Ôn thi tốt nghiệp THPT giai đoạn nước rút: Tránh học tủ, cần tập trung luyện đề

08/05/2022 06:50
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đối với môn Toán, học sinh không nên phụ thuộc vào việc bấm máy tính mà phải nắm chắc kiến thức, cách làm bài và đặc biệt là luyện nhiều đề.

Bước vào giai đoạn "nước rút" của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, không ít học sinh rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng vì khối lượng kiến thức lớn. Do đó, một số giáo viên với nhiều năm kinh nghiệm trong việc ôn thi tốt nghiệp, đại học đã đưa ra phương pháp học giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Môn Văn: bám sát kiến thức cơ bản, đọc kỹ văn bản và luyện viết thường xuyên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thơm - giáo viên Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội cho biết, điều quan trọng nhất trong quá trình ôn tập là phải bám sát kiến thức cơ bản, đọc kỹ văn bản và luyện viết thường xuyên.

Về phần đọc hiểu, có các dạng câu hỏi như nhận biết, tái hiện, thông hiểu, vận dụng. Với dạng câu hỏi nhận biết, học sinh cần nắm chắc kiến thức về các thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, thể loại,...

Còn với dạng câu hỏi tái hiện, chú ý từ khóa đề bài để xác định đúng định hướng, phạm vi kiến thức. Theo cô Thơm, tiêu chí tiên quyết của dạng câu hỏi này là học sinh cần bám sát ngữ liệu đọc hiểu về ngữ âm, từ vựng, mệnh đề, kiểu câu. Khi trình bày các kiến thức có yếu tố liệt kê, cần tôn trọng cách sử dụng dẫn chứng, đặt ngữ liệu trả lời trong dấu ngoặc kép.

Khi làm dạng câu hỏi thông hiểu, học sinh chú ý dựa vào văn bản và hiểu biết của bản thân trình bày vấn đề một cách khoa học, khách quan.

Cô Hoàng Thị Thơm, giáo viên Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (ảnh: NVCC)

Cô Hoàng Thị Thơm, giáo viên Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội (ảnh: NVCC)

“Để tránh mất điểm ở dạng câu hỏi này, các em cần bám sát ngữ liệu đọc hiểu, từ đó trình bày lần lượt những hiểu biết của bản thân về vấn đề. Với ngữ liệu là thơ, câu hỏi thường liên quan đến các biện pháp tu từ, ý nghĩa nhan đề, chi tiết, hình ảnh,... có khả năng biểu đạt và biểu cảm lớn.

Với ngữ liệu văn nghị luận thường là quan điểm chủ quan của người viết về vấn đề đặt ra trong ngữ liệu, cách hiểu của người đọc về vấn đề. Do đó, nếu câu hỏi có lệnh đặt ‘theo anh/chị,...’ học sinh cần thể hiện rõ thái độ, quan điểm chủ quan xoay quanh vấn đề nghị luận”, cô Hoàng Thị Thơm nhấn mạnh.

Riêng với dạng câu hỏi vận dụng ở phần đọc hiểu, thường đề cập trực tiếp đến quan điểm, thái độ hoặc tình cảm của học sinh, từ đó yêu cầu học sinh đưa ra một số ý kiến, giải pháp.

Cô Thơm lưu ý: “Các vấn đề đặt ra trong câu hỏi đọc hiểu sẽ không lặp nhau nhưng có tính định hướng, gợi mở cho nhau. Vì vậy, đọc kĩ ngữ liệu, câu hỏi là điều vô cùng quan trọng, tránh lạc đề”.

Ngoài ra, đối với câu nghị luận xã hội, giáo viên dạy Văn của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ chia sẻ thêm, học sinh cần hệ thống lại kiến thức, kĩ năng đối với từng dạng đề nghị luận xã hội: về một tư tưởng đạo lí, một hiện tượng đời sống,... để lựa chọn cách làm phù hợp nhất.

Trong quá trình làm bài, phải biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, dùng luận cứ, luận chứng thuyết phục, chặt chẽ, thể hiện được hiểu biết, thái độ, quan điểm của bản thân. Đặc biệt, khi dùng luận chứng phải đảm bảo tính logic, khách quan và thuyết phục.

Bên cạnh đó, phần nghị luận văn học - phần chiếm nhiều điểm nhất của bài thi nên học sinh cần dành khoảng thời gian phù hợp để ôn luyện, tránh học tủ.

“Học sinh cần ôn tập theo chủ đề, hệ thống kiến thức có so sánh đối chiếu để nhận diện được sự vận động trong từng tác phẩm, từng giai đoạn văn học, chỉ ra được dấu ấn riêng trong cá tính sáng tạo của tác giả. Ngoài ra, các em phải nắm chắc kỹ năng làm bài cho từng dạng đề như nghị luận về một ý kiến bàn về văn học hay nghị luận về một đoạn trích,...”, cô Thơm nói.

Môn Toán, Hóa: Luyện đề để nâng cao kỹ năng làm bài

Đối với môn Toán, thầy Nguyễn Minh Thắng, giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, trong giai đoạn “nước rút” như hiện tại thì với từng đối tượng học sinh sẽ có các kiểu ôn tập khác nhau.

“Đối với học sinh yếu, trung bình thì thời điểm này tập trung vào các chương lớp 12 như chương hàm số, mũ - logarit, nguyên hàm, tích phân, số phức,.. Các bạn đặt mục tiêu 7 - 8 điểm không nên ôn kiểu dàn trải, học mới mà phải ôn các dạng chắc chắn sẽ thi, dạng cơ bản. Trong quá trình luyện đề, học sinh cần xác định sẽ bỏ luôn 5 câu vận dụng cao, tập trung vào luyện từ câu 1 đến câu 40 để làm quen với dạng bài, cách giải và để tránh mất thời gian.

Riêng đối với các bạn có mục tiêu điểm cao hơn, 9 - 10 điểm thì tập trung luyện các dạng vận dụng cao. Bài thi có 5 câu vận dụng cao và nằm ở các chương khác nhau, tỷ lệ cao sẽ rơi vào các chương hàm số, mũ - logarit, số phức, tích phân và 0xyz”, thầy Thắng nói.

Thầy Nguyễn Minh Thắng cũng bày tỏ, nhiều câu hỏi học sinh biết làm nhưng do đọc đề không kỹ hoặc dạng bài chỉ thay đổi một chút nhưng không để ý dẫn tới sai sót trong quá trình tính toán. Chính vì vậy, với mỗi câu hỏi, học sinh cần đọc kỹ đề bài tránh những sai lầm không đáng có.

Ngoài ra, học sinh không nên phụ thuộc vào việc bấm máy tính mà phải nắm chắc kiến thức, cách làm bài và đặc biệt là luyện nhiều đề.

Còn đối với môn Hóa, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, Hóa là môn học có tính hệ thống cao và kiến thức liên quan đến nhau. Vì vậy, để học tốt kiến thức của những năm sau học sinh cần học chắc kiến thức của năm trước.

Hóa quan trọng nhất phải có gốc, gốc chắc thì quá trình học mới thuận lợi. Tuy nhiên, trong thời điểm “nước rút” như hiện nay, các bạn cần tập trung vào kiến thức lớp 12 và tích cực làm đề, luyện đề. Học sinh có thể nghiên cứu đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bài thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hoặc đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia .

“Khi làm nhiều đề, học sinh sẽ đánh giá được hàm lượng kiến thức mình có, chỗ nào còn vướng mắc thì tập trung cải thiện để nâng cao điểm số. Ngoài ra, luyện đề giúp tăng phản xạ làm bài. Dạng bài thi là trắc nghiệm, quỹ thời gian làm bài cho 1 câu khoảng 1 phút nên ngoài việc làm đúng, làm được thì còn phải làm nhanh. Học sinh chỉ có thể làm nhanh khi thành thạo dạng bài.

Thông thường, đề thi chính thức sẽ bám sát đề tham khảo. Trong đề tham khảo 2022 ngoài những câu hỏi truyền thống như câu hỏi liên quan đến các bước thí nghiệm, một số bài tập tổng hợp về hidrocacbon, este, hỗn hợp các chất vô cơ tác dụng với axit thì có một dạng bài nhiều năm gần đây không hay gặp nhưng năm nay lại có, đó là bài tập điện phân. Khi đề tham khảo có thì khả năng cao đề chính thức cũng có”, thầy Ngọc phân tích.

Ngoài việc chuẩn bị tốt về kiến thức thì sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý cũng vô cùng quan trọng. Cô Hoàng Thị Thơm, giáo viên dạy Văn của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Huệ đưa ra lời động viên đối với các sĩ tử: “Kì thi đang đến gần, các em cần giữ sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, phân bổ thời gian học tập khoa học”

Trần Lý