từ xa, tại chức phải làm thế nào nâng cao thương hiệu, nâng cao chất lượng, đólà việc lâu dài. Về nguyên tắc, nếu vẫn còn nghi ngờ về bằng cấp ngày nay thì có thể kiểm tra đàng hoàng. Lấy dẫn chứng về cách tuyển dụng viên chức tại tỉnh Quảng Ninh, PGS Cương cho hay: “Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng phải thi là một điển hình. Dù bằng tại chức hay bằng chính quy nhưng đã làm được đề bài ra là có thể nhận vào. Rất có thể anh học chính quy không được mà người học  tại chức lại được. Nên để nói cho công bằng thì ta nên tổ chức thi cho công minh, chính trực thì mới tuyển được người, như vậy sẽ không hạn chế được bằng cấp chính quy hay tại chức”.
Đánh mất cơ hội của người học

PGS. TS Văn Như Cương khẳng định, việc không lấy bằng tại chức chẳng khác gì đánh mất cơ hội của người học. Vì thực tế nhiều người do hoàn cảnh này kia có thể không học được hệ này, hệ khác. Với cách tuyển như vậy làm mất đi cơ hội học tập suốt đời của họ. Nếu các tỉnh trên toàn quốc đều tuyên bố như tỉnh Nam Định thì như vậy là xóa hết hệ thống tại chức, từ xa, như vậy là trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Xuân Trung