Ông Nguyễn Nhân Chinh thực sự tiêu biểu, vì sao không để đại hội bầu trực tiếp?

29/07/2020 06:13
Hoàng Vũ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo chuyên gia về công tác cán bộ, điều quan trọng ông Chinh có tài thực sự hay nhờ có bố làm bí thư tỉnh ủy mới vào được vị trí bí thư thành ủy ở tuổi 36.

Con trai đương kim bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến được chỉ định làm bí thư thành ủy Bắc Ninh ở tuổi 36 có ý kiến cho rằng còn trẻ, nhưng cũng có người cho rằng bình thường.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới tuổi dưới 40 làm bộ trưởng hay nắm những vị trí quan trọng trong bộ máy là chuyện không hiếm, hơn nữa nước ta cũng đang có chủ trương trẻ hóa dần đội ngũ cán bộ lãnh đạo.

Tuy nhiên, trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh lại có những ý kiến trái chiều từ dư luận đặt câu hỏi có hay không việc chỉ định, cất nhắc vì “con cha cháu ông”, “đồng chí này là con đồng chí nào”…hay hoàng hôn nhiệm kỳ.

Theo đó, ngày 22/7 Bí thư tỉnh đoàn Bắc Ninh được điều động, chỉ định về làm bí thư thành ủy thành phố Bắc Ninh thay ông Vương Quốc Tuấn, ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, bí thư thành ủy Bắc Ninh vừa tái cử, đồng thời vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh bầu bổ sung làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Được kết nạp Đảng vào năm 2011, ông Chinh có nhiều năm công tác tại tỉnh đoàn Bắc Ninh và được bầu giữ chức bí thư tỉnh đoàn này vào năm 2016. Ông Chinh cũng là tỉnh ủy viên, đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa XVIII nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Có ý kiến cũng đặt ra, nhân sự chức danh bí thư Thành ủy Bắc Ninh cũng như chức danh phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đều đòi hỏi phải được chuẩn bị kỹ, công phu và bài bản.

Chính vì vậy dư luận lại càng khó hiểu vì sao bí thư thành ủy Vương Quốc Tuấn vừa mới tái đắc cử tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Bắc Ninh (diễn ra từ ngày 15/6 đến ngày 17/6) lại được bầu làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh này, nếu công tác nhân sự chặt chẽ và đã dự kiến ông Tuấn sẽ được đưa ra bầu bổ sung phó chủ tịch tỉnh, vì sao trước đó không rút khỏi danh sách bầu bí thư thành ủy?

Vì sao ông Nguyễn Nhân Chinh không được đưa ra Đại hội Đảng bộ Thành phố Bắc Ninh giới thiệu để đại hội bầu chính thức? Vậy việc chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh phải chăng là một bài toán nhân sự đã được chuẩn bị rất kỹ?.

Khoản 1, Điều 20 Điều lệ Đảng quy định: Hội nghị tỉnh uỷ, thành uỷ, huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ bầu ban thường vụ; bầu bí thư và phó bí thư trong số uỷ viên thường vụ; bầu uỷ ban kiểm tra; bầu chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra trong số uỷ viên uỷ ban kiểm tra.

Hơn nữa, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã cho phép:

Thực hiện thí điểm bầu bí thư cấp ủy tại đại hội ở những nơi cấp ủy đoàn kết, thống nhất cao; nhân sự dự kiến giới thiệu là người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, phải được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp.

Ông Nguyễn Nhân Chinh vừa được bổ nhiệm Bí thư thành ủy Bắc Ninh. Ảnh: Tỉnh đoàn Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Nhân Chinh vừa được bổ nhiệm Bí thư thành ủy Bắc Ninh. Ảnh: Tỉnh đoàn Bắc Ninh.

Báo điện tử Đảng Cộng sản ngày 11/6/2020 có bài "Bầu trực tiếp bí thư tại đại hội: Mở rộng dân chủ bầu cử trong Đảng" [1], vì sao Bắc Ninh lại làm ngược lại, không để hội nghị thành ủy Bắc Ninh bầu như Điều lệ Đảng, hoặc mạnh dạn xin phép Trung ương để đại hội trực tiếp bầu như Chỉ thị 35-CT/TW mà để đại hội xong xuôi rồi chỉ định?

Thành ủy Bắc Ninh có đoàn kết, thống nhất cao? ông Nguyễn Nhân Chinh có phải người tiêu biểu, hội tụ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, có khả năng đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

Cũng có ý kiến khác cho rằng, nếu như nhiều tỉnh thành cũng chỉ định như Bắc Ninh thì công tác cán bộ có đảm bảo chọn được người có tài?

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc sau đại hội vị trí cán bộ bị trống thì việc ban thường vụ tỉnh ủy chỉ định chức danh bí thư thành phố cũng là bình thường.

“Điều quan trọng, việc điều động, bổ nhiệm, chỉ định phải làm rất kỹ lưỡng, người được chỉ định có đủ tiêu chuẩn hay không, có bị dư luận phản ứng gì không, có đủ uy tín, tín nhiệm không?. Nếu anh đủ tiêu chuẩn, thực tài vào vị trí đó thì không có vấn đề gì”, ông Lê Quang Thưởng nói.

Ông Lê Quang Thưởng cũng cho rằng, quy định chỉ cấm bố trí người thân, người nhà vào vị trí quan trọng cùng cấp. Còn trong trường hợp này hai cấp khác nhau, nhưng sẽ khó tránh việc nể nang khi bố làm bí thư tỉnh ủy, con làm bí thư thành ủy.

Ông Lê Quang Thưởng đặt vấn đề, không sai quy định nhưng người được chỉ định có đủ tiêu chuẩn, đủ tài hay không. Ảnh: VOV

Ông Lê Quang Thưởng đặt vấn đề, không sai quy định nhưng người được chỉ định có đủ tiêu chuẩn, đủ tài hay không. Ảnh: VOV

Trong khi đó, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Bích San, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội và các vấn đề phát triển, nguyên Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam bày tỏ sự khó hiểu về việc chỉ định chức Bí thư thành ủy Bắc Ninh đối với ông Nguyễn Nhân Chinh.

Phó Giáo sư xã hội học Phạm Bích San cho rằng: “Việc bố làm bí thư tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy chỉ định con làm bí thư thành ủy có thuyết phục được dư luận hay không?

Vị trí bí thư thành phố của một tỉnh phải là người có năng lực, trình độ thực sự. Đặc biệt, trong quá trình công tác từ địa phương, anh phải chứng minh được mình tài năng, mình xứng đáng vào vị trí mới cao hơn.

Còn trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh tài năng, xuất chúng như thế nào chưa rõ. Về những vị trí ông Chinh kinh qua cũng không có gì nổi bật”.

“Anh có năng lực, tài năng thì hãy chứng minh cho xã hội, người dân biết bằng những việc làm, thành tích cụ thể, anh làm tốt hay không người dân đều biết. Còn anh được chỉ định vào vị trí quan trọng dành cho người tài, còn tài đức của anh chưa ai biết thì dư luận sẽ hiểu sao đây?.

Hoặc anh phải được cấp trên thừa nhận một cách công tâm. Công tâm ở đây là phải ở nơi cấp trên không có sự hiện diện, ảnh hưởng của bố, người thân của anh”, Phó Giáo sư Phạm Bích San nói.

Phó giáo sư Phạm Bích San, ảnh: VTV.vn.

Phó giáo sư Phạm Bích San, ảnh: VTV.vn.

Phó Giáo sư xã hội học Phạm Bích San cũng dẫn giải thêm về đạo làm quan, được làm quan từ thời trước như thế nào để chọn được người tài đức phụng sự đất nước, nhân dân.

Theo Phó Giáo sư Phạm Bích San, trước khi làm quan anh phải miệt mài kinh sử hàng chục năm để thi chỉ 4 môn. Các môn thi xoay quanh việc kiểm tra thí sinh về kiến thức, đọc, soạn văn bản, cách trình bày văn bản đến luận bàn chính sách…

Khi anh đã thi đỗ đầu bảng rồi ra làm quan anh phải kinh qua nhiều vị trí, từ vị trí ít việc, sau đó mới chuyển đến chỗ việc vừa vừa, sau đến chỗ nhiều việc rồi dần dần mới chuyển lên cao hơn. Hàng năm đều có đánh giá công việc anh hoàn thành ra sao.

Hơn nữa, nơi anh làm quan phải cách nhà rất xa. Anh cũng không được lấy vợ tại địa phương anh làm quan. Có như thế mới đảm bảo sự công tâm, khách quan tại nơi anh làm quan phụ mẫu.

“Trường hợp anh Nguyễn Nhân Chinh có thời gian công tác chủ yếu tại tỉnh đoàn Bắc Ninh. Dấu ấn, thành tích, kết quả công việc của anh như thế nào chưa rõ. Việc chỉ định anh này làm bí thư thành ủy Bắc Ninh có thể nói thiếu thuyết phục.

Không sai quy định, nhưng việc có bố làm bí thư tỉnh ủy thì việc ban thường vụ tỉnh ủy chỉ định con trai làm bí thư thành thành ủy có đảm bảo công tâm, công bằng hay không?”, Phó Giáo sư Phạm Bích San nói.

Cũng theo Phó Giáo sư Phạm Bích San, việc ông Nguyễn Nhân Chinh học đại học cờ vua tại ngôi trường nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng khiến dư luận băn khoăn.

“Những vị trí quan trọng về khoa học quản lý ưu viên vẫn là người Luật, Kinh tế, xã hội học, còn anh học cờ vua sẽ làm công tác quản lý như thế nào đây. Có lẽ dư luận sẽ phải chờ xem anh thể hiện tài năng ra sao”, Phó Giáo sư Phạm Bích San nói.

Hoàng Vũ