Nơi người thầy phải học tiếng của đồng bào dân tộc Ma-Coong

04/09/2017 06:09
Thủy Phan
(GDVN) - Hầu hết học sinh ở vùng đất biên giới này chưa biết tiếng Việt khi vào lớp 1. Vì vậy, các giáo viên phải học tiếng đồng bào trước khi dạy tiếng Việt.

Chúng tôi đã có dịp tham dự buổi học môn Tiếng Việt của các em học sinh lớp 1 ở bản Troi, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Xã Thượng Trạch là địa bàn có 100% đồng bào dân tộc người Ma - Coong.

Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, hầu hết các em học sinh đồng bào dân tộc ở đây khi vào lớp 1 đều chưa nói được tiếng phổ thông (tiếng Việt), trừ một số ít học sinh ở bản trung tâm và một số bản có lớp mầm non.

Vì vậy, các thầy phải biết tiếng đồng bào để nói cho học sinh hiểu, mà muốn nói được tiếng đồng bào thì phải học.

Hầu hết trẻ em ở Thượng Trạch khi vào lớp 1 đều chưa nói được tiếng phổ thông. Ảnh: Thủy Phan.
Hầu hết trẻ em ở Thượng Trạch khi vào lớp 1 đều chưa nói được tiếng phổ thông. Ảnh: Thủy Phan.

Giáo viên cắm bản lâu năm thì đã thành thạo tiếng đồng bào. Còn những giáo viên mới lên nhận công tác thì phải học từ những giáo viên đi trước, học từ phụ huynh học sinh, thậm chí là học từ những học sinh lớp lớn đã biết tiếng phổ thông.

Do đó, khi phân công phụ trách lớp, Ban giám hiệu nhà trường cũng phải cân nhắc những thầy cô công tác tại địa bàn lâu năm dạy lớp 1, 2, còn những thầy cô mới nhận công tác thì dạy lớp 4, lớp 5.

Thầy Đỗ Hồng Thái, giáo viên cắm bản gần 10 năm ở xã Thượng Trạch chia sẻ: “Khi mới lên nhận công tác, chúng tôi phải học tiếng đồng bào từ những thầy đi trước. Sau đó hỏi thêm phụ huynh, hoặc có thể nhờ các em học sinh lớp lớn chỉ cho.

Có những ngày trời lạnh được nghỉ dạy, tôi tới bếp của nhà dân ngồi, vừa ấm vừa lấy sổ ghi lại những tiếng mình hỏi được từ họ để biết mà về dạy học sinh. Học tiếng của đồng bào nếu mình để ý thì cũng nhanh thôi, vì tiếng họ chỉ ghép lại là thành nghĩa.

Ví dụ, mới đầu thì chúng tôi học những từ đơn giản như: lên, xuống, trái, phải… để hướng dẫn các em học sinh cầm bút, đưa nét.

Các thầy cô lo lắng cho học sinh thì phải học để còn dạy chữ, hơn nữa học để phục vụ cho công việc giảng dạy. Vừa học tiếng đồng bào, chúng tôi vừa kết hợp dạy tiếng Việt”.

Những thầy giáo ở đây cũng cho biết, đối với giáo viên dạy học sinh đồng bào thì bắt buộc phải có một cuốn sổ học tiếng.

Với cuốn sổ này, một bên ghi lại tiếng đồng bào, một bên ghi tiếng phổ thông và các thầy phải học thuộc.

Các giáo viên mới lên nhận công tác tại Thượng Trạch phải học tiếng đồng bào dân tộc Ma-Coong trước khi dạy tiếng Việt cho học sinh. Ảnh: Thủy Phan.
Các giáo viên mới lên nhận công tác tại Thượng Trạch phải học tiếng đồng bào dân tộc Ma-Coong trước khi dạy tiếng Việt cho học sinh. Ảnh: Thủy Phan.

Theo lãnh đạo trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch, trường có tổng cộng 10 điểm trường thì chỉ 4 điểm có lớp mầm non. Vì vậy, hầu hết các em học sinh lên lớp 1 đều chưa biết tiếng phổ thông.

Đối với những bản không có lớp mầm non thì nhà trường thường huy động các cháu ở độ tuổi mầm non đến ngồi cùng với lớp 1 để làm quen trước về về nếp, tổ chức lớp, văn nghệ...

Thầy Nguyễn Ngọc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch cho biết: “Giáo viên ở đây phải học tiếng đồng bào, rồi bắt buộc phải có quyển sổ học tiếng. Có biết tiếng đồng bào thì mới có thể dạy tốt được.

Vì hầu hết các em học sinh lớp 1 chưa biết tiếng Việt nên khi phân công nhận lớp, chúng tôi thường bố trí những thầy có kinh nghiệm lâu năm dạy lớp 1, lớp 2. Thầy mới lên thì dạy lớp lớn, hoặc dạy chuyên biệt.

Đầu năm nào chúng tôi cũng đều huy động các cháu độ tuổi mầm non đi theo đến ngồi ở lớp 1 để các cháu làm quen dần, biết trước về nề nếp…

Như vậy, năm sau vào lớp 1 các đỡ bỡ ngỡ mà các thầy cũng đỡ vất vả hơn. Trò chưa biết gì cả, mà các học sinh lại chưa qua lớp mầm non nên các thầy dạy lớp 1 vất vả lắm”.

Thủy Phan