Ông Tâm 16 tuổi đã làm thầy và câu chuyện nhà giáo nước mắt chan cơm

17/10/2019 06:34
Nguyễn Phan
(GDVN) - Việc ngành giáo dục Vĩnh Thuận không thực hiện đúng pháp luật về chế độ đối với nhà giáo chắc hẳn không thể bỏ qua trách nhiệm của ông Huỳnh Minh Tâm.

Thông tin về nhiều nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận bị cắt chặn chế độ phụ cấp thâm niên và ưu đãi nhà giáo một cách trái pháp luật, vì sự uất ức kéo dài nên có người đã phải lâm vào cảnh “nước mắt chan cơm”, trong đó có những trường hợp rơi vào hoàn cảnh rất bi đát đã được chúng tôi thông tin.

Cụ thể, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Vĩnh Thuận, có hơn 30 năm cống hiến cho ngành, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hệ thống văn bằng chuyên môn và quyết định bổ nhiệm, quyết định lương của cơ quan có thẩm quyền đều công nhận cô là nhà giáo nhưng nhà giáo này bị cắt chặn chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi bởi lý do được “phân công kiêm nhiệm vị trí của nhân viên thiết bị”.

Đỉnh điểm, ngày 01/10/2019, cô Nguyễn Thị Cảnh nhận được quyết định hưu với chức vụ “nhân viên thư viện” dù chưa có một ngày làm nhiệm vụ của nhân viên thư viện.

Đồng thời, ngành giáo dục Vĩnh Thuận cũng không có bất cứ văn bản nào chứng thực cho cái chức vụ “nhân viên thư viện” mới toanh đã được ban hành trong quyết định hưu của cô.

Cô Nguyễn Thị Cảnh trong ngày nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi (Ảnh do tác giả cung cấp).
Cô Nguyễn Thị Cảnh trong ngày nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi (Ảnh do tác giả cung cấp).

Không riêng cô giáo Nguyễn Thị Cảnh phải uất ức vì “nước mắt chan cơm”, một trường hợp khác đã gửi đơn đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam với mong muốn được giúp đỡ cũng rất đáng thương và đau xót là thầy giáo Châu Văn Chính, giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Thuận 1, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Đồng cảnh ngộ với cô Cảnh, thầy Chính cũng có 30 năm cống hiến cho ngành và hệ thống văn bằng chuyên môn, quyết định bổ nhiệm, quyết định lương của cơ quan có thẩm quyền cũng đều công nhận thầy là nhà giáo.

Năm 2012, thầy Châu Văn Chính đã được Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận ban hành quyết định công nhận chế độ thâm niên 21% nhưng sau đó thầy bị ngành giáo dục cắt chặn chỉ vì “được phân công kiêm nhiệm vị trí nhân viên thư viện”.

Đau xót hơn, hiện tại thầy Châu Văn Chính đang mang trọng bệnh “u não” và “K gan”. Sau khi gửi đơn tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Chính khắc khoải niềm hy vọng sẽ có ngày được khôi phục lại chế độ chính đáng của mình.

Đây chỉ là 02 trường hợp điển hình trong vài chục nhà giáo đã bị ngành giáo dục Vĩnh Thuận cắt chặn chế độ suốt nhiều năm liền, những nhà giáo này im lặng chịu đựng, không dám đòi hỏi chế độ chính đáng của bản thân bởi họ sợ bị xem là phần tử “chống đối”.

Và, ngành giáo dục Vĩnh Thuận cắt chế độ của nhiều nhà giáo bởi nguyên nhân “phân công làm nhân viên”.

Kết quả bước đầu của vụ việc “nhà giáo nước mắt chan cơm”

Thực tại, hiện nay ngành giáo dục Vĩnh Thuận gần như bị “xóa trắng” nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ.

Trong khi đó, Quy định về nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ trong các cơ sở giáo dục công lập là từ 08-09 vị trí, tùy theo cấp học và loại hình trường.

Nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ bao gồm: Thư viện; Thiết bị, thí nghiệm; Công nghệ thông tin; Kế toán; Thủ quỹ; Văn thư; Y tế…

Đáng nói, tất cả những nhà giáo này đều không có văn bằng chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm mà họ được ngành giáo dục “phân công”.

Đồng thời, cho đến nay, tất cả các nhà giáo này chưa từng được ngành giáo dục Vĩnh Thuận đề nghị cấp có thẩm quyền của địa phương chuyển đổi vị trí việc làm theo vị trí mà họ đang/ đã đảm nhiệm.

Nhưng, hàng năm, căn cứ chức danh vị trí việc làm trong quyết định lương hiện hưởng của họ (là giáo viên), ngành giáo dục Vĩnh Thuận đều đặn lập dự toán theo những quyết định lương đó.

Đây là sự việc rất đáng quan ngại, bởi sự vi phạm pháp luật trong chế độ nhà giáo bị kéo dài nhiều năm liền và số lượng nhà giáo bị cắt chặn chế độ là rất lớn.

Ám ảnh về những quyết định của huyện Vĩnh Thuận khiến nhà giáo nước mắt chan cơm

Có thể nói rằng, việc ngành giáo dục Vĩnh Thuận không thực hiện đúng pháp luật về chế độ đối với nhà giáo chắc hẳn không thể bỏ qua trách nhiệm của ông Huỳnh Minh Tâm - Trưởng phòng Giáo dục.

Và những sai phạm của ông Huỳnh Minh Tâm cũng đã được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phản ảnh nhiều kỳ.

Như tin Báo điện tử Giáo dục điện tử Việt Nam đã đưa, năm 2018, do có nhiều sai phạm ông Huỳnh Minh Tâm đã bị kỷ luật với hình thức “cảnh cáo” cả mặt đảng và chính quyền.

Ông Huỳnh Minh Tâm đã có thâm niên gần 20 năm làm trưởng phòng giáo dục (2000-2019) nhưng lại để xảy ra tình trạng ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận gần như bị “xóa trắng” nhóm vị trí “nhân viên” trong các cơ sở giáo dục công lập của huyện này, dẫn tới hàng trăm giáo viên bị xâm hại chế độ một cách trái pháp luật là một điều rất đáng ngạc nhiên.

Nhưng, có lẽ những vấn đề trên cũng chưa có thể gây ngạc nhiên bằng việc vị trưởng phòng giáo dục này đã trở thành giáo viên khi chỉ mới…16 tuổi, ông Tâm sinh ngày 05/10/1965, vào ngành 9/1981.

Nguyễn Phan