PGS Trần Hậu: Không nên lấy ý kiến bằng phát phiếu, kết quả chỉ để tham khảo

23/06/2022 07:06
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu: "Tôi từng chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước, không bao giờ làm điều tra lấy ý kiến bằng hình thức phát phiếu".

LTS: Ngày 20/6, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.

Theo đó, học phí trung học cơ sở dự kiến 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-150.000 đang áp dụng.

Tham gia phản biện dự thảo này, một số đại biểu đặt vấn đề tỷ lệ hơn 70% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí rất đáng "nghi ngờ", nhất là trong bối cảnh bão giá hiện nay.

Để có thêm góc nhìn về vấn đề điều tra xã hội học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Theo dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí trung học cơ sở dự kiến 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đang áp dụng. Hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự. Ông có suy nghĩ gì về mức tăng học phí này trong thời điểm hiện nay?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu: Trước khi ra chủ trương, quyết sách thì các ban ngành luôn có sự nghiên cứu kỹ càng và đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Đó là một điều cực kỳ quan trọng. Nhưng vấn đề then chốt nhất cần làm rõ là mục đích của việc tăng học phí sắp tới để làm gì. Học phí tăng thì chất lượng giáo dục có tăng không?

Nếu chưa rõ mục đích tăng học phí mà đã chọn đối tượng lấy phiếu thì có thể dẫn tới nhầm lẫn. Do đó, mọi vấn đề phải đi từ gốc đến ngọn. Nếu mục đích tăng học phí để chi vào các vấn đề giáo dục, giúp học sinh phát triển thì không chỉ phụ huynh mà cả xã hội đều vỗ tay ủng hộ. Ngược lại, nếu tăng học phí mà giáo dục không có nhiều cải thiện thì cần phải xem xét.

Do đó, việc tăng học phí thời điểm bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn thì phải làm sao cho người dân hiểu mục đích và ủng hộ chủ trương.

Phóng viên: Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội cho hay, có trên 74.000 ý kiến của cha mẹ có con học tại cơ sở giáo dục công lập và cán bộ giáo viên ở những trường này tham gia góp ý bằng phiếu, do các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục công lập thực hiện. Kết quả hơn 53.700 người đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72%.

Trong trường hợp này, đối tượng lấy ý kiến chỉ là cán bộ, giáo viên và phụ huynh thì đã đủ chưa, thưa ông?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu: Việc chọn đối tượng phát phiếu thì cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đặc biệt những người phải nộp học phí cho con, cháu mình và ý kiến các nhà giáo dục học. Từ đó mới có cái nhìn một cách khách quan nhất về vấn đề nên tăng học phí hay chưa. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới lấy ý kiến của ba đối tượng là cán bộ, giáo viên và phụ huynh, như vậy là hẹp.

Chưa kể, cơ quan lấy ý kiến đó phải thực sự muốn nghe ý kiến, và những ý kiến thật khách quan từ người dân thì sẽ có cách chọn đối tượng phù hợp. Cách làm điều tra xã hội học đòi hỏi phải có nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của chủ thể và khách thể. Số đông không phải là chân lý, không phải lúc nào số đông đồng thuận cũng đúng. Con số 72% phiếu đồng thuận với việc tăng học phí có thực sự thuyết phục được xã hội hay không thì cần phải xem xét và nghiên cứu thêm.

Phóng viên: Ông có suy nghĩ như thế nào về cách lấy ý kiến bằng phát phiếu, có đảm bảo tính khách quan? Theo ông nên lấy ý kiến của nhân dân theo hình thức thế nào để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu: Tôi từng chủ nhiệm nhiều đề tài cấp nhà nước, không bao giờ làm điều tra, lấy ý kiến bằng hình thức phát phiếu.

Thực tế, có hai hình thức khảo sát gồm: khảo sát định tính và khảo sát định lượng. Khảo sát định tính là các hình thức phỏng vấn, quan sát, hội thảo, tọa đàm…

Từ đó rút ra kết luận về các vấn đề, sự vật, hiện tượng mà không phải con số phần trăm. Khảo sát định tính sẽ cho những kết quả có giá trị xác thực.

Còn khảo sát định lượng là sẽ cho ra những con số thông qua hình thức phát phiếu. Cách làm này gây tốn kém nhưng hiệu quả mang lại không cao.

Điều tra xã hội học theo kiểu phát phiếu này đối với người ngoài ngành thì có thể họ sẽ không biết, còn người trong ngành nhìn và nghe sẽ biết ngay. Khi muốn điều tra một vấn đề theo định lượng, người ta sẽ phát mấy nghìn phiếu, thậm chí mấy chục nghìn phiếu cho các đối tượng cần lấy ý kiến khảo sát. Nhưng cách làm có đảm bảo đúng quy trình, khách quan không hay chỉ để lấy số lượng dẫn tới việc cho ra kết quả chưa chuẩn.

Thông thường, phiếu khảo sát sẽ có 2 loại là phiếu để tên người được khảo sát và phiếu không để tên nhằm giữ bí mật cho người gạch phiếu. Trên phiếu sẽ có nội dung cần khảo sát với các câu trả lời “đồng ý hay không đồng ý”, hoặc “có hay không”. Nếu không làm nghiêm túc, một người có thể tự gạch nhiều phiếu mà không ai biết.

Do đó, khi cần lấy ý kiến của người dân về vấn đề gì đó thì cần phát phiếu cho họ về nhà để có thời gian suy nghĩ rồi mới thu lại sau. Hơn nữa, người điền phiếu phải vô tư, không chịu áp lực từ bên nào cả, có như thế mới ra được hiệu quả thực tế.

Những người làm đề tài ngành khoa học xã hội không mấy ai bỏ tiền ra làm điều tra mang tính định lượng mà dùng tiền đó đầu tư khảo sát định tính để cho giá trị thực tế hơn rất nhiều.

Hiện ở Việt Nam, điều tra định lượng có tính chính xác tương đối là điều tra dân số và được phép ở mức sai số nhất định.

Ở nước ngoài, với trình độ và nhận thức cao của người dân, việc điều tra xã hội học dù ở hình thức định tính và định lượng đều mang lại kết quả tương đối chính xác. Còn ở Việt Nam, những kết quả phát phiếu không mang lại hiệu quả cao và chỉ có giá trị tham khảo.

Tôi hi vọng sẽ có những nghiên cứu một cách thấu đáo, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân theo hình thức trực tuyến, hoặc cách nào đó để các chính sách đưa ra sẽ nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu.

Ngô Hiển