Nỗi buồn sâu kín của một nhà giáo Phó hiệu trưởng trường phổ thông chuyên

30/06/2020 06:16
LÊ ĐỨC ĐỒNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phần lớn thời gian, các em đã dành cho môn chính là Toán nên mỗi khi đến giờ Văn, dường như các em uể oải, học cho có mà thôi!

LTS: Xung quanh cuộc tranh luận về đề tài trường phổ thông chuyên những ngày qua sau đề xuất "bán trường Ams" của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của nhà giáo Lê Đức Đồng, Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này, văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt.

Thực tế ở Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) cũng như các trường chuyên khác cho thấy hầu hết các em học sinh đăng ký vào các môn khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học vì tổ hợp các môn thi này luôn cấu trúc cho khối A, khối B…

Còn các môn khoa học xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý rất ít; có khi phải nhập ba môn này lại với nhau mới đủ số lượng (35 học sinh/lớp).

Đó là quy luật tất yếu vì các khối A, B luôn rộng mở đường đi của các em sau này. Điều đó chúng tôi không bàn đến mà chỉ nói đến thái độ học tập các bộ môn khoa học xã hội của các em học sinh trường chuyên!

Tôi là Phó Hiệu trưởng, được phân công dạy môn Ngữ văn ở hai lớp chuyên Toán. Phần lớn thời gian, các em đã dành cho môn chính là Toán nên mỗi khi đến giờ Văn, dường như các em uể oải, học cho có mà thôi!

Hầu như không em nào chuẩn bị bài (dù giáo viên đã cho câu hỏi hôm trước); thậm chí chưa đọc tác phẩm, đoạn trích sắp học.

Học sinh trường chuyên thường chỉ tập trung vào những môn chuyên của mình mà lơ là các môn học khác. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Giaoduc.edu.vn)

Học sinh trường chuyên thường chỉ tập trung vào những môn chuyên của mình mà lơ là các môn học khác. (Ảnh chỉ mang tính minh họa: Giaoduc.edu.vn)

Một giờ học thành công cần có sự tương tác qua lại giữa thầy và trò, nhưng nay chỉ có thầy nói một chiều, còn trò thì chỉ biết ghi bài.

Khi tôi nêu câu hỏi (từ dễ đến khó) thì cũng chỉ vài cánh tay lác đác đưa lên…

Nhiều khi giận ghê gớm vì các em tỏ ý coi thường bộ môn, coi thường luôn cả người dạy!

Tôi có nêu chuyện học quá lệch của học sinh trường chuyên cho một vị lãnh đạo ngành thì được lời khuyên rằng: phải chấp nhận học lệch vì nếu bắt buộc học sinh giỏi cả những môn xã hội nữa thì không thể!

Thành ra, trong nhiều tiết dạy tôi luôn phải “nhập thân” vào nhân vật “Kép Tư Bền”: bề ngoài phải cười, phải vui; phải đọc thơ truyền cảm, hùng hồn nhưng bề trong thì buồn tận đáy bởi mình dạy hết hơi mà có mấy em trân trọng đâu!

Biết rằng các em không chịu học, coi nhẹ các bộ môn xã hội sẽ bị hụt hẫng rất lớn về các kỹ năng, nhất là kỹ năng sống; dù có phối hợp với gia đình khuyên nhủ, động viên các em học đều các môn nhưng các em vẫn “trơ như đá, vững như đồng”!

Bởi việc học là tự nguyện, các em thấy cần thiết thì học, không thể dùng biện pháp hành chính.

Dù học như vậy, khi cho điểm vẫn phải làm theo “chỉ tiêu” đăng ký đầu năm học. Đề kiểm tra nhẹ hơn, cho điểm “rộng tay” hơn để đạt chỉ tiêu 30% là giỏi (điểm trung bình bộ môn từ 8,0 trở lên).

Nếu không đủ “chỉ tiêu” mà mình đăng ký, khi xét thi đua cuối năm sẽ không đạt và còn bị phê bình là dạy kiểu gì mà điểm thấp, ảnh hưởng chung kết quả toàn trường!

Thành ra, chúng tôi phải tự dối lừa bản thân mình, mặc dù các em coi nhẹ bộ môn, coi thường bộ môn nhưng phải cho điểm tối đa!

Đây cũng là bi kịch của đời người dạy học: muốn trung thực nhưng không được mà phải tự mình dối mình mới tồn tại!

Môn Ngữ văn như vậy còn đỡ, còn tự “an ủi” phần nào vì dù sao cũng là môn thi bắt buộc.

Còn các môn như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân thì lắm lúc tôi thấy tội nghiệp và thương cho giáo viên mình…

Sự thật nỗi khổ tâm của thầy cô khi dạy các bộ môn Ngữ văn nói riêng, các bộ môn khoa học xã hội nói chung ở trường chuyên là như thế!

LÊ ĐỨC ĐỒNG