Nói không tác động mà con được nâng điểm thì đến trẻ con cũng chả tin

06/08/2019 06:29
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo ông Lê Văn Cuông, bây giờ trình độ dân trí cao, không phải cứ cãi bừa là được, nếu sau này cơ quan điều tra làm rõ những khuất tất thì phải xử rất nặng.

Trong kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018, Hòa Bình có 63 trường hợp thí sinh có sự thay đổi điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm đã công bố.

Trong đó có 56 thí sinh với 47 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm. Bài thi được nâng đến 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng điểm 3 môn lên đến 26,45 điểm.

Liên quan đến gian lận điểm thi, mới đây đã lộ diện bản danh sách 5 phụ huynh là cán bộ cốt cán của Hòa Bình có con được nâng điểm.

Cụ thể, ông Bùi Văn Thắng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình;

Ông Trần Văn Tiệp, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình; ông Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình;

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục Trưởng Cục Thuế tỉnh Hòa Bình; Ông Phạm Hồng Hải - Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình.

Đến thời điểm này, tất cả các vị này đều cho rằng họ không tác động để nâng điểm cho con của họ.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (ảnh nguồn: Báo Người Lao Động).
Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông (ảnh nguồn: Báo Người Lao Động).

Câu hỏi dư luận đặt ra lúc này là có bao nhiêu % sự thật đằng sau những lời chia sẻ của các vị trên? Bình luận về việc này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông cho rằng:

“Không phải ngẫu nhiên dư luận yêu cầu phải công khai danh tính phụ huynh.

Bởi vì khi thí sinh được nâng điểm thì phải có đặt vấn đề của phụ huynh hoặc những người có liên quan để cung cấp số báo danh, các thông tin thì mới có cơ sở để đổi điểm được.

Chứ không thì biết được thông tin về thí sinh như thế nào, số báo danh…  Phải có thông tin thì mới có cơ sở để nâng điểm”.

Do đó, ông Cuông nhấn mạnh: “Không có đặt vấn đề của phụ huynh và gia đình phụ huynh mà nâng điểm là quá vô lý, nực cười” – và ông cho rằng, các bước tiếp theo là phải làm rõ mục đích của vấn đề nâng điểm có liên quan đến quyền lực, tiền tài hay do mối quan hệ ?

Cũng theo ông Lê Văn Cuông, bây giờ trình độ dân trí cao, không phải cứ cãi bừa là được. Nếu những ai che giấu sau này cơ quan điều tra làm rõ thì phải xử lý rất nặng.

Con cán bộ được nâng điểm là do quyền lực, quyền lợi và đồng tiền!
Con cán bộ được nâng điểm là do quyền lực, quyền lợi và đồng tiền!

Trước đó, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc Hội cho rằng:

“Cơ quan điều tra có thể hoàn toàn làm được ai là người lót tay, ai đưa tiền hối lộ, ai là người mua điểm”.

Theo ông Lê Như Tiến: “Tại sao con cán bộ lãnh đạo các ngành của tỉnh Hòa Bình được nâng điểm trong khi con nông dân không được nâng điểm.

Chỉ như vậy thôi thì đó cũng chính là một cái sai”.

Cũng theo ông Tiến, cơ quan điều tra cần phải làm rõ, việc con của các vị này được nâng điểm là do những vị này trực tiếp tác động hay người nhà của họ tác động.

“Trong trường hợp người nhà tác động hay cán bộ tác động thì đều là sai hết” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Lê Như Tiến: “Nếu những cán bộ trực tiếp tham gia vào vụ việc thì phải xử lý nghiêm.

Trường hợp gia đình, vợ hoặc con người thân tham gia vào vụ việc gian lận thì phải làm thật kỹ và cái này cơ quan điều tra hoàn toàn có thể làm được.

Cơ quan điều tra có thể hoàn toàn làm được ai là người lót tay, ai đưa tiền hối lộ, ai là người mua điểm”.

Cuối cùng vị này nhấn mạnh: “Khi có thể kết luận của cơ quan điều tra rồi thì phải xử lý theo kết luận của cơ quan điều tra. Tất nhiên cơ quan điều tra phải khách quan trung thực.

Cơ quan điều tra không khách quan trung thực thì hiện tượng, bản chất nó sẽ méo mó đi”.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Việc con em cán bộ đầu ngành của tỉnh được nâng điểm có ba nguyên nhân: Quyền lực, quyền lợi và đồng tiền”.

Trinh Phúc