Ở lại Việt Nam ăn Tết, du học sinh Lào thích thú khi lần đầu gói bánh chưng

12/02/2021 06:50
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì dịch Covid-19, năm nay nhiều du học sinh Lào đã quyết định không về nước mà ở lại trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam.

Đây là năm đầu tiên ở lại ăn Tết Nguyên đán tại Việt Nam sau gần 10 năm học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), chị Phayvanh Phanthachith cho biết Tết cổ truyền của Việt Nam và của Lào có rất nhiều điểm khác nhau.

“Dịch Covid-19 khiến hành trình về nước trong khoảng thời gian này thật khó khăn.Vì vây, tôi đã quyết định ở lại Việt Nam để vừa đảm bảo sức khỏe và cũng là một dịp trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam trước khi hoàn thành bảo vệ luận án tiến sĩ trong năm 2021.

Tết cổ truyền của Việt Nam và của Lào khác nhau về thời gian tổ chức. Lào ăn Tết vào tháng 4, khi trời đang nắng nóng còn Việt Nam ăn Tết vào tháng 1 khi trời đang lạnh.

Chính vì khác nhau về thời gian tổ chức nên văn hóa ăn Tết của Việt Nam và của Lào cũng khác nhau. Ở Lào là Tết té nước còn ở Việt Nam, Tết là dịp để gia đình xum họp, hỏi thăm nhau”.

Chị Phayvanh Phanthachith thích thú khi lần đầu gói bánh chưng Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Phayvanh Phanthachith thích thú khi lần đầu gói bánh chưng Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sự khác biệt về văn hóa Tết cổ truyền của 2 nước là cơ hội để những du học sinh như chị Phayvanh Phanthachith được trải nghiệm thêm nhiều điều mới.

Trong thời gian này, chị Phayvanh Phanthachith cùng những du học sinh khác ở ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội) đã được tham gia nhiều hoạt động đón năm mới. Trong đó, hoạt động mà chị Phayvanh Phanthachith thích thú nhất đó là gói bánh chưng:

“Lần đầu tiên được gói bánh chưng, một món bánh cổ truyền ngày Tết của Việt Nam khiến tôi vô cùng thích thú.

Lúc đầu nhìn chiếc bánh chưng, tôi thấy nó đơn giản chỉ là gói gạo vào rồi đem đi luộc, tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thì thực sự rất khó”.

“Bánh chưng Việt Nam có nhiều lớp, lớp ngoài cùng là gạo nếp, sau đó đến đỗ và cuối cùng là thịt lợn. Lúc đầu, bánh của tôi gói bị méo, không được vuông như của mọi người. Gói nhiều thành quen, cuối cùng chiếc bánh của tôi nhìn cũng đẹp mắt hơn một chút”, chị Phayvanh Phanthachith vui vẻ kể.

Những chiếc bánh chưng nóng hổi do chính tay những du học sinh nước ngoài gói đã được Ban quản lý ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội) trao tặng lại cho sinh viên từng phòng. Ảnh: Ông Nguyễn Đại Thắng cung cấp

Những chiếc bánh chưng nóng hổi do chính tay những du học sinh nước ngoài gói đã được Ban quản lý ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội) trao tặng lại cho sinh viên từng phòng. Ảnh: Ông Nguyễn Đại Thắng cung cấp

Đã nhiều năm học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), chị Khayma cũng chưa ở lại ăn Tết tại Việt Nam lần nào. Dịch Covid-19 kéo dài suốt năm 2020 khiến chị chưa có dịp trở về Lào.

“Dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp nên cả Chính phủ Lào và Chính phủ Việt Nam đều khuyến cáo hạn chế di chuyển, ai ở đâu thì ở nguyên chỗ đó nên tôi không về nước. Tất nhiên không được về nước vào dịp này cũng rất nhớ nhà, nhớ đất nước. Tuy nhiên ở lại cũng vui mà. Đây là cơ hội để tôi hiểu về đất nước, con người nơi mình đang học tập hơn”.

Du học sinh nước ngoài tham gia bày mâm ngũ quả. Ảnh: Ông Nguyễn Đại Thắng cung cấp

Du học sinh nước ngoài tham gia bày mâm ngũ quả. Ảnh: Ông Nguyễn Đại Thắng cung cấp

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đại Thắng, Trưởng ban quản lý ký túc xá Mễ Trì, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đây là năm đầu tiên ký túc xã Mễ Trì có số lượng du học sinh nước ngoài ở lại ăn Tết đông nhất, chủ yếu là du học sinh Lào.

“Ký túc xá Mễ Trì cũng như các cơ sở đào tạo hỗ trợ tối đa cho sinh viên nước ngoài, đảm bảo người Việt đón Tết thế nào thì bạn bè, sinh viên nước ngoài đón tết như vậy.

Chúng tôi kết hợp với nhiều đơn vị để tặng quà, chúc các em du học sinh có một cái Tết tại ký túc xá vui vẻ, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho các du học sinh ăn Tết, phòng chống dịch Covid-19".

Ông Nguyễn Đại Thắng cho biết thêm, trong thời gian đón năm mới âm lịch 2021 tại ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội), các du học sinh người nước ngoài đã được Ban quản lý tổ chức cho tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa Tết Nguyên đán của Việt Nam.

“Ban quản lý ký túc xá Mễ Trì đã tổ chức hai hoạt động trải nghiệm là thi sắp mâm ngũ quả và gói bánh chưng. Do dịch Covid-19 khiến cho nhiều hoạt động tập trung đón Tết Nguyên đán phải hạn chế số người tham gia. Tuy nhiên, Ban quản lý vẫn cố gắng tạo một cái Tết ấm cúng cho những du học sinh sống xa tổ quốc.

Những hoạt động này cũng nhằm giúp các bạn du học sinh nước ngoài hiểu về văn hóa của Việt Nam và thêm tin, yêu nơi mình đang học tập, sinh sống”.

Đình Hùng