Nữ hiệu trưởng biến trường học thành nhà lưu trú 0 đồng cho bệnh nhân ung thư

31/08/2021 06:16
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường học phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song cô Hiệu trưởng trường mầm non lại “tìm thấy niềm vui” khi chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Cơ duyên “mở trường” giữa mùa dịch của nữ giáo viên

Giữa những ngày “làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Hà Nội phải thực hiện giãn cách, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là bệnh nhân K không thể thuê nhà trọ hoặc chưa kịp trở về quê.

Với mong muốn san sẻ với những khó khăn ấy, Hiệu trưởng một trường mầm non đã cùng bạn bè lập nên dự án nhà lưu trú 0 đồng cho các bệnh nhân ung thư.

Đó là cô Nguyễn Hồng Ngọc (sinh năm 1990), hiện đang là Hiệu trưởng Trường mầm non May - Khu đô thị Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội).

Cô Nguyễn Hồng Ngọc (đeo khẩu trang đen) đến thăm các bệnh nhân đang ở lại nhà lưu trú. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Hồng Ngọc (đeo khẩu trang đen) đến thăm các bệnh nhân đang ở lại nhà lưu trú. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở giữa đất Hà thành, cô Ngọc cho biết, nghề giáo đối với cô giống như một sự lựa chọn “nối nghiệp” gia đình.

“Tôi theo đuổi ước mơ với ngành giáo dục theo mong muốn của ông nội, ông vốn là một cán bộ nghiên cứu của Viện Hoá học Việt Nam. Trong đại gia đình, cho dù ai ở độ tuổi nào, hay đã đạt được thành công đến đâu trong cuộc sống, cũng đều mong muốn bản thân có thể theo đuổi con đường học tập một cách dài lâu”, cô Ngọc chia sẻ.

Từ khi mới tốt nghiệp, cô Nguyễn Hồng Ngọc đã kinh qua nhiều vị trí gắn bó với ngành giáo dục, từ giáo viên Khoa Giáo dục thường xuyên (Trường Bồi dưỡng Cán bộ Giáo dục Hà Nội (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội), đến giảng viên của Học viện Quản lý giáo dục.

Năm 2019, nữ giảng viên quyết định nghỉ làm ở cơ quan Nhà nước để thực hiện ước mơ riêng của bản thân, mở Trường mầm non.

Cô Ngọc tâm sự: “Trong thời gian mở trường từ năm 2019 đến nay, chúng tôi đã nghỉ tổng cộng 16 tháng do dịch bệnh Covid-19. Riêng trong năm 2021, trường đã đóng cửa suốt 8 tháng. Nhìn các đồng nghiệp cùng mở trường giống như mình dần dần tạm biệt và rút khỏi nhóm các chủ trường và nhóm trẻ quanh khu vực, tôi cảm thấy buồn và có chút gì đó bất lực...

Khi Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội, tôi chứng kiến những bệnh nhân ung thư tại bệnh viện K - cơ sở Tân Triều gặp khó khăn... Tôi được biết, bệnh nhân ung thư điều trị theo đợt, sau 10-12 ngày, họ lại phải vào viện điều trị tiếp, có về quê được cũng khó để đến Hà Nội kịp cho đợt truyền hóa chất tiếp theo, mà ở lại thành phố thì khó khăn chồng chất khó khăn, tốn kém tiền nhà trọ, tiền ăn, điện nước, thuốc men... Chính vì vậy, tôi đã quyết định mở cửa trường để đón các bệnh nhân ung thư khó khăn đến ở tạm.

Tình cờ trong thời điểm ấy, tôi biết đến Chu Bá Định (Chủ nhiệm câu lạc bộ từ thiện Thiên Thần) qua một người bạn. Mọi thứ bắt đầu vào một buổi tối, khoảng 9h, người bạn đó gọi điện cho tôi và đặt vấn đề về việc cho hai bệnh nhân ung thư ở nhờ do giãn cách không có chỗ nào để đi. Không chút do dự, tôi ngay lập tức đồng ý.

Trước đó, nhìn bạn bè lăn xả khắp nơi, giúp đỡ rất nhiều người, tôi cũng muốn chung tay cùng các bạn, đóng góp một chút gì đó, dù nhỏ bé, cho cộng đồng. Tôi tự cảm thấy mình may mắn vì có cơ hội để giúp đỡ người khác giữa lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay”.

“Không lâu sau, vì số lượng bệnh nhân ngày một đông lên, tôi mời thêm một người em họ, chúng tôi quyết định thành lập một nhóm nhỏ chuyên tâm giúp đỡ các bệnh nhân ung thư. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã sử dụng trường mầm non tạm làm chỗ trú cho khoảng 15 bệnh nhân ung thư. Trong đó, có các em nhỏ 1 tuổi, 17 tuổi, 24 tuổi và cả những người lớn tuổi khác cùng sinh hoạt với nhau”, vị Hiệu trưởng cho biết thêm.

Vậy là, giữa mùa dịch, cô Hiệu trưởng vẫn có thể “mở cửa” trường mầm non, dù không có tiếng bi bô của con trẻ, nhưng vẫn có những bữa cơm đầm ấm, những nụ cười ngọt ngào phía sau lớp khẩu trang. Điều đó cũng là một niềm vui khiến cô Ngọc bỏ quên nỗi buồn cùng cảm giác bất lực trước đó, cô vui vì được chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn.

Bữa ăn ấm áp của các bệnh nhân K. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bữa ăn ấm áp của các bệnh nhân K. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Một chút suy xét, một chút suy nghĩ cho người khác...”

Tại không gian nhà lưu trú đặc biệt, ấm áp giữa mùa dịch này, các bệnh nhân ung thư không chỉ có chỗ ở 0 đồng, mà còn được cung cấp miễn phí thực phẩm tươi sống, hoa quả, đường sữa để bồi bổ sức khỏe. Mỗi sáng, cô lao công và bác bảo vệ của nhà trường sẽ chuyển đồ ăn đến cho mọi người, đồng thời, cũng luôn sẵn sàng có mặt khi các bệnh nhân cần, bất kể ngày đêm.

Nhìn chỗ ở rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ đồ dùng sinh hoạt từ tủ lạnh, dầu gội, khăn tắm..., nhiều bệnh nhân không giấu nổi niềm vui, bởi lẽ, ở lại nhà lưu trú này, còn có phần đủ đầy và thoải mái hơn ở nhà.

Cô Hồng Ngọc cũng cho biết, trong thời gian tới, nếu có thêm nhiều bệnh nhân đến, cô sẽ dành toàn bộ 23 phòng học để đón tiếp bệnh nhân và người nhà.

Điều kiện để bệnh nhân đến nhà lưu trú miễn phí này chỉ đơn giản là mang theo giấy xác nhận ra viện của bệnh viện và phiếu xét nghiệm âm tính với virus Sars-CoV-2. Trong thời gian ở lại trường, các bệnh nhân luôn đeo khẩu trang, không ra ngoài, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Nhắc đến những hình ảnh khó quên trong những ngày này, giọng cô như trầm lại: “Trường hợp khiến tôi nhớ nhiều nhất trong đợt thực hiện dự án nhà lưu trú 0 đồng này là một bạn nam 24 tuổi, bị ung thư máu.

Cậu ấy đã mất hai tuần trước tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Vì các bệnh nhân lưu trú tại trường luôn tuân thủ chặt chẽ việc không đi ra ngoài, nên vốn thân thiết với nhau như một gia đình.

Buổi chiều hôm đó, có một bạn bị đau bụng, bạn nam 24 tuổi ấy vẫn cố gắng chạy đi tìm người giúp đỡ; thì đến ngày hôm sau, do bệnh tình chuyển biến, bạn ấy được Bá Định đưa vào viện. Rồi cậu ấy không qua khỏi...

Trong phút giây cuối cùng, cậu ấy vẫn cố gắng nói lời cảm ơn chúng tôi và chào tạm biệt với Định. Cả nhóm chúng tôi đều tự nhủ, sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa, để giúp được nhiều người hơn...

Chúng tôi hạ quyết tâm, trong thời gian giãn cách, dù có bất cứ điều gì xảy ra, thì chúng tôi vẫn duy trì nhà lưu trú cho bệnh nhân ung thư đến khi trường học được phép mở cửa, đón học sinh đi học trở lại”.

Không chỉ biến lớp học thành nhà lưu trú cho bệnh nhân ung thư, trước đó, cô Nguyễn Hồng Ngọc còn chủ động mở trường, làm địa điểm tiêm vắc-xin cho người dân trên địa bàn.

Trường mầm non trở thành điểm tiêm vắc-xin cho người dân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trường mầm non trở thành điểm tiêm vắc-xin cho người dân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhớ lại quyết định ấy, ánh mắt cô như vẫn ánh lên một niềm tự hào: “Là một cơ sở giáo dục ở trên địa bàn, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng. Vậy nên khi nhận được công văn yêu cầu giúp đỡ để đặt điểm tiêm gấp vắc-xin do tình hình dịch bệnh diễn biến xấu và căng thẳng, chúng tôi đã ngay lập tức chỉ đạo toàn bộ tổ bảo vệ, lao công, cán bộ trực trường dọn dẹp, khử khuẩn, di dời toàn bộ cơ sở vật chất của một dãy nhà để giải phóng mặt bằng cho Bệnh viện Bưu Điện và Y tế phường đặt điểm tiêm.

Từ ngày 27-31/7, công tác tiêm vắc-xin tại trường diễn ra suôn sẻ. Đó là một trong những cách để nhà trường đóng góp vào công tác phòng, chống và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Chúng tôi đều chỉ cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được góp chút sức lực của mình vì cộng đồng, cho những hành động ý nghĩa.

Chúng tôi hy vọng, học sinh của mình nhìn vào đó, sẽ có một bài học đạo đức đầu đời: “Một chút suy xét, một chút suy nghĩ cho người khác, tạo nên tất cả khác biệt” - A.A.Milne (tác giả của bộ sách Winnie-the-Pooh)”.

Trước đó, nữ Hiệu trưởng cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho học sinh tham gia: Khi thì đón toàn bộ học sinh trường khuyết tật về trường cùng tổ chức đêm nhạc, khi thì đưa học sinh 5 tuổi đến trung tâm nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật để tổ chức Trung thu…

Cô Ngọc cũng tâm sự: “Tôi hướng đến các hoạt động thiện nguyện lồng ghép yếu tố giáo dục và đạo đức cho các con. Những việc làm hiện tại mà nhà trường cũng là một ví dụ sinh động cho học sinh về giá trị của tình cảm, đạo đức, trách nhiệm của một công dân với cộng đồng và đất nước.

Trong thời gian tới, đứng trước bất kỳ một hoạt động nào “trong tầm với” mà cần huy động nhà trường, chúng tôi chắc chắn sẽ dốc sức, tất cả vì ngày Hà Nội bình yên, Việt Nam bình yên sớm trở về!”.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Ngân Chi