Những việc cần làm ngay để triệt tiêu dạy thêm, học thêm tràn lan

30/11/2021 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để giảm tải việc dạy thêm học thêm tiêu cực thì phụ huynh cần lên tiếng không nên sợ bị trù dập, đồng thời cần xây dựng ma trận đề thi chung cho các trường.

Trong bài viết Bộ nên xây dựng ngân hàng ma trận đề thi, kiểm tra dùng chung toàn quốc được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả có nêu quan điểm về việc xây dựng ngân hàng ma trận đề thi chung cho toàn quốc. Theo tác giả, nếu thực hiện được việc này sẽ giảm được việc học thêm và dạy thêm, tránh được tiêu cực, góp phần đổi mới giáo dục thành công.

Liên quan đến đề xuất này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có một số chia sẻ.

Dạy thêm cần có kiểm soát

Thầy Nguyễn Quốc Bình cho hay, việc dạy thêm và học thêm là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên nếu chúng ta không kiểm soát một cách khoa học thì nó sẽ biến tướng.

"Thực tế hiện nay cho thấy, một số thầy cô thực sự vẫn chưa có thu nhập đủ để trang trải cuộc sống nên việc họ dạy thêm nếu có sự ép buộc học sinh thì sẽ làm xấu đi hình ảnh của giáo viên trong mắt học trò, xã hội", thầy Bình nhận định.

Những việc cần làm ngay để triệt tiêu dạy thêm, học thêm tràn lan ảnh 1Thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Ảnh: NVCC)

Nhu cầu dạy và học thêm là nhu cầu tự nhiên, chính đáng của xã hội, không thể cấm hoàn toàn được. Tuy nhiên, chúng ta phải có biện pháp, kĩ thuật để điều tiết hoạt động này đi vào nề nếp hơn bằng biện pháp quản lí về hành chính.

Như tại Trung Quốc, Nhật Bản… thì cũng có việc dạy thêm nhưng họ quản lí rất chặt chẽ, ví dụ như ở Hàn Quốc thì họ có trung tâm để dạy thêm.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh cho rằng, trước mắt cần có những trung tâm để các thầy cô đến đăng kí dạy thêm, tuyệt đối không để giáo viên dạy thêm ở nhà thì sẽ tốt hơn. Còn nếu có thầy cô nào dạy ở nhà thì là hỗ trợ các em, không được phép thu tiền.

Xây dựng ngân hàng ma trận đề thi - kiểm tra sẽ giảm được học thêm

Thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục cũng đã có công văn để giảm tải chương trình học khi thực hiện học trực tuyến, đối với Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, là một đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhà trường cũng quy định rất khắt khe về việc này.

"Giáo viên không được dạy thêm học sinh của mình, nếu nhà trường phát hiện thì cũng cho thôi việc. Trong thời gian dạy online thì nhà trường cũng nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm, học thêm cho các em.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng ma trận đề cho các em để phù hợp với trình độ năng lực học sinh, và theo đúng tinh thần của công văn 4040 của Bộ về giảm tải kiến thức cho học sinh trong quá trình học online. Việc ra ma trận đề tại nhà trường cũng được các thầy cô rất là hưởng ứng", thầy Bình chia sẻ.

Trước thực trạng hiện nay nhiều trường công lập vẫn dạy thêm trực tuyến cho học sinh, có quan điểm cho rằng việc có ngân hàng ma trận đề thi sẽ giải quyết được vấn đề dạy thêm tiêu cực này, thầy Bình hoàn toàn ủng hộ việc này.

"Bấy lâu nay, việc các thầy cô căn cứ vào trình độ năng lực học sinh của từng trường mà ra đề, thậm chí có những bộ môn là giáo viên ra đề và tự chấm thi thì không khách quan.

Để có thể đánh giá chính xác, khách quan năng lực học tập của học sinh thì tôi ủng hộ thành lập kho đề thi chung. Việc xây dựng ngân hàng đề thi chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được bằng nguồn đề từ giáo viên tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tiếc là chúng ta chưa làm được điều này", thầy Bình nhận định.

Thầy Bình chia sẻ, ở nhiều nước, họ làm kho đề thi chung, có thể họ không tổ chức đại trà nhưng họ tổ chức một kì thi nào đó để có đánh giá trình độ, năng lực giảng dạy. Điều này cũng sẽ thúc đẩy việc dạy và học nghiêm túc hơn, bên cạnh đó là hạn chế bớt dạy thêm, học thêm.

Thực tế, cũng nhiều người lo ngại, ở nước ta, nếu Bộ Giáo dục làm kho đề thi chung cho cả nước thì sẽ không sát điều kiện với thực tế của từng địa phương. Vì thế, trước mắt là Sở Giáo dục của các tỉnh thành phố xây dựng ma trận đề thi - kiểm tra chung cho các cấp học, trong việc kiểm tra định kì (giữa kỳ và cuối kì) như vậy thì sẽ đảm bảo khách quan hơn trong việc đánh giá, kiểm tra.

Từ nguồn đề chung, Sở có thể chọn ra những bộ đề ngẫu nhiên, gửi cho các cơ sở nhà trường. Trường nào để xảy ra lộ đề thì xử lý người có liên quan thật nặng. Việc này làm không có gì khó khăn cả.

Việc áp dụng ma trận đề thi cũng là một cách để Bộ có thể đánh giá chất lượng dạy học thực sự của từng địa phương. Trên cơ sở đó, có những chính sách để hỗ trợ cho những địa phương khó khăn, tại những nơi vùng sâu vùng xa. Nơi nào chất lượng giáo viên còn chưa nâng lên được thì Bộ phải bồi dưỡng, khuyến khích, tìm giải pháp phù hợp.

Theo thầy Bình, để xây dựng ngân hàng ma trận đề thi cần có sự thống nhất chỉ đạo của Bộ, bên cạnh đó các tỉnh phải xây dựng ma trận đề cho địa phương của mình cho việc kiểm tra định kì. Thứ hai là phải xây dựng được nguồn ngân hàng đề, hàng năm có thể bổ sung thêm vào.

Ví dụ có hàng ngàn câu hỏi có thể tráo đi thì không lo học sinh có thể đoán được đề, từ đây các em sẽ phải học thực sự.

Để giảm tải việc dạy thêm, học thêm thì phụ huynh học sinh cũng cần phải lên tiếng.

Muốn loại bỏ việc dạy thêm, học thêm tiêu cực, thầy Bình cho rằng, chúng ta cần phải dần dần thực hiện dân chủ trong giáo dục, cha mẹ học sinh cũng cần phải có tiếng nói thể hiện quan điểm, chính kiến của mình, không nên ngại việc thầy cô trù dập.

Bên cạnh đó, với những biện pháp kĩ thuật như việc xây dựng ngân hàng ma trận đề thì giáo viên cũng không thể trù dập học sinh được.

Vì vậy, xã hội nên tin tưởng vào các thầy cô giáo, còn nếu ai sai sót thì phải chịu trách nhiệm. Còn nếu điều gì đó không đúng với quy định, quy chế của ngành thì cha mẹ học sinh cũng cần lên tiếng trung thực, thẳng thắn và khách quan để các thầy cô nhìn nhận. Từ đây để giáo viên tự đánh giá lại mình, xem họ đã xứng đáng với sự tôn trọng của xã hội dành cho mình chưa.

Chia sẻ về vấn đề trên, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục học Hà Nội) cho hay, nếu thực hiện việc thành lập "ma trận đề thi" chung thì vẫn khó có thể giảm tải được việc dạy và học thêm.

Ví như việc để vào trường chuyên, lớp chọn thì học sinh phải học thêm để thi đua tranh vào trường tốt. Chúng ta cũng từng có thời kì cấm việc có trường chuyên, lớp chọn nhưng người ta vẫn làm, vẫn chạy theo thành tích nên khó ở chỗ đó.

Tiến sỹ Tùng Lâm cũng nhận định việc các trường tự ra kho đề thi bao giờ cũng dễ, nó không phản ánh được mặt bằng chung của địa phương. Vì vậy, việc thực hiện "ma trận đề thi" thì vẫn là cần thiết và có thể do Bộ hoặc Sở đứng ra chủ trì đều được.

Nếu thực hiện kho đề thi chung thì đối với lớp 12 nên để Bộ Giáo dục ra đề, còn các khối khác thì nên để Sở thực hiện. Bởi lẽ Sở sẽ sát sao hơn với các trường, còn nếu Sở không thực hiện nghiêm túc thì khi Bộ làm chặt sẽ gặp khó khăn ngay.

Mạnh Đoàn