PGS Phạm Mạnh Hà: Học trực tuyến trò áp lực, thầy cô cũng không ngoại lệ

20/01/2022 09:18
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đưa trẻ quay trở lại trường là giải pháp cần phải tính đến và không thể chờ đợi thêm vì nếu kéo dài thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại.

Lây lan dịch bệnh trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục ngày 19/1, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến thời điểm mở cửa trường học trở lại.

Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết: "Hiện nay rất nhiều người dân đặt câu hỏi: Bao giờ mới an toàn tuyệt đối để học sinh được đến trường? Câu hỏi này thể hiện sự lo lắng có lý nhưng theo tình hình thực tế, chúng ta chỉ có thể chọn thời điểm an toàn nhất chứ không phải an toàn tuyệt đối.

Theo tôi, đã đến lúc đưa học sinh trở lại trường bởi kéo dài hơn nữa thời gian học trực tuyến sẽ rất nguy hại. Nếu không tính, không lo là chúng ta có lỗi".

Giáo sư - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Giáo sư - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, để trẻ đến trường cần đảm bảo an toàn 3 giai đoạn chính: trẻ sinh hoạt và học tập tại nhà; di chuyển từ nhà đến trường học; học tập tại trường.

Trong đó, giai đoạn trẻ ở nhà là quan trọng nhất bởi mỗi gia đình có một lối sống khác nhau, cách thức phòng dịch khác nhau. Chính vì vậy, phụ huynh cần có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho con em mình, tuân thủ phòng dịch theo quy tắc 5K.

Ngoài ra, y tế trong trường học phải được củng cố để thường xuyên theo dõi sức khỏe khi các em đi học. Nhà nước phải đẩy mạnh, đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho học sinh.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, chuyên gia cao cấp Bộ Y tế bày tỏ quan điểm ủng hộ chủ trương mở cửa lại trường học.

Theo Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, trẻ học trực tuyến quá lâu không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng học tập mà còn tác động tiêu cực đến tâm sinh lý, sức khỏe.

"Sau 2 năm chống dịch Covid-19, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, có những biện pháp bảo vệ cá nhân, bảo vệ cộng đồng tốt hơn so với thời gian đầu dịch bùng phát. Mặt khác, theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ, nếu có lây lan dịch bệnh trong trường học vẫn an toàn hơn việc lây lan trong cộng đồng. Học sinh đến trường và đảm bảo giãn cách 1m là an toàn", Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Tỉ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tại các bệnh viện sức khỏe tâm thần tăng cao

Trong khi đó, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà - Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề và gây thiệt hại nghiêm trọng tới các mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, đặc biệt là đối với ngành giáo dục, học sinh.

Lứa tuổi học trò ngoài hoạt động học tập là chủ đạo thì các em cũng cần được giao tiếp, kết nối với bạn bè, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh ở ngoài môi trường xã hội. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả từ phương thức học tập đến cách thức giao tiếp và kết nối xã hội.

Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh chụp màn hình)

Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh: "Việc không được đến trường, các mối quan hệ bạn bè, hoạt động vui chơi bị gián đoạn khiến cho trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, cô độc, sợ hãi. Học trực tuyến nhiều giờ, lặp đi lặp lại và bị bó hẹp khiến cho học sinh dễ có cảm giác bị cô lập, buồn chán, đặc biệt là đối với các em học sinh tiểu học".

Cũng theo vị này, cả thầy và trò đều bị động khi dạy và học trực tuyến khiến học sinh gặp khó trong việc tiếp thu kiến thức. Qua phản ánh, các thầy cô đều cho rằng việc học trực tuyến không chỉ trò áp lực, giáo viên cũng không ngoại lệ.

Việc thi cử hay kiểm tra trực tuyến dễ khiến học sinh chủ quan, vô tình hình thành thói quen gian lận thi cử.

Mặt khác, thiếu cha mẹ giám sát hoặc cha mẹ giám sát quá chặt việc học tập sẽ khiến trẻ trở nên sợ hãi, lo lắng, mất phương hướng và không muốn giao tiếp.

Bên cạnh đó, ở nhà nhiều, tiếp cận với Internet, các em dễ lạm dụng game và chính việc nghiện game sẽ dẫn đến rối loạn về mặt cảm xúc, gây kích động, hoang mang.

"Theo thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, tỉ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị tăng vọt.

Theo nghiên cứu năm 2021 của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề sức khỏe, tinh thần của sinh viên cho thấy: 56,8% sinh viên thiếu tập trung học tập và không hứng thú; 48% cảm thấy tự ti và mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% sinh viên tính tình thay đổi hay cáu gắt, lo lắng mà không có lý do", ông Hà cho biết thêm.

Phó giáo sư Phạm Mạnh Hà nhận định việc đưa trẻ quay trở lại trường là giải pháp cần phải tính đến và không thể chờ đợi thêm. Tại hội nghị, ông Hà cũng đề xuất một số giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, phải có lộ trình đưa học sinh quay trở lại trường học, nhân dịp này cần triệt để đổi mới phương thức học tập từ 100% trực tiếp hoặc 100% trực tuyến sang hình thức dạy và học kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến.

Thứ hai, cần có hướng dẫn cụ thể về tổ chức hoạt động giáo dục vừa đảm bảo nội dung chuyên môn, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch. Xây dựng các kịch bản trong trường hợp phát hiện ổ dịch tại trường học để nhanh chóng xử lý để không gián đoạn việc học tập.

Thứ ba, xây dựng lại hệ thống kiểm tra đánh giá, đảm bảo đánh giá đúng năng lực người học trong cả phương thức học tập trực tuyến, trực tiếp hoặc dạy học học kết hợp, tránh gian lận trong thi cử và các hình thức gian lận học tập biến tướng khác.

Cuối cùng, tăng cường các hoạt động dịch vụ tâm lý xã hội, công tác xã hội trong học đường nhằm hỗ trợ những học sinh có vấn đề về tâm lý và tư vấn cho phụ huynh yên tâm đưa con tới trường.

Bà Simone Vis - Trưởng Chương trình giáo dục UNICEF tại Việt Nam cho biết, việc học sinh ở nhà kéo dài vì dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn về thể chất, tinh thần, chất lượng học tập của các em. Cùng với đó, tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn cũng gia tăng. Vì vậy, một trong những trọng tâm mà Liên hợp quốc đặt ra là phải đưa học sinh quay lại học bình thường và phục hồi những gì thiếu hụt khi các em phải ở nhà học trực tuyến.

“Quyết định cho học sinh trở lại trường học là vì quyền lợi các em. Rủi ro khi học sinh nghỉ học còn lớn hơn rất nhiều so với khi các em được đi học”, bà Simone Vis nhấn mạnh.

Ngọc Ánh