Nữ giáo viên 8X luôn "là bạn" với trò, tâm niệm giáo dục không chỉ có điểm số

05/05/2022 06:48
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Đối với sinh lớp 7 thì khác lớp 6, các em có cái tôi lớn hơn nên tôi dạy các em phải biết đoàn kết, biết lắng nghe và để ý đến cảm xúc của người khác".

Trường trung học cơ sở Mai Động (Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) là ngôi trường công lập có bề dày về thành tích trong công tác giảng dạy và học tập. Một trong những nhân tố thuộc phương châm giáo dục đang được nhà trường đẩy mạnh là rèn luyện kĩ năng sống cho các em học sinh.

Cô Trần Thúy Nga (sinh năm 1987, giáo viên dạy Ngữ văn, tổ trưởng tổ Xã hội của Trường trung học cơ sở Mai Động ) - một nữ giáo viên được nhiều học sinh quý mến và biết đến với vai trò không chỉ "truyền lửa" tinh thần học tập, mà còn dạy các em kĩ năng sống, tính tự chủ, tự lập trong cuộc sống.

Cô Nga cùng các em học sinh tham gia "nuôi lợn thiện nguyện". (Ảnh: NVCC)

Cô Nga cùng các em học sinh tham gia "nuôi lợn thiện nguyện". (Ảnh: NVCC)

Hiểu tâm lý học sinh theo giai đoạn

Trải qua nhiều lớp thế hệ học sinh, nữ giáo viên thế hệ 8X đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để truyền đạt cho học sinh.

Cô Nga từng chủ nhiệm các lớp từ khối lớp 6 đến khối 9, đây là lứa tuổi phát triển về tâm, sinh lý nên đòi hỏi giáo viên không chỉ phải có kinh nghiệm sống mà còn là cách truyền đạt kĩ năng đến các em.

"Đối với học sinh lớp 6, tôi dạy cho học sinh sự trung thực, tự giác, biết cách bố trí không ỷ lại vào thầy cô, và hòa đồng với tập thể. Đồng thời tôi chú ý đến kĩ năng ứng xử nhiều hơn, như việc nên đứng ở đâu để nói chuyện, hay trong buổi liên hoan thì cần thể hiện thái độ hành động như nào... Có được những kĩ năng này, khi học sinh lên các cấp học tiếp theo thì các em vẫn làm chủ được cuộc sống.

"Coi học sinh là bạn" đây là cách để nữ giáo viên gần gũi và hiểu các em hơn. (Ảnh: NVCC)

"Coi học sinh là bạn" đây là cách để nữ giáo viên gần gũi và hiểu các em hơn. (Ảnh: NVCC)

Đối với sinh lớp 7 thì khác hơn, các em có cái tôi lớn hơn nên tôi dạy các em phải biết đoàn kết, biết lắng nghe và để ý đến cảm xúc của người khác.

Khi lên lớp 8, đây là khoảng thời gian mà các em có những chông chênh do tâm, sinh lý thay đổi, ương bướng khó bảo, nên tôi không trách mắng gì cả mà mang định hướng cô giáo như người bạn của học sinh.

Nếu học sinh vượt qua cột mốc lớp 8, ở lớp 9 thì sẽ có sự bình yên hơn, khi vào guồng của kì thi vào lớp 10", cô Nga chia sẻ.

Nữ giáo viên Ngữ văn cho hay, điều quan trọng trong việc giảng dạy, giáo dục học sinh không phải là điểm số, mà phải làm sao cho các em có niềm vui khi đến trường, có như vậy thì vấn đề học tập sẽ không bị áp lực.

Nếu giáo viên ép buộc học sinh học tập thì cũng chỉ được trong một khoảng thời gian, chứ không phải cả quá trình. Vì vậy, giáo viên phải dạy học sinh tính tự chủ, tự giác trong học tập sẽ khác so với việc ép buộc.

Quan tâm với những học sinh "đặc biệt"

Chia sẻ về lớp của cô chủ nhiệm từ năm lớp 6 và nay là lớp 8A5, nữ giáo viên cho biết, trong lớp có những bạn rất "đặc biệt" nên cô dành sự quan tâm nhiều hơn.

Có một bạn nam không kiểm soát được cảm xúc, lúc thì em nói rất nhiều, lúc thì bất cần, tính cách có lúc lại như học sinh tiểu học.

"Nếu em ấy có dấu hiệu mất cảm xúc và căng thẳng, tôi sẽ cố gắng để em không làm ảnh hưởng đến các bạn học khác. Ngược lại, tôi nói 'dừng lại nhé, cô không đồng ý đâu' thì bạn ấy cũng biết lắng nghe.

Nếu giờ học của giáo viên khác, tôi sẽ xin cô giáo bộ môn cho tôi được gặp riêng bạn ý và nói 'cô chưa hỏi gì cả, con cứ hít thở sâu đã'. Khi tâm lí học sinh đã bình tĩnh, cởi mở thì hai cô trò bắt đầu trò chuyện", cô Nga chia sẻ.

Cô Nga chia sẻ thêm, bạn học sinh này cũng có lúc không thể nói gãy gọn được câu, nên cô phải có biện pháp tác động để em hồi lại cảm xúc, nhớ lại vấn đề bị người khác tác động. Sau đó, cô giải thích và đưa ra cách xử lí tình huống cho học sinh này.

"Bố mẹ học sinh này buôn bán nên cũng không có nhiều thời gian để chăm sóc, nên có những lúc con muốn trò chuyện thì bố mẹ bận", cô Nga chia sẻ.

Còn một trường hợp khác cũng khá đặc biệt về bạn L. bị chậm phát triển về khả năng ngôn ngữ, có những câu nam sinh này nói lặp lại đến hai, ba lần. Cô Nga cho hay, bên cạnh sự quan tâm của cô đối với em này khi trên lớp, thì ở nhà phụ huynh cũng rất quan tâm.

Bố thường đưa em đi chơi để giao tiếp với mọi người xung quanh, kiểm tra bài vở của con... Cô Nga cho rằng, nếu em L. không có sự quan tâm của phụ huynh, thì một mình cô cũng khó giúp bản thân L. phát triển toàn diện.

"Nếu một mình giáo viên làm sẽ không đủ, có sự quan tâm của phụ huynh đã giúp em này rất nhiều", cô Nga chia sẻ.

Chia sẻ thêm thông tin về cô Trần Thúy Nga, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Mai Động Nguyễn Thị Hà Thanh cho hay, khi còn là tổng phụ trách Đội, cô Nga đã có nhiều đóng góp cho phong trào hoạt động của Đội thiếu niên tiền phong của trường.

Nhiều năm qua với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn, cô luôn quan tâm đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, luôn động viên giúp đỡ những đoàn viên có khó khăn hoặc sẻ chia khi các gia đình có việc hiếu - hỉ.

Với vai trò cố vấn cho Chi đoàn - Ban Thiếu niên, cô luôn đề xuất những ý tưởng mới trong việc tổ chức hoạt động rèn nếp - giáo dục học sinh… Chính sự năng nổ, tích cực đó của cô đã truyền kinh nghiệm, cảm hứng cho nhiều bạn đoàn viên trẻ.

Bên cạnh đó, cô còn là tổ trưởng tổ Xã hội, cô Nga không chỉ chuyên môn vững vàng mà còn nhiệt huyết, say mê, chỉn chu trong từng tiết dạy, luôn cầu thị, sẵn sàng góp ý chân thành, thẳng thắn.

Không chỉ dày dặn về chuyên môn, nhiệt tình trong đoàn thể, cô Nga còn được nhiều học sinh quý mến bởi sự quan tâm, truyền đạt kĩ năng sống đến các em học sinh, giúp các em trưởng thành.

"Cô Thúy Nga đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến cấp Quận”, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở” (năm học 2013 - 2014) và vinh dự được xét gia đình cán bộ viên chức Lao động tiêu biểu quận Hoàng Mai năm học 2020 - 2021", cô Hà Thanh cho hay.

Mạnh Đoàn