PGS Nguyễn Văn Nam: Tăng học phí thế nào là hợp lý, thu bao nhiêu là vừa?

03/07/2022 06:42
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam cho rằng: “Mức tăng học phí thế nào là hợp lý, thu bao nhiêu là vừa” phải nghiên cứu rất kỹ càng cụ thể và có lộ trình”.

Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết qua khảo sát cho thấy 72% trong số 74.000 người được hỏi (gồm giáo viên và phụ huynh học sinh) đồng ý tăng học phí trung học cơ sở với mức dự kiến 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đồng đang áp dụng, hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương) đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề trên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam. (Ảnh: Ngô Hiển)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam. (Ảnh: Ngô Hiển)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, trước khi nói đến vấn đề tăng học phí trong giáo dục công lập năm học 2022-2023, ta phải đi từ việc nguyên nhân tăng học phí.

Có nhiều nguyên nhân cho việc này như ngân sách nhà nước cấp không đủ, muốn nâng cao chất lượng thì phải tăng học phí, vấn đề lạm phát…

Thứ hai, cần giải thích rõ với nhân dân việc tăng học phí để chi những vấn đề: Do nhu cầu sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường, tăng cơ sở thí nghiệm, học hành, vui chơi, sân thể thao cho học sinh nhằm để trẻ em phát triển toàn diện hay như thế nào… Từ đó, Sở cần làm rõ các vấn đề và để người dân thấy tính cấp thiết phải tăng học phí.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam cho rằng: “Mức tăng học phí thế nào là hợp lý, thu bao nhiêu là vừa” phải nghiên cứu rất kỹ càng cụ thể và có lộ trình”.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên đưa ra chủ trương tăng học phí, rồi lấy ý kiến rộng rãi nhân dân xem thời điểm tăng học phí đã phù hợp chưa, mức tăng bao nhiêu là hợp lý.

Sau khi tổng hợp ý kiến mọi người, Sở cần ngồi với các cơ quan chức để nghiên cứu và đưa ra mức tăng hợp lý nhất. Không nên đưa ra mức tăng rồi lấy ý kiến của giáo viên và phụ huynh.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần điều tra xem lượng học sinh vào các cấp học ở quận, huyện mỗi nơi là bao nhiêu. Từ đó có chính sách phù hợp từng nơi, tránh cào bằng.

Cuối cùng, chính sách tăng học phí cũng phải đi kèm với chính sách giảm học phí. Ngoài các đối tượng thuộc diện chính sách được ưu tiên miễn giảm học phí, vậy những trường học đã có cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn quốc gia thì có tính phương án miễn giảm học phí…

Tất cả cần phải có sự nghiên cứu và tính toán cụ thể. Với mức tăng học phí dự kiến của dự thảo nghị quyết sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình, nhất là hộ cận nghèo.

Bên cạnh vấn đề tăng học phí, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội khảo sát lấy ý kiến bằng phiếu từ 74.000 đối tượng là phụ huynh và cán bộ giáo viên. Kết quả hơn 53.700 người đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72% cũng là vấn đề băn khoăn của nhiều người.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam có một số kiến giải về hai khía cạnh là cách lấy phiếu khảo sát và đối tượng khảo sát.

Theo ông, trong điều tra xã hội hội có nhiều phương pháp, cách thức để lấy ý kiến trong nhân dân, phát phiếu là một hình thức. Tuy nhiên, phiếu khảo sát có chất lượng hay không, có đúng và trúng mục đích hay không thì phụ thuộc ở đối tượng được chọn điền phiếu (hay là đối tượng điều tra).

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh: “Đối tượng được chọn phải mang tính đại diện cho vấn đề cần lấy ý kiến. Trước khi lấy ý kiến cần có kế hoạch rõ ràng, trong đó phân rõ đối tượng lấy ý kiến là những ai, mỗi đối tượng chiếm bao nhiêu phần trăm.

Ví dụ như ở thành phố Hà Nội, cần lấy cả ở khu vực thành thị và nông thôn. Ở khu vực thành thị thì số lượng phụ huynh là cán bộ công chức nhà nước chiếm bao nhiêu phần trăm, người lao động tự do với nhiều ngành nghề khác nhau sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm.

Ở khu vực nông thôn, lấy ý kiến phụ huynh ở các làng nghề là chiếm bao nhiêu phần trăm, làng thuần nông là bao nhiêu, buôn bán, kinh doanh là bao nhiêu…

Chính từ việc phân bổ từng đối tượng với số lượng phần trăm cụ thể thì sẽ cho một kết quả sát thực. Nếu đối tượng lấy ý kiến không đại diện cho cái chung, không có số lượng phần trăm cụ thể là bao nhiêu thì sẽ cho kết quả lệch.

Trong nghiên cứu khoa học cũng tương tự như thế. Khi tôi làm đề tài nghiên cứu về phát triển kinh tế thị trường cũng phát phiếu điều tra với đối tượng cụ thể là các doanh nghiệp. Vậy doanh nghiệp thì phân thành từng khu vực (thành thị, nông thôn), miền (miền Bắc, miền Trung, miền Nam), loại hình doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp lớn, vừa, và nhỏ), hay các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước..."

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Nam, một lưu ý trong việc khảo sát là không chia đều phiếu về các đối tượng mà phải xem đối tượng nào chiếm tỉ lệ nhiều hay ít để phân chia số phiếu cho phù hợp. Ví dụ ở Việt Nam những năm 2000 là doanh nghiệp nhỏ chủ yếu thì sẽ khảo sát nhiều phiếu. Tương tự với ngành Giáo dục cũng vậy, học sinh các cấp thuộc khu vực nào, đối tượng chính sách nào thì ứng với tỉ lệ phần trăm số phiếu cần khảo sát.

Ở nước ngoài, người dân có trách nhiệm và nhận thức rất cao về các vấn đề sẽ tác động lên họ nên việc điều tra xã hội học mang lại kết quả tương đối chính xác. Còn ở Việt Nam, bên cạnh việc khảo sát bằng phiếu, nên có thêm các tiếng nói từ nhiều cơ quan với các hình thức như viết bài, phỏng vấn, góp ý kiến, tọa đàm… để đi đến phương án tốt nhất, nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Ngô Hiển