Nỗi lo dạy và học trực tuyến ở các cấp phổ thông

01/02/2021 06:24
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt vào thời điểm sau Tết để các nhà trường không phải triển khai việc dạy và học trực tuyến như năm học vừa qua.

Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước khiến nhiều người lo lắng- nhất là thời gian Tết Nguyên đán đã đang cận kề, số lượng người đi lại giữa các địa phương ngày càng nhiều hơn.

Đối với các trường phổ thông thì kế hoạch dạy và học trực tuyến đã được Bộ và các Sở Giáo dục chủ động triển khai trong thời gian qua nên các nhà trường và đội ngũ nhà giáo cũng không bị động trong việc dạy trực tuyến tới đây.

Thế nhưng, dạy và học trực tuyến là trường hợp bất khả kháng đối với các nhà trường phổ thông bởi nhiều thầy cô giáo vẫn canh cánh nỗi lo về chất lượng học online khi mà nhiều học sinh không có điều kiện học tập và cả những em không chịu tham gia học tập.

Việc dạy và học trực tuyến ở bậc học phổ thông còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Việc dạy và học trực tuyến ở bậc học phổ thông còn gặp nhiều khó khăn

(Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Học trực tuyến- các nhà trường không bị động

Thực tế, việc triển khai dạy học trực tuyến ở cấp học phổ thông đã được triển khai từ năm học 2019-2020 nên nhiều thầy cô và học sinh không còn bỡ ngỡ với hình thức dạy và học online nữa.

Nhất là ngay từ đầu năm học 2020-2021 cho đến nay thì ngành giáo dục cũng đã có một số văn bản hướng dẫn việc học trực tuyến nếu tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại.

Vì thế, gần như các nhà trường đều đã có kế hoạch chuẩn bị cho phương án dạy và học trực tuyến rất cụ thể và đã được triển khai rộng rãi đến đội ngũ giáo viên trong nhà trường. Đây cũng là một lợi thế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong những ngày qua.

Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều là việc dạy và học trực tuyến ở các cấp phổ thông trong năm học qua vẫn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Đặc biệt là đối với học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở ở những khu vực nông thôn, vùng núi- nơi điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Nếu như học sinh khu vực thị thành có điều kiện, đa số học sinh từ cấp trung học cơ sở trở lên đã được gia đình trang bị cho điện thoại thông minh có nhiều chức năng hoặc có máy vi tính. Vì thế, các em dễ dàng tiếp cận và học tập khi nhà trường, thầy cô giáo tổ chức dạy trực tuyến.

Đối với những em học sinh còn nhỏ tuổi thì luôn có cha mẹ kèm cặp, hướng dẫn và hỗ trợ các em học tập hoặc gặp những khó khăn với hình thức học mới mẻ này.

Ngược lại, những học sinh khu vực nông thôn, vùng núi từ cấp trung học cơ sở trở xuống thì đa phần các em chưa được trang bị điện thoại thông minh, máy tính có nối mạng internet nên việc triển khai dạy và học trực tuyến gặp rất nhiều cản trở.

Tỉ lệ học sinh tham gia học tập thường rất thấp. Một phần các em không có điện thoại, không có máy tính, sự hỗ trợ từ cha mẹ trong việc tiếp cận phương thức học online chưa nhiều bởi có phụ huynh thường phải đi làm xa hoặc cũng không biết sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh.

Một phần, nhiều học sinh không có tính chủ động trong học tập. Bởi, nhiều em ngay cả việc học trực tiếp trên trường với thầy cô giáo mà các em còn chểnh mảng, lơ là thì việc học trực tuyến quả là một vấn đề rất nan giải.

Chính vì thế, năm học vừa qua tỉ lệ học sinh học trực tuyến ở nhiều trường học vùng nông thôn thường rất thấp. Thậm chí có nhiều lớp không có học sinh tham gia học tập những môn mà học sinh xem là môn phụ.

Những phần mềm dạy trực tuyến mà thầy trò thấy mặt nhau thì giáo viên còn kiểm soát được học trò, những trường triển khai phần mềm chỉ đưa bài giảng lên trang trực tuyến và lồng tiếng vào thì gần như học sinh rất ít học tập.

Vì thế, năm học vừa qua khi mà học sinh vào học bình thường thì giáo viên phải giảng lại gần hết những bài mà mình đã dạy trực tuyến vì không giảng lại thì nhiều học sinh chưa học không hiểu bài…

Hy vọng qua Tết Nguyên đán thì dịch bệnh sẽ được kiểm soát

Nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát thì ra Tết chắc chắn những địa phương có dịch bệnh sẽ phải triển khai việc dạy và học trực tuyến ở các nhà trường theo kế hoạch năm học để học sinh không bị gián đoạn việc học.

Tuy nhiên, chúng ta luôn hy vọng sau thời gian 2 tuần nghỉ Tết thì tình hình dịch bệnh sẽ lắng xuống và các cơ quan chức năng của các địa phương này sẽ khống chế được dịch bệnh để thầy và trò sẽ trở lại học tập bình thường.

Nhất là niềm tin từ lãnh đạo Chính phủ đã hứa sẽ kiểm soát được dịch bệnh trong vòng mười ngày để nhân dân vui đón Tết đang là niềm hy vọng cho người dân cả nước, nhất là đội ngũ thầy cô giáo ở các nhà trường.

Sự nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan chức năng tại địa phương và ý thức chủ động của người dân về dịch bệnh sẽ là niềm tin để chúng ta chiến thắng được dịch bệnh trong những ngày tới đây.

Thực tế cho thấy, đối với học sinh lớp 9- các em sẽ đối mặt với kỳ thi tuyển sinh 10, học sinh cấp Trung học phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng thì các em đã lớn và đều có điện thoại hoặc máy tính nên việc triển khai dạy và học trực tuyến không gặp nhiều khó khăn, nhất là các em đã ý thức được việc học của mình.

Nhưng, đối với học sinh từ lớp 8 trở xuống mà phải dạy và học trực tuyến thì luôn phải đối mặt với những khó khăn vì điều kiện kinh tế và cả động lực học tập của học sinh ở những lớp này.

Giáo viên vẫn chuẩn bị, vẫn dạy bình thường nhưng mỗi lớp chỉ có một số học sinh tham gia học tập, thậm chí có những môn không có học sinh tham gia học tập thì hiệu quả dạy và học sẽ rất thấp.

Vì thế, chúng ta hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt vào thời điểm sau Tết để các hoạt động của xã hội trở lại bình thường và đặc biệt là các nhà trường không phải triển khai việc dạy và học trực tuyến như học kỳ II của năm học vừa qua.

LÊ VĂN MINH