Nữ sinh đạt huy chương Bạc môn ngữ Văn không muốn là con chuột bạch

03/09/2019 06:41
Hưng Long
(GDVN) - Cô nữ sinh xinh xắn, học hỏi, con nhà khá giả lại có tố chất thông minh đã quyết định rẽ cuộc đời mình sang hướng khác bằng con đường học nghề.

Cá biệt trong lối suy nghĩ

Lìu Mỹ Duyên –Lớp Quản lý Khách sạn K40 của Trường Trung cấp Việt Giao là một gương mặt nổi bật trong hàng trăm học sinh của trường.

Cá biệt của nữ sinh này là khi vừa nhận huy chương Bạc môn ngữ Văn kỳ thi lớp 10 Olympic Thành phố Hồ Chí Minh đã xin nghỉ học ở trường công lập.

Mỹ Duyên nộp đơn vào trường trung cấp nghề để tiếp tục chinh phục ước mơ của bản thân. Nhiều người đã thắc mắc với quyết định mang tính khó hiểu này?

Trò chuyện với Duyên mới vỡ ra nhiều vấn đề từ quyết định của cô bé. Duyên nói, do xác định nghề nghiệp yêu thích mà em chọn phải học nghề mới có thể tích luỹ được những kỹ năng cần thiết.

Nữ sinh Lìu Mỹ Duyên. (Ảnh: M.D)
Nữ sinh Lìu Mỹ Duyên. (Ảnh: M.D)

Duyên đạt được huy chương Bạc môn ngữ Văn xong đã chia sẻ với phụ huynh về đam mê của mình. Ba mẹ Duyên mang tâm trạng lo lắng, thoảng chút nét buồn trên gương mặt.

Nhưng rồi mọi việc chóng vánh trôi qua, Duyên vẫn đạt được nguyện vọng của mình khi đặt chân vào lớp đào tạo Quản lý Khách sạn.

Duyên kể, người lớn thường hay sĩ diện khi trò chuyện với nhau về việc học của con cái. Lắm lúc, Duyên biết ba mẹ trả lời Duyên đi học nghề cũng hơi ngại.

Đến bây giờ, ba mẹ đã hiểu và không ngại ngùng khi trả lời câu hỏi trên với mọi người nữa. Ba mẹ Duyên luôn tôn trọng ý kiến của em.

Duyên nói đó là điều may mắn do ba mẹ em không bị ảnh hưởng bởi người khác quá nhiều. Thời còn học ở những lớp dưới, Duyên đạt được nhiều thành tích cao nhưng không thấy ba mẹ đi… khoe.

Cô nữ sinh bộc bạch, em rất chán áp lực học hành, thi cử bởi kỳ thi Quốc gia. Duyên cho là, dù có đổi mới nhưng không thể tránh khỏi điểm số để đạt được thành tích và học sinh phải… học vẹt.

Hơn nữa, nghề mà Duyên đã chọn thì chỉ có con đường đi học nghề sẽ mang lại lợi thế hơn. Nếu sau này muốn, Duyên cũng có thể học liên thông lên bậc cao hơn.

Học trung cấp nghề rồi lên Đại học, Duyên vừa có thời gian làm thêm, vừa có kinh nghiệm, vừa có bằng cấp để sau này tiến xa hơn trong công việc. Duyên không quan tâm đến cách bạn bè nhìn nhận về việc chọn con đường tương lai cho bản thân.

Cô nữ sinh bước vào trường nghề đã tiếp xúc được với sinh viên ở rất nhiều độ tuổi. Có các cô, chú đã đi làm rồi nhưng vẫn học thêm nghề quản lý khách sạn.

Duyên học được từ những người bạn lớn tuổi kinh nghiệm sống và có cái nhìn chín chắn hơn.

Học kinh nghiệm trước, lấy bằng cấp sau

Ban đầu, Duyên vẫn có một chút lo âu vì nghĩ học sinh ở những trường nghề sẽ khá quậy và không chịu học. Nhưng khi bước chân vào lớp, một cách nhìn khác đã thay đổi suy nghĩ của Duyên hoàn toàn.

Học ở trường nghề, Ban giám hiệu chỉ cần phát hiện học sinh hút thuốc lá trong trường sẽ đuổi học, nhiều bạn cúp học nhiều sẽ bị cấm thi.

Trong lớp, Duyên học không có sổ đầu bài mà chỉ bằng tinh thần tự giác của học sinh.

Lìu Mỹ Duyên bên thú cưng của mình sau giờ học. (Ảnh: M.D)
Lìu Mỹ Duyên bên thú cưng của mình sau giờ học. (Ảnh: M.D)

Duyên chưa đủ tuổi đi làm nên có dự định học xong các môn chuyên ngành cho vững và hoàn tất văn hóa xong mới đi làm. Cô nữ sinh vẫn cố gắng trau dồi thêm nhiều ngôn ngữ để có thể xin vào làm việc tại khách sạn 5 sao.

Sau đó, Duyên lại có kế hoạch đặt mục tiêu chinh phục cánh cửa Đại học.

Duyên khẳng định, ba làm kế toán cho một doanh nghiệp lớn, mẹ thì chỉ ở nhà lo nội trợ. Gia đình của Duyên dư khả năng có thể lo cho em học một mạch lên thẳng Đại học.

Thế nhưng, Duyên đã không chọn cho bản thân con đường khá dễ dàng và thiếu tự lập như thế.

Sản phẩm của nền giáo dục phải là những con người thật sự tự do
Sản phẩm của nền giáo dục phải là những con người thật sự tự do

Duyên nói, em không sợ chọn ngành Quản lý khách sạn sẽ có thu nhập thấp mà chỉ sợ làm không đúng nghề mình đam mê.

Cô nữ sinh cũng như bao bạn bè đều muốn chọn ngành nghề làm ra  thật nhiều tiền để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Duyên đã phân tích, tiền cũng là một động lực để chúng ta cố gắng. Nhưng nếu cứ làm những công việc mà mình không ưa thích suốt một thời gian dài sẽ gây ra  giác chán nản, khó chịu.

Đôi khi có những người muốn làm giáo viên nhưng nghĩ đến việc đồng lương ít ỏi khó trang trải cuộc sống sẽ không chọn theo nghề giáo viên. Hoặc có những bạn trẻ, chỉ thích được đứng trên lớp truyền đạt kiến thức cho trẻ con dù đồng lương eo hẹp.

Duyên nhận ra một điều, có rất nhiều anh chị lớp lớn tuổi hơn đang theo học Đại học bỗng nhận ra không hợp với nghề đã chọn. Các anh chị có tâm lý sợ thay đổi, sợ bắt đầu lại mọi thứ nên họ cứ lao vào học để lấy tấm bằng. Rồi sau này, những anh chị ấy đã mất hứng thú với công việc.

Duyên suy ngẫm, tâm lý sinh viên tốt nghiệp Đại học đều muốn làm quản lý, ở chức này, vị trí nọ hoặc chấp nhận một công việc nhưng với mức lương phải cao.

Nhiều bạn sẽ khó đồng ý với mức lương thử việc thấp lại bị sai vặt nhiều nên mang trong người như có một nỗi… nhục.

“Ba mẹ nuôi em ăn học chứ xã hội không nuôi mình ngày nào, tính ra "nhục" nó cũng mang lại một sự nỗ lực rất lớn”, Duyên nói.

Bản thân Duyên thấy khó chịu với các kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia, với lại bằng tốt nghiệp Đại học Chính quy, Liên thông, Văn bằng 2 hay Tại chức (cũ) đều có giá trị như nhau.

Duyên đã quyết định chọn cho mình ngã rẽ cuộc đời hoàn toàn khác biệt so với các bạn đồng trang lứa và cũng không thích đâm đầu vào học các chương trình thí điểm như một con chuột bạch.

Hưng Long