Nữ Đại biểu 9x: Nếu giáo viên không lo được cho mình thì sao giúp được học sinh

13/06/2021 06:07
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo người Brâu mong góp tiếng nói của giáo viên trước nghị trường, để hoàn thiện những chính sách về giáo dục.

Mang khát vọng “vượt cổng làng”

Đến lúc này, cô giáo Nàng Xô Vi (sinh năm 1996, giáo viên Phân hiệu Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum) vẫn chưa tin mình là đại biểu Quốc hội khóa XV với số phiếu bầu tín nhiệm hơn 82%.

Cô giáo người Brâu đã vượt qua những hủ tục, định kiến hàng trăm năm của bản làng để bước lên bục giảng. Ảnh: NVCC

Cô giáo người Brâu đã vượt qua những hủ tục, định kiến hàng trăm năm của bản làng để bước lên bục giảng. Ảnh: NVCC

“Cảm xúc của em lúc này rất vui, tự hào nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm mà các cử tri đã tin tưởng, gửi gắm để mình cố gắng nhiều hơn.

Bản thân Vi cảm nhận mình còn khá trẻ, hơn nữa tuổi nghề chưa lâu nhưng khi thấy số phiếu tín nhiệm cao như vậy thì cũng giật mình, có chút lo lắng… nhưng vẫn có niềm tin là mình làm được”, cô giáo trẻ bộc bạch.

Ít ai biết được rằng, nữ đại biểu Quốc hội trẻ tuổi này đã phải vượt qua biết bao trở ngại, định kiến và hủ tục hàng trăm năm để chạm tới những ước mơ cháy bỏng.

Sinh ra trong gia đình nghèo ở ngã ba Đông Dương (thôn Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), con đường đến trường của cô giáo người Brâu cũng trắc trở, gập ghềnh như chính những ngọn núi của xứ này.

“Ngày đó đi học cực lắm. Để đi học cấp 3 thì phải vượt cả vài chục cây số xuống huyện để học trong khi gia đình nghèo, không chu cấp nổi.

Khi em học đến lớp 9 thì bố gọi vào nói rằng, học đến lớp 9 là đủ rồi con, cộng trừ nhân chia biết rồi thì nghỉ ở nhà phụ bố mẹ rồi đủ tuổi thì lấy chồng.

Lúc đó, cứ nghĩ đến cảnh nghèo khó, hủ tục bao năm rồi bạo lực gia đình, trẻ em mới 6-7 tuổi phải bỏ học ở nhà trông em. Đến như chị gái em sinh năm 1990 (lớn hơn 6 tuổi) cũng phải đi học lớp 1 cùng em.

Trẻ em xứ này đã chịu quá nhiều thiệt thòi nên em muốn vượt ra khỏi cổng làng để xem thế giới bên ngoài như thế nào?”.

Mang theo niềm đam mê nghiệp đèn sách cô bé ngày ấy đã mạnh dạn đến gặp bác trưởng thôn, Vi bày tỏ nguyện vọng muốn được xuống miền xuôi học tập. Cảm mến trước sự hiếu học của cô bé, bác trưởng thôn dẫn Vi và người bạn cùng xóm đến gặp cán bộ Sở Giáo dục để nộp hồ sơ xin học.

“Em nhớ ngày đó, vị cán bộ Sở mới hỏi: “Con có chắc chắn muốn học không?, ý bác ấy là muốn hỏi em có chắc chắn muốn đi học không, hay lại không chịu được rồi bỏ về giữa chừng như nhiều bạn học trước đây.

Em hứa sẽ cố gắng học, không bỏ giữa chừng. Chắc thấy quyết tâm của em nên bác đã đồng ý nhận.

Đến tháng 8 thì nhận được giấy báo xuống học. Nhưng khổ nỗi lúc đó em cũng chưa rành về tiếng Kinh, nói thiếu dấu, viết sai chữ nhiều lắm. Nói 1 câu mà 8 câu thiếu dấu. Ba tháng đầu tiên khi bước vào kỳ thi chất lượng đầu năm thì điểm rất thấp, hầu như không biết cái gì”, Vi tâm sự.

Chưa hết học kỳ 1 thì một người bạn bỏ học giữa chừng, về làng lấy chồng khiến quyết tâm của Vi có chút xao động. Nhưng được thầy cô giáo, bạn bè động viên, Vi quyết tâm học.

“Học kỳ 1 lớp 10, em được học sinh tiên tiến thì mừng lắm vì bao công sức, nổ lực đã được đền đáp, hơn nữa đó là sự quan tâm, dạy dỗ của thầy cô đúng lúc.

Đến các kỳ sau thì thành tích học tập ngày càng tốt hơn. Các thầy cô đã dạy bằng chính tâm huyết và tình yêu thương nên em mới thích nghề giáo từ đó. Đó là một nghề cao quý”.

Ngày nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Sư phạm Huế thì thầy Hiệu trưởng có gọi lên dặn: “Thầy bảo các em nên biết ở Huế là cái nôi đào tạo nhân tài của miền trung, học sinh giỏi tập trung về đó rất đông.

Các em học thế này thì không học được ở đó đâu, rồi kinh tế khó khăn sẽ không trụ được. Nên tìm các trường ở gần địa phương để học tập thuận lợi hơn”. Nhưng Vi vẫn quyết thi và đậu vào Trường Đại học Sư phạm Huế.

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Đại học, Vi từng làm thêm nhiều nghề, thậm chí làm việc ở các lò bánh mỳ trước khi được nhận về thỉnh giảng tại Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh.

Ước mơ trở thành giáo viên trên chính mảnh đất quê hương của mình đã thành hiện thực khi Vi trúng tuyển kỳ thi viên chức giáo dục tỉnh Kon tum năm 2020.

“Hạnh phúc nhất là mình được về giảng dạy tại chính ngôi trường ngày xưa mình học. Có lẽ đó là cơ hội để mình trả ơn những thầy cô ngày xưa đã dìu dắt em”, cô Vi nói.

Tâm tư của nữ đại biểu

Chia sẻ về mục đích ứng cử đại biểu Quốc hội của mình, Xô Vi nói: “Ban đầu, khi mới ra tranh cử thì em nghĩ mình làm ở mảng giáo dục mà phương châm của giáo dục là phải đi trước.

Nữ đại biểu Nàng Xô Vi muốn mang tiếng nói, tâm tư của người giáo viên ra nghị trường. Ảnh: NVCC

Nữ đại biểu Nàng Xô Vi muốn mang tiếng nói, tâm tư của người giáo viên ra nghị trường. Ảnh: NVCC

Đối với các em học sinh người dân tộc thiểu số thì rất hay e ngại, có khi là tự ti. Vì vậy, em muốn có một cô giáo người thật việc thật, một cô giáo người Brâu tự tin đăng ký ra tranh cử.

Một cô giáo có cuộc đời cũng như bao nhiêu em học sinh người dân tộc thiểu số khác đã vượt lên trên những hủ tục, định kiến của bản làng để trở thành một người cầm phấn trên bục giảng.

Tại sao mình không làm được như cô? Em muốn lấy hình ảnh của mình để các em noi theo. Đó là ý nghĩa riêng ban đầu của em”.

Nhưng khi được giới thiệu ra ứng cử, trước sự kỳ vọng, tin tưởng của bạn bè, đồng nghiệp, nhất là các cử tri thì Xô Vi muốn góp tiếng nói của mình để hoàn thiện các chính sách về giáo dục. Qua đó, góp một phần công sức cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng.

“Mong muốn của em là có tiếng nói của giáo viên trước nghị trường, để hoàn thiện những chính sách về giáo dục. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của giáo viên.

Ở trường em, phần lớn giáo viên từ các huyện xa đến, đời sống của giáo viên cực kỳ khó khăn. Những năm trước, khi trường mới thành lập thì phải mượn một đồn Biên Phòng cũ để dạy học sinh.

Cả giáo viên, học sinh ở cùng nhau, kể cả dùng nhà vệ sinh chung. Giáo viên cực khổ đủ bề nhưng vì tình yêu nghề, yêu mến lũ trẻ vùng Ia H’Drai nên vẫn cố gắng vượt qua.

Sau này, dù được xây dựng khang trang hơn nhưng giáo viên vẫn phải ở chung với học sinh. Giáo viên ở ghép 4-5 người/phòng, ăn ở, sinh hoạt khá khó khăn.

Mong sao nhà nước sẽ hỗ trợ, quan tâm hơn đến đời sống giáo viên. Bởi họ chính là những người “đứng mũi chịu sào” trong cuộc cách mạng giáo dục, nếu bản thân họ không lo được cho họ thì làm sao lo được cho học sinh”, cô Xô Vi chia sẻ thêm.

MINH THẢO