Nỗi khổ tiếp khách, nào ai thấu tỏ?

02/02/2020 06:49
Lam Hồng Lê
(GDVN) - Hồi còn đang công tác, thỉnh thoảng tôi được Giám đốc Sở giáo dục điện thoại với lời nhắn ngắn gọn: “Khỏe không? Đi tiếp khách với Sở lúc 11 giờ nhé, nhà hàng

Người ngoài cuộc nếu nghe được, chắc phải trầm trồ: “Sếp có tin tưởng, có uy tín với Sếp lắm mới được vinh dự ngồi tiếp khách, không dễ gì đâu!”.

Nhưng “sự đời” không phải vậy! Có nhiều điều mình phải cố gắng làm cho Sếp vui lòng, “đẹp mắt” với cấp trên… Tuyệt đối không làm một điều gì, phát biểu câu gì khiến cho khách không vui; mà phải luôn cười tươi, đưa đón, “chơi” hết mình!

Khách của Sở không phải là khách bình thường mà là khách cấp Bộ từ Hà Nội vào hoặc khách các tỉnh bạn đến công tác, kiểm tra gì đó.

Thường tình khách của ai thì người đó tiếp vì khi ăn uống có thể bàn bạc thêm, bổ sung thêm vài ý kiến mà trong quá trình hội họp, thảo luận chưa đề cập tới.

Nhưng các trường “trọng điểm” thì ban giám hiệu luôn trong tư thế “sẵn sàng” được mời đi tiếp khách!

Nỗi khổ tiếp khách, nào ai thấu tỏ? (Ảnh minh họa: Luatvietnam.vn)
Nỗi khổ tiếp khách, nào ai thấu tỏ? (Ảnh minh họa: Luatvietnam.vn)

Đó là chưa kể tiếp khách theo “tua” từ trường này qua trường khác, từ phòng giáo dục này qua phòng giáo dục khác trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (số lượng khá đông vì cán bộ, giám thị từ 2 đến 3 tỉnh xa về), thi tốt nghiệp Trung học phổ thông!

Vì lúc này, sở giáo dục đã phân công việc tiếp khách cho các trường, các phòng giáo dục.

Chúng ta đều biết, khi đi công tác xa, các thành viên đều có chế độ công tác phí của tài chính quy định (tiền nghỉ, tiền ăn, tiền tàu xe nếu tự túc đi). Nhưng đến địa phương nào thì nơi đó có “trách nhiệm” tiếp khách làm sao “coi cho được”!

Phải chuẩn bị trước đến nhà hàng nào, đặc sản nào của địa phương, “món ngon vật lạ” của địa phương… để tiếp khách!

Có thể nói được chọn đi làm công tác coi thi học sinh giỏi quốc gia là một "đặc ân" lớn vì vừa được đi du lịch miễn phí, vừa được bao trọn gói nơi ăn chốn nghỉ và được thưởng thức món ngon vật lạ, đặc sản của các địa phương.

Bữa tiệc tất niên nhà Hiệu trưởng, những chuyện khó nói nhưng không im được
Bữa tiệc tất niên nhà Hiệu trưởng, những chuyện khó nói nhưng không im được

Chủ (Sở) và khách cứ thoải mái ăn uống rồi đến “tăng hai” là đi hát karaoke cho vui cửa vui nhà! Nhiều khi thấy các vị hiệu trưởng, trưởng phòng tất bật, chạy đôn chạy đáo lo phòng hát, lo chọn bài, bố trí chỗ ngồi, chọn món ăn tráng miệng… mà thấy “thương” quá!

Vì tiếp khách ở nhà hàng, ăn uống toàn thứ đặc sản nên chi phí cho mỗi lần không dưới vài chục triệu đồng! Do được báo từ trước nên hiệu trưởng, trưởng phòng nào được phân công bữa đó thì “tự giác” đến quầy thanh toán tiền. Hóa đơn đỏ đưa ra và các vị khẽ nói nhỏ với quản lý nhà hàng là ngày mai sẽ tới trả!

Kinh phí tiếp khách này chi ở nguồn nào, trong lúc các hoạt động đều ghi rõ mục nào ra mục ấy? Thế là phải gian dối, phải tìm mua hóa đơn là sửa chữa, nâng cấp cái gì đó để có hợp thức hóa số tiền trên!

Nhiều khi phải “ngắt véo” mục này qua mục khác; thay vì phần thưởng cho học sinh nhưng vì tiếp khách nên phải dừng lại!

“Vinh dự” đâu không thấy nhưng thấy trước mắt kinh phí hoạt động của trường đã bị “hao hụt” vì tiếp khách, vì sĩ diện của cấp trên!

Nhiều khi đọc báo, thấy hiệu trưởng này lạm thu, hiệu trưởng kia chi sai nguyên tắc nhưng mấy ai thấu tỏ được nỗi lòng của họ; mà chuyện “tiếp khách” thay Sở là một ví dụ nhỏ cho chúng ta thấy để có thể chia sẻ phần nào chăng?

Lam Hồng Lê