Nói như ông Huỳnh Minh Tâm thì ông chả liên quan gì đến số mệnh cả trăm nhà giáo

21/10/2019 06:38
Bài và ảnh: Nguyễn Phan
(GDVN) - Mặc dù đã có gần 20 năm trong cương vị Trưởng phòng giáo dục, nhưng nay ông Tâm thản nhiên phủi trắng trách nhiệm trong việc nhà giáo bị cắt chặn chế độ.

Sau loạt bài phản ánh về những sai phạm trong chế độ nhà giáo của ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cơ quan chức năng huyện Vĩnh Thuận đã bắt đầu “rục rịch” vào cuộc.

Ngày 8/10/2019, ông Huỳnh Minh Tâm, Trưởng phòng giáo dục huyện Vĩnh Thuận đã có văn bản giải trình gửi tới Ủy ban nhân dân huyện để giải trình về một số vấn đề báo chí phản ánh về thực hiện chế độ phụ cấp đối với nhà giáo.

Giải trình về một số vấn đề báo chí phản ánh về thực hiện chế độ phụ cấp đối với nhà giáo của ông Huỷnh Minh Tâm.
Giải trình về một số vấn đề báo chí phản ánh về thực hiện chế độ phụ cấp đối với nhà giáo của ông Huỷnh Minh Tâm.

Vấn đề nhà giáo không được hưởng phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi, ông Tâm cho rằng:

Căn cứ Quyết định 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2015 và Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011, bà Nguyễn Thị Cảnh đang giữ chức danh nghề nghiệp là giáo viên nhưng do không trực tiếp giảng dạy nên nhà trường không đề nghị cho bà Cảnh được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Việc phân công giảng dạy thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng nhà trường, nếu hiệu trưởng phân công giảng dạy phù hợp, sau đó thực hiện các thủ tục để đề nghị cơ quan cấp trên xem xét, thẩm định hồ sơ, nếu đúng quy định thì tham mưu Ủy ban nhân dân huyện xem xét quyết định cho hưởng các loại phụ cấp”.

Giải trình về “chức vụ từ trên trời rơi xuống” trong quyết định hưu của cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, nhân vật trong bài viết “Ám ảnh về những quyết định của huyện Vĩnh Thuận khiến nhà giáo nước mắt chan cơm”, được Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải trong số ra ngày 6/10/2019, ông Tâm cho biết:

Phòng Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định nghỉ hưu trước tuổi đối với bà Nguyễn Thị Cảnh, về chức danh ghi theo danh sách đính kèm tại công văn số 884/SNV-TCCCVC ngày 31/7/2019 của Sở Nội vụ là nhân viên thư viện.

Quyết định nghỉ hưu trước tuổi của bà Nguyễn Thị Cảnh ghi chức vụ “nhân viên thư viện”, thực tế đó không phải chức vụ mà là công việc đang làm” (Thực tế, cô Nguyễn Thị Cảnh chưa từng có 1 ngày làm công việc của nhân viên thư viện - tác giả).

Như vậy, theo giải trình của ông Trưởng phòng giáo dục, nguyên nhân nhà giáo bị cắt chặn chế độ là do hiệu trưởng không phân công giảng dạy, còn chức vụ “nhân viên thư viện” mà cô Nguyễn Thị Cảnh được “tặng” trong quyết định hưu là do Phòng Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện ghi theo danh sách của Sở Nội vụ đính kèm công văn thông báo kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP chứ không liên quan ngành giáo dục (?).

Ông Huỳnh Minh Tâm ăn gan hùm hay sao mà dám làm thế?
Ông Huỳnh Minh Tâm ăn gan hùm hay sao mà dám làm thế?

Tiếp theo, giải trình cho các trường hợp giáo viên “được” phân công làm nhân viên, ông Tâm cho biết:

Năm học 2018-2019, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận có 61 giáo viên được phân công nhiệm vụ làm nhân viên văn phòng.

Số giáo viên được phân công làm nhân viên văn phòng có trình độ chuyên môn ngành sư phạm, đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức là giáo viên.

Do tình trạng thừa giáo viên nhưng thiếu nhân viên làm công tác văn phòng như kế toán, văn thư, thiết bị, thư viện…nên Ban giám hiệu trường tạm thời phân công làm nhân viên văn phòng để đảm bảo chế độ làm việc”.

Như những gì đã giải trình, dường như ông Tâm không có một chút gì liên quan đến việc hàng trăm nhà giáo bị phân công trái vị trí việc làm trong suốt nhiều năm một cách trái luật.

Vì theo ông Tâm, chế độ nhà giáo bị cắt chặn là do hiệu trưởng không phân công hoặc phân công không đúng chuyên môn, là do địa phương thiếu thừa cục bộ giáo viên…

Theo như những gì đã giải trình, dường như ông Trưởng phòng giáo dục Huỳnh Minh Tâm không hề biết có sự tồn tại của các văn bản quy phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng viên chức, ông Tâm cũng không liên quan gì đến việc các cơ sở giáo dục phổ thông của huyện Vĩnh Thuận đã không đề nghị thực hiện chế độ chính đáng cho nhà giáo trong suốt nhiều năm.

Trong khi đó, chỉ cần đơn cử một cụ thể điển hình về việc quản lý sử dụng viên chức được quy định trong Luật viên chức 2010 cũng đủ điều kiện để xác định trách nhiệm đúng/sai và trách nhiệm khôi phục chế độ cho nhà giáo.

“Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. (Khoản 1, Điều 7)

Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện theo nguyên tắc sau: Làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm đó; Người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó. (Khoản a, b, Điều 31)”.

Nhưng, với cách giải trình “phủi tay” như trên, dường như ông Trưởng phòng giáo dục này cho rằng bản thân không hề có mối liên hệ gì về trách nhiệm đối với việc việc ngành giáo dục Vĩnh Thuận gần như bị “xóa trắng” nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ (văn thư, thủ quỹ, kế toán, thư viện, thiết bị…).

Như vậy, mặc dù đã có gần 20 năm (2000-2019) trong cương vị Trưởng phòng giáo dục, nhưng nay ông Tâm thản nhiên phủi trắng trách nhiệm trong việc nhà giáo bị cắt chặn chế độ bằng một cách thật nhẹ nhàng và đầy tinh quái.

Bài và ảnh: Nguyễn Phan