Nực cười khi dùng 1 tiết dạy đánh giá, công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp

29/03/2022 07:01
NGỌC GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi năm, giáo viên phổ thông đang phải dạy theo định mức từ 595 đến 805 tiết mà sở, phòng giáo dục dự 01 tiết đã công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi?

Câu chuyện giáo viên tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp ở ngành Giáo dục đã được phản ánh khá nhiều trong những năm qua trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cho dù, từ năm 2019 thì Bộ đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT Quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi và đã có nhiều thay đổi so với trước đây nhưng vẫn còn khá nhiều chuyện đáng bàn.

Theo định mức hiện hành, mỗi năm học thì giáo viên cấp tiểu học dạy 805 tiết, giáo viên trung học cơ sở dạy 665 tiết, giáo viên trung học phổ thông dạy 595 tiết nên 1 tiết tham dự hội thi chỉ là một tỉ lệ rất nhỏ nhưng nhiều giáo viên đã được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh.

Ảnh minh họa, nguồn: http://mnsca-nt.khanhhoa.edu.vn/

Ảnh minh họa, nguồn:

http://mnsca-nt.khanhhoa.edu.vn/

Nếu đem so sánh với việc một giáo viên phải ôn thi học sinh giỏi hay đảm nhận 1 tiết thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh thì Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp nhẹ hơn rất nhiều nhưng có lẽ uy tín, danh dự của người thầy lại cao hơn các phong trào khác.

1 tiết dạy chưa thể đánh giá được cả quá trình của người thầy

Theo hướng dẫn tại Điều 7, Thông tư số 22/2019/TT-BGDĐT thì nội dung, tiêu chuẩn tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông như sau:

a. Thực hành dạy một tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi. Tiết dạy tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại lớp học với nguyên trạng số lượng học sinh của lớp đó.

Giáo viên không được dạy trước (dạy thử) tiết dạy tham gia Hội thi trong năm học tổ chức Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho tiết dạy trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi;

b. Trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc. Thời lượng trình bày biện pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian Ban Giám khảo trao đổi.

Biện pháp được lãnh đạo cơ sở giáo dục xác nhận áp dụng hiệu quả và lần đầu được dùng để đăng ký thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục phổ thông và chưa được dùng để xét duyệt thành tích khen thưởng cá nhân trước đó”.

Như vậy, chúng ta thấy nội dung thi giáo viên giỏi hiện nay khá nhẹ. Giáo viên tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh được dạy tại trường và dạy chính học sinh lớp mình đang dạy.

Cho dù, Bộ hướng dẫn là chỉ báo trước thời gian diễn ra tiết dạy thực hành là 02 ngày thì khoảng thời gian này cũng quá đủ để giáo viên chuẩn bị đầy đủ những việc cần làm cho tiết dạy của mình.

Bởi lẽ, chỉ trừ môn Toán, Anh, Văn hiện nay có từ 3-5 tiết/tuần thì các môn học còn lại chỉ có 1-2 tiết/tuần. Điều này có nghĩa là báo trước lúc nào cũng vậy thôi vì phân phối chương trình tuần đó bài nào thì giáo viên họ đã biết cụ thể, không hề có yếu tố bất ngờ.

Chuẩn bị một giáo án bây giờ cực dễ vì phần nhiều giáo viên họ dạy khối học đó đã nhiều năm. Hơn nữa, thời đại 4.0 thì muốn có một “giáo án chất lượng” có khó gì đâu, giáo viên chỉ ngồi một chút, dùng vài thao tác là có thể “cắt, dán” ra một giáo án làm vừa lòng tất cả những giám khảo.

Muốn học trò hợp tác với mình trong tiết dạy thì càng đơn giản hơn. Thầy cô sẽ có sự chuẩn bị, thông báo với học trò về nhiệm vụ của mình trong tuần tới. Những câu hỏi dự kiến, đáp án trong tiết dạy thì giáo viên gửi qua zalo của nhóm lớp mình dạy trong tíc tắc là đến được với học trò.

Vì thế, 02 ngày là thời gian rộng rãi cho giáo viên dự thi làm được tất cả những công việc cần thiết cho tiết dạy. Tất nhiên, Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp cấp vẫn có tính “diễn” rất cao.

Việc trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc thì cũng chẳng khó khăn gì. Giáo viên nào siêng thì ngồi viết khoảng một tiếng đồng hồ là xong, giáo viên nào không biết, không muốn viết thì lên mạng Internet có đầy.

Nếu cần chất lượng thì bỏ 100 ngàn mua của giáo viên khác, trên các trang Facebook các nhóm giáo viên họ chào bán nhiều lắm.

Hơn nữa, thời gian có 30 phút cho người dự thi trình bày và trả lời, trao đổi với Ban giám khảo thì chỉ cần một vấn đề nho nhỏ nói về “biện pháp góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy” là đã hết thời gian.

Giám khảo chấm cấp huyện, thậm chí cấp tỉnh cũng phần nhiều là người quen biết vì năm nào cũng tham dự tập huấn, dự thao giảng chuyên đề với nhau vài lần, thậm chí là bạn học với nhau thời học cao đẳng, đại học nên gần như giáo viên nào tham dự Hội thi là sẽ đậu.

Rất ít trường hợp giáo viên tham dự hội thi bị rớt, trừ khi họ gặp những sự cố về máy móc, sức khỏe mới ảnh hướng đến tiết dạy của mình.

Hơn nữa, giám khảo về trường người dự thi để chấm, chẳng lẽ lại đánh rớt giáo viên trường sở tại thì cũng kỳ. Nhiều mối quan hệ khăng khít giữa người dự thi, người chấm, cộng với Ban giám hiệu nhà trường nữa…thành ra người ta hay nể nhau để “cả nhà cùng vui”.

Hội thi giáo viên dạy giỏi đang phải chi rất nhiều tiền

Ngày 22/3/2022, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Bỏ hội thi giáo viên giỏi, giảm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm của tác giả Mỹ Tiên và đã nhận được quan tâm của nhiều bạn đọc và đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Cá nhân người viết bài này cũng khá đồng quan điểm với tác giả Mỹ Tiên vì Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp đang tốn kém rất nhiều tiền bạc chi trực tiếp và gián tiếp.

Bởi lẽ, trừ cấp tiểu học ra thì cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hiện nay đang có hơn 10 môn học. Vì thế, mỗi lần tổ chức thì cấp trường sẽ có vài chục giáo viên dự thi nhưng cấp huyện, cấp tỉnh thì con số dự thi lên đến hàng trăm, vài trăm giáo viên. Kéo theo đó là Ban chỉ đạo và đội ngũ giám khảo rất đông đảo.

Nếu như cấp trường, cấp huyện thì đội ngũ giám khảo là người địa phương, số tiền công tác phí cấp huyện không nhiều nhưng hội thi cấp tỉnh thì số tiền mà các đơn vị chi cho những giáo viên đi làm giám khảo là không hề ít.

Nhiều giáo viên phải đi hàng vài chục, đến hàng trăm cây số đến trường có giáo viên dự thi để chấm nên mỗi lượt như vậy lên đến vài trăm ngàn đồng/người tiền công tác phí. Mỗi người dự thi phải có 3 giám khảo chấm. Mỗi Hội thi kéo dài từ 1-2 tuần liên tục.

Ngoài ra, sở, phòng giáo dục còn phải chi kinh phí chấm thi theo hồ sơ dự thi cho giám khảo, chi tiền tham gia hội họp, thống nhất kết quả, chi khen thưởng cho giáo viên được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi.

Và, tất nhiên những thành viên trong Ban chỉ đạo lên đến hàng chục người cũng sẽ được nhận thù lao (cao hơn giám khảo) trong suốt thời gian diễn ra hội thi.

Bên cạnh đó, những giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh còn có cơ hội để họ xét các danh hiệu thi đua cuối năm.

Đã đến lúc lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá những ưu điểm, hạn chế của hội thi này một cách nhiêm túc. Bởi thực tế cho thấy, có những thầy cô tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi là những người có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm trong giảng dạy.

Nhưng cũng không ít giáo viên dạy chỉ “thường thường bậc trung”, chẳng có gì nổi bật, thậm chí bị đồng nghiệp đánh giá thấp nhưng họ chịu khó đi thi nên vẫn luôn có những danh hiệu giáo viên dạy giỏi đều đều.

Giáo viên giỏi nhiều, giáo viên xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm nhiều nhưng có khi nó lại chưa tương đồng với chất lượng dạy học ở các lớp mà những thầy cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh giảng dạy.

Vì thế, mỗi năm giáo viên phổ thông đang phải dạy theo định mức từ 595 đến 805 tiết mà sở, phòng giáo dục dự 01 tiết đã công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi thì rõ ràng danh hiệu này liệu có thuyết phục được mọi người?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGỌC GIANG