Nữ sinh dân tộc Mông mồ côi, vượt khó nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn

06/08/2019 06:43
Công Tiến - Đức Tân
(GDVN) - Mưa lũ đã cướp đi của Chúa cùng 5 anh em hai người thân yêu nhất khi em mới 6 tuổi nhưng em đã giấu đi nỗi buồn, nỗ lực học tập nuôi ước mơ được làm cô giáo.

Một hạnh phúc bình dị với bữa cơm mẹ nấu, cùng chờ cha đi làm về sum họp trong căn nhà nhỏ ấm cúng rộn tiếng cười với nhiều người là điều rất đỗi bình thường nhưng với em thì khác.

Số phận nghiệt ngã và thật không may mắn với 5 anh em Lò Thị Chúa (xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) khi cả bố và mẹ em không may bị tai nạn trên đường đi làm vì gặp một cơn mưa lũ.

Tai nạn đó đã lấy đi mãi mãi hai người thân yêu nhất của 5 anh em khi họ vẫn còn quá nhỏ, riêng Chúa khi đó mới lên 6 tuổi.

Mơ một hạnh phúc thân thương khi cả nhà cùng nắm tay đón chờ giao thừa tới, hay một hạnh phúc vô bờ khi đi học về được khoe những kết quả phấn đấu bao lâu để mong thấy được nụ cười mẹ cha… một hạnh phúc như thế với em khó khăn biết nhường nào.

Lò Thị Chúa (dân tộc Mông - tỉnh Hà Giang) lớp Đại học Văn - Truyền thông K2 - Đại học Tân Trào ước mơ được làm cô giáo dạy Văn cho trẻ em khó khăn (Ảnh: BM).
Lò Thị Chúa (dân tộc Mông - tỉnh Hà Giang) lớp Đại học Văn - Truyền thông K2 - Đại học Tân Trào ước mơ được làm cô giáo dạy Văn cho trẻ em khó khăn (Ảnh: BM).

Sau mất mát to lớn đó, 4 anh chị lớn của Chúa phải về sống dựa vào người thân, riêng Chúa được Trung tâm công tác xã hội Hà Giang nhận nuôi.

Những tháng ngày sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang Chúa được nuôi dưỡng và cho đi học như bao bạn trẻ khác.

Không chỉ vậy, Chúa luôn dành được sự quan tâm chăm sóc của mọi người trong trung tâm nên cũng phần nào xoa dịu đi nỗi đau mất mát.

Từ đó, Chúa không còn đơn độc trên hành trình đi đến tương lai, bởi trên hành trình ấy, bên cạnh em còn có người thân, bạn bè, nhà trường và các cô chú ở trung tâm bảo trợ xã hội luôn thấu hiểu, sẵn sàng đồng hành, sẻ chia và giúp đỡ em.

Tự ý thức được hoàn cảnh của mình nên suốt thời gian 12 năm học phổ thông và sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hà Giang em luôn cố gắng nỗ lực học tập để vươn lên chiến thắng số phận.

Trong những năm học cấp 3 Chúa luôn nằm trong top những học sinh có học lực khá giỏi của trường, đạt nhiều giấy khen.

Chúa bộc bạch: “Bản thân em rất muốn được trở thành một cô giáo dạy Văn để dạy học cho những em học sinh dân tộc quê em có hoàn cảnh khó khăn như mình.

Năm cuối lớp 12, qua một lần tình cờ em đọc được thông tin tuyển sinh của Trường đại học Tân Trào, cảm xúc em vui không sao tả hết khi học tập tại đây những học sinh như em được miễn toàn bộ học phí, được hỗ trợ ở trong ký túc xá khang trang, miễn phí và có đầy đủ tiện nghi”.

Tâm tư nam sinh nghèo không đỗ trường quân đội quyết không đi học đại học
Tâm tư nam sinh nghèo không đỗ trường quân đội quyết không đi học đại học

Từ đó, đã nhóm lên trong cô nữ sinh bé nhỏ ngọn lửa hi vọng để có thể tiếp tục đến trường và thực hiện ước mơ mà không quá bận tâm về khoản tài chính.

Em quyết định đăng ký dự thi vào Trường đại học Tân Trào lớp Đại học Văn - Truyền thông.

Với sức học của em thì việc thi đỗ đại học thì không quá khó. Năm 2015, Lò Thị Chúa chính thức thi đỗ vào lớp Đại học Văn - Truyền thông K2, Trường đại học Tân Trào với gần 20 điểm (cả điểm cộng).

Nhưng, cũng chính thời điểm đó Lò Thị Chúa lại có một luồng suy nghĩ muốn đi làm luôn để sớm có thu nhập.

Chúa chia sẻ: “Nhiều lúc trong em lại có suy nghĩ hay là mình tạm gác việc học hành lại, đi kiếm cho mình một công việc để có thêm thu nhập về giúp đỡ cho các cô trong Trung tâm công tác xã hội Hà Giang.

Rồi đến khi lớn, trong thời gian em học tập tại Trường đại học Tân Trào em vẫn được các cô ở Trung tâm công tác xã hội Hà Giang giúp đỡ, mỗi tháng em được nhận 2 triệu hỗ trợ chi phí học hành”.

Suốt 4 năm là sinh viên của Trường đại học Tân Trào, ngoài giờ học trên lớp em còn đi làm bưng bê tại các nhà hàng và quán cafe để kiếm thêm thu nhập.

Học và đi làm thêm nhưng Chúa vẫn luôn không ngừng nỗ lực học tập, đi làm thêm để kiếm thêm chút ít tiền phục vụ chi phí học tập và nuôi mơ ước một ngày được trở về bản làng làm cô giáo dạy học cho những đứa trẻ người Mông.

Thành tích học tập của Lò Thị Chúa rất đáng được hoan nghênh khi suốt 4 năm đại học em luôn nằm trong top những bạn sinh viên có học lực khá của lớp, tổng kết điểm trung bình chung học tập sau 4 năm học là 7,4, thời gian sắp tới em sẽ nhận bằng tốt nghiệp cử nhân loại khá.

Không chỉ có học lực khá, Chúa vẫn thường xuyên tham gia các chương trình tình nguyện của Đoàn - Hội sinh viên và vinh dự cho em khi em được được nhận danh hiệu Sinh viên năm tốt cấp trường.

Thầy cô đã truyền cảm hứng học tập và là người chắp cánh ước mơ cho em
Thầy cô đã truyền cảm hứng học tập và là người chắp cánh ước mơ cho em

Cô Nguyễn Thị Giang - Giảng viên, chủ nhiệm lớp em Lò Thị Chúa cho biết:

“Em Chúa là một trong những học sinh ngoan, gương mẫu của lớp, thường được các giảng viên khen là có tinh thần học tập, hay phát biểu xây dựng bài. Ngoài ra trong các phong trào của lớp em cũng luôn nhiệt tình”.

Cuộc sống vốn không hề bằng phẳng mà luôn chứa đựng những vất vả, thách thức dành cho tất cả chúng ta.

Và đời người là cuộc hành trình vượt qua những thử thách đó. Hãy hướng về phía trước.

Bạn đừng vội nản chí, mỗi lần vượt qua một khó khăn, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn.

Và cách tốt nhất để đánh giá năng lực của một người là nhìn vào cách người đó đã vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống.

Sau cùng, khó khăn gian khổ sẽ đem lại cho mỗi người một tài sản vô giá - đó là sự trưởng thành và trải nghiệm.

Với một nghị lực và tinh thần vượt khó của Lò Thị Chúa, tôi tin rằng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với cô gái nhỏ nhắn nhưng tinh thần của lại ngoài sức tưởng tượng này. Dẫu biết rằng con đường phía trước còn nhiều thử thách.

Mong rằng, em sẽ cố gắng trên con đường ước mơ trở thành một cô giáo dạy văn sau này.

Công Tiến - Đức Tân