Nước ta đang có 5 triệu lao động trình độ đại học, 200 ngàn thất nghiệp

02/08/2018 09:39
Thùy Linh
(GDVN) - Theo thống kê, tổng số lao động có trình độ đại học hơn 5 triệu, trong đó, số lao động không có việc làm khoảng trên dưới 200 ngàn.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2017-2018, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp siết chặt quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục đại học;

Các văn bản quy định được xây dựng và hoàn thiện theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính và giao tự chủ cho các cở sở giáo dục đại học đồng thời nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học thông qua việc yêu cầu công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ. 

Trong 2 năm gần đây, số lượng các chương trình đào tạo đại học và các cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định quốc tế và trong nước tăng lên đáng kể:

Về kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục đại học: năm học 2017-2018, số cơ sở giáo dục đại học đăng ký đánh giá ngoài tăng nhanh. 

Đến thời điểm 30/6/2018, cả nước có 217 trường đại học, 33 trường cao đẳng, trung cấp sư phạm hoàn thành tự đánh giá và nộp báo cáo về Bộ theo quy định; có 122 trường đã được đánh giá ngoài (chiếm 51,9% trong tổng số các trường đại học), trong đó có 117 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. 

Ngoài ra, có 04 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận kết quả kiểm định theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES)  và 02 trường được đánh giá ngoài bởi AUN-QA. 

Về kiểm định chương trình đào tạo: năm học 2017-2018, có thêm 05 chương trình đạo tạo được đánh giá ngoài công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, một số chương trình đào tạo đã đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới như ABET, AUN, CTI, ACBSP và FIBAA…. 

Tỷ lệ các nhóm ngành đào tạo năm học 2017-2018 (Ảnh chụp tài liệu)
Tỷ lệ các nhóm ngành đào tạo năm học 2017-2018 (Ảnh chụp tài liệu)

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin thêm, theo kết quả thống kê về tình hình sinh viên tốt nghiệp có việc làm của 2 khóa gần nhất trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp mà các cơ sở đào tạo gửi về, cũng như qua kiểm tra ở 23 cơ sở giáo dục đại học trong năm 2018 cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình ở các cơ sở giáo dục đại học đã được cải thiện rõ rệt (năm 2015 và 2016 lần lượt là 86,1% và 87%). 

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề và mức thu nhập khá cao đã đóng góp đáng kể trong việc tăng năng suất lao động cũng như mức tăng trưởng GDP trong cả nước.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng thống kê hàng quý về tỷ lệ có việc làm của lao động có trình độ đại học trong toàn xã hội: tổng số lao động có trình độ đại học hơn 5 triệu, trong đó, số lao động không có việc làm khoảng trên dưới 200 ngàn. 

Như vậy, tỷ lệ lao động thất nghiệp trình độ đại học khoảng trên dưới 4% (tỷ lệ việc làm của người có trình độ đại học đạt khoảng 95-97%).

Thùy Linh