Những thách thức khi triển khai chương trình mới theo thầy Tùng Lâm

03/01/2019 07:12
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu kéo dài bệnh thành tích, các cuộc đua ảo không chỉ ảnh hưởng chất lượng giáo dục mà “năng lực, phẩm chất” của cả thầy và trò sẽ mòn mỏi.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới  là: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy chỉ còn 2 năm nữa, ngành giáo dục chính thức triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng trên thực tế đến nay nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về những thách thức, khó khăn nếu không có giải pháp khắc phục trước, chắc chắn sẽ hạn chế nhiều kết quả thực hiện chương trình này. 

Riêng về công tác quản lý và cán bộ quản lý, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nêu một cách khái quát những yếu kém bất cập đang tồn tại, đe dọa việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Theo đó, thầy Lâm chỉ rõ, thứ nhất, do cơ chế quản lý ngành giáo dục chậm đổi mới, việc phân cấp quản lý giữa ngành và địa phương, giữa các cấp quản lý và cơ sở giáo dục đào tạo không rõ ràng trách nhiệm quản lý. Đây là vấn đề hết sức hệ trọng. 

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Nếu kéo dài bệnh thành tích, các cuộc đua ảo không chỉ ảnh hưởng chất lượng giáo dục mà “năng lực, phẩm chất” của cả thầy và trò sẽ mòn mỏi. (Ảnh: Xuân Trung)
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Nếu kéo dài bệnh thành tích, các cuộc đua ảo không chỉ ảnh hưởng chất lượng giáo dục mà “năng lực, phẩm chất” của cả thầy và trò sẽ mòn mỏi. (Ảnh: Xuân Trung)

Ví dụ: Chương trình giáo dục phổ thông mới muốn thực hiện được thì phải có con người, phải có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đúng chuẩn và được tập huấn, bồi dưỡng đáp ứng bộ tiêu chuẩn giáo viên các cấp, chuẩn hiệu trưởng các cấp. 

Nhưng thực tế, việc tuyển giáo viên lại do Sở Nội vụ các tỉnh thành quyết định thế nên mới có chuyện để thực hiện giảm biên chế, giảm đầu mối, có quận huyện sa thải vài trăm giáo viên. Thử hỏi như vậy đội ngũ nhà giáo làm sao ổn định? 

Còn các cán bộ quản lý các cấp của ngành do cấp ủy và các ban ngành quyết định, giáo dục chỉ là ý kiến tham khảo, không phải là ý kiến quyết định. Vậy chất lượng giáo dục, những vấn đề đổi mới giáo dục ai sẽ là người đôn đốc? 

Từ những bất cập nêu trên, thầy Lâm cho rằng, chính vì cách phân cấp không rõ ràng, không quy trách nhiệm đến cùng, không kiểm tra, đánh giá đúng sự việc và khi có những “sự cố” lại dây dưa, chờ đợi. 

Những thách thức khi triển khai chương trình mới theo thầy Tùng Lâm ảnh 2Đội ngũ giáo viên sẽ quyết định sự thành bại của chương trình mới

Ví như, một giáo viên đánh học trò thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải vào cuộc, thậm chí Bộ trưởng phải lên tiếng. 

Hoặc học sinh đầu cấp không có chỗ học cũng kêu Bộ Giáo dục và Đào tạo, kêu Bộ trưởng….

Do đó, để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, ngoài việc xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đảm nhiệm thì những vấn đề con người, vấn đề tài chính, vấn đề cơ sở vật chất khác, nếu địa phương không chăm lo kịp thời, không đúng yêu cầu ngành giáo dục đào tạo liệu chương trình giáo dục phổ thông mới có thực hiện được không? 

Thứ hai, cơ chế quản lý giáo dục đào tạo bao nhiêu năm nay, không học tập những phương pháp giáo dục của nền kinh tế thị trường vẫn khư khư giữ cách quản lý thời bao cấp, theo kiểu kinh tế chỉ huy: không phân cấp triệt để cho các cơ sở giáo dục đào tạo. 

Vì vậy, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trao quyền xây dựng chương trình giáo dục bộ môn, chương trình giáo dục chung của mỗi nhà trường cho Hiệu trưởng và giáo viên từng trường. Nếu giáo viên, cán bộ quản lý không đủ năng lực trình độ liệu có thể thực hiện được không?

Trong khi trường muốn xây dựng kế hoạch phải chờ Phòng, Sở, Sở lại chờ Bộ. Theo khoa học quản lý việc xây dựng kế hoạch đối với một ngành là phải xây dựng từ cơ sở trở lên.

Trường học phải tự xây dựng kế hoạch trước theo các chức năng, nhiệm vụ được giao. Các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên chỉ giám sát quá trình và tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết khó khăn, hỗ trợ các nhà trường. Chúng ta đang làm ngược với quy luật mà khoa học quản lý đã tổng kết. 

Nhưng thầy Lâm cho rằng, muốn trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo phải có lộ trình, nhất là phải tuyển chọn được Hiệu trưởng là chuyên gia giáo dục hàng đầu của mỗi nhà trường theo một cơ chế chặt chẽ khách quan.

Thứ ba, một trong những cản trở của công tác quản lý giáo dục ảnh hưởng đến kết quả thực hiện yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông mới đó là tình trạng bệnh thành tích, bệnh mất dân chủ còn đè nặng lên đội ngũ nhà giáo, học sinh mỗi trường.

Những thách thức khi triển khai chương trình mới theo thầy Tùng Lâm ảnh 3Chương trình mới cấp tiểu học thay đổi thế nào?

Trong một năm học, thầy trò mỗi nhà trường phải đối phó với rất nhiều cuộc thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo và hạn chế những cuộc thi không cần thiết.

Tuy vậy, phép vua vẫn thua lệ làng, nhiều cuộc thi của các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, các ngành giao thông, môi trường, … hằng năm vẫn dồn dập vào các nhà trường một cách hình thức, hành chính, lúc nào cũng phải đảm đảo 100%. 

Khổ vì nhiều cuộc thi nhưng khổ hơn vẫn là chạy theo thành tích, điểm số. Từ các cuộc đua này sinh ra dối trá, bịa đặt, không thể thực hiện “thực dạy, thực học”.

Nếu kéo dài bệnh thành tích, các cuộc đua ảo không chỉ ảnh hưởng chất lượng giáo dục, “năng lực, phẩm chất” của cả thầy và trò sẽ mòn mỏi; cái chính làm cho nhân cách của thầy, trò sẽ phát triển méo mó. Giáo dục không đạt giá trị trung thực, không có độ tin cậy làm sao chiếm được niềm tin xã hội. 

Đặc biệt vì chạy theo thành tích, những kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, kỳ tuyển sinh đầu cấp sẽ đẻ ra nhiều tiêu cực, nhiều hệ lụy. Làm sao chấm dứt bệnh thành tích là một bài toán khó giải khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới?

Bên cạnh bệnh thành tích, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo còn mất dân chủ trong khi chỉ có văn hóa dân chủ, nhân cách thầy và trò mới phát triển bền vững. Chỉ có cơ chế dân chủ mới hạn chế những mặt tiêu cực trong các nhà trường…

Những thách thức từ thực tế trên, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội kiến nghị một số giải pháp khắc phục.

Một là, Chính phủ sớm có thông tư chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đào tạo, các trường phổ thông được quản lý theo cơ chế tự chủ và dân chủ.

Không phân cấp và làm rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, không giao quyền chủ động sáng tạo thực hiện các mục tiêu chương trình giáo dục mới, chắc chắn giáo dục Việt Nam không thể đổi mới không thể cất cánh. Chúng ta tốn tiền cho cán bộ, giáo viên đi nước ngoài học tập, nghiên cứu nhưng về nước lại ngồi chờ đây là một lãng phí lớn.

Hai là, có cơ chế tuyển chọn cán bộ quản lý, nhất là Hiệu trưởng mỗi nhà trường phải là những chuyên gia giáo dục hàng đầu của mỗi nhà trường.

Cơ chế tuyển chọn không thể theo các quy trình tuyển chọn của các cơ quan không phải của giáo dục.

Phải để hội đồng giáo dục mỗi nhà trường cùng với các cấp quản lý giáo dục được thực hiện thi tuyển giữa các ứng viên với các đề án thực tế cam kết được đưa vào mỗi nhà trường phát triển như thế nào? Sau 2 năm, không làm thay đổi nhà trường sẽ pải thi tuyển lại.

Ba là, nêu cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm – người trực tiếp tổ chức giáo dục, quản lý, tác động sự phát triển nhân cách của học sinh, người tạo nên “năng lực, phẩm chất, tương lai của người học”.

Hiện nay chế độ tuyển chọn, đãi ngộ, đào tạo bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm chưa hợp lý. Chúng tôi cho đây là nguồn nhân lực quan trọng tạo nên phẩm chất năng lực cho học sinh.

Nếu không nêu cao vị trí, vai trò và đãi ngộ đúng với công sức đóng góp của giáo viên chủ nhiệm các cấp chúng ta khó chuyển đổi mục tiêu của chương trình thành hiện thực.

Cuối cùng, vấn đề chỉ đạo các phong trào thi đua, cơ chế xét thưởng thi đua của ngành giáo dục đào tạo đã lạc hậu, cản trở sự phát triển của ngành giáo dục cần được Chính phủ, Hội đồng thi đua nhà nước phải nghiên cứu để có những khen thưởng, thật sự trở thành động lực cho phát triển chất lượng giáo dục, hạn chế bệnh thành tích, làm sao để thầy trò chỉ thi đua “Dạy thật, học thật” thật tốt.

Hi vọng những kiến nghị của nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm sẽ được các cấp quản lý nghiên cứu, điều chỉnh cách chỉ đạo để chương trình giáo dục phổ thông mới thành công. 


Thùy Linh