Những tấm gương học trò, câu chuyện ấm lòng đầu năm

01/03/2018 06:33
Nguyễn Cao
(GDVN) - Câu chuyện của các em nhỏ ở Sóc Trăng, Cà Mau đã trả lại số tiền mà mình đã nhặt được trong những ngày đầu năm là bài học cho nhiều người lớn phải suy nghĩ.

LTS: Ca ngợi tấm gương của các em nhỏ ở Cà Mau, Sóc Trăng "nhặt được của rơi, trả người đánh mất", thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng sự trung thực của các em chính là bài học để nhiều người lớn nhìn vào và suy ngẫm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngay trong những ngày đầu năm mới này, bạn đọc cả nước vô cùng ấm lòng về hành động cao đẹp của các em nhỏ tận Cà Mau, Sóc Trăng - những vùng quê còn muôn vàn gian khó.

Vậy mà các em đã trả lại những món tiền lớn mà mình đã nhặt được, các em đã không tham của rơi, các em đã nghĩ đến người đã làm mất số tiền lớn, điện thoại, giấy tờ sẽ khổ tâm, tiếc nuối.

Hành động trả lại những hiện vật nhặt được của các em rất đáng trân trọng, rất đáng cho một số người lớn, một số người cũng đang ở trong ngành giáo dục phải nghĩ suy…

Mấy ngày qua, báo chí đã nói nhiều về câu chuyện của 3 em nhỏ, đó là: Đỗ Văn Bằng (học sinh lớp 10A8, Trường Trung học phổ thông Trần Văn Bảy, Sóc Trăng) cùng hai bạn của mình Trần Thanh Mới và Lê Nghĩa Khang nhặt được và trả lại trên 40 triệu đồng cho người bị mất vào ngày mùng 4 Tết.

Hành động của các em đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư khen ngợi.

Uỷ ban nhân dân huyện Thạnh Trị tặng giấy khen cho các em học sinh Đỗ Văn Bằng (lớp 10A8, Trường Trung học phổ thông Trần Văn Bảy) và hai em Trần Thanh Mới (16 tuổi), Lê Nhĩ Khang (14 tuổi). Ảnh: Hoài Thu/TTXVN
Uỷ ban nhân dân huyện Thạnh Trị tặng giấy khen cho các em học sinh Đỗ Văn Bằng (lớp 10A8, Trường Trung học phổ thông Trần Văn Bảy) và hai em Trần Thanh Mới (16 tuổi), Lê Nhĩ Khang (14 tuổi). Ảnh: Hoài Thu/TTXVN

Bộ Giáo dục và Đào tạo trao bằng khen cho em Đỗ Văn Bằng và có văn bản đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng tạo điều kiện để 2 em Trần Thanh Mới và Lê Nghĩa Khang có thể tiếp tục được đi học văn hóa hoặc học nghề.

Đồng thời, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng tuyên truyền về hành động cao đẹp của các em.

Tiếp nối hành động cao đẹp này thì ngày mùng 9 Tết, trên đường đi học về, em Nguyễn Nhật Nam, 10 tuổi (học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, thuộc xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau) đã nhặt đường một ví tiền có 44 triệu đồng, kèm một chiếc điện thoại di động.

Trước số tiền quá lớn, em Nam đã mang số tiền đó về cho ông bà nội và nhờ ông bà tìm cách trả lại tiền cho người đã đánh rơi. Hành động của em cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen…

Sự khen ngợi kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở giáo dục, các đơn vị trường học… là một sự ghi nhận cần thiết đối với các em.

Những tấm gương học trò, câu chuyện ấm lòng đầu năm ảnh 2Khâm phục ý chí của cô bé nhà nghèo

Nhưng, có lẽ khi các em nhặt được số tiền lớn và quyết định trả lại thì chúng tôi tin rằng các em không nghĩ đến việc mình được khen thưởng và được báo chí đưa tin về mình nhiều đến như vậy.

Bởi những khuôn mặt thật thà, chân chất và còn non nớt ấy đã hành động theo sự mách bảo của trái tim, của tấm lòng thật thà, trung thực vốn có của mình.

Chính vì vậy, giữa muôn vàn những câu chuyện giật gân, những câu chuyện trái ngang, giả dối thì câu chuyện của các em là những câu chuyện cổ tích giữa đời thường, cho dù các em còn đi học hay vì cuộc sống gia đình mà đã bước vào đời để tìm kế mưu sinh nhưng vẫn giữ và phát huy được nét đẹp, lòng trung thực của mình.

Đọc những câu chuyện các em qua các trang báo có lẽ ai cũng đều ngưỡng vọng trước hành động cao cả của các em.

Nhất là các em nhặt được tiền đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có em Lê Nhĩ Khang đang thuộc hộ cận nghèo.

Nếu các em có lòng tham lam thì số tiền đó cũng có thể giải quyết được rất nhiều việc, có thể giúp các em trang trải được nhiều công việc cho gia đình.

Nhưng các em đã không hành động như vậy bởi các em đã suy nghĩ về người đánh mất tiền cũng đã phải trải qua nhiều gian khó mới làm ra được số tiền đó.  

Rõ ràng, suy nghĩ của các em khiến chúng ta cảm phục và chắc chắn sẽ không ít người nghĩ đến nhiều câu chuyện buồn trong ngành giáo dục mà một số người có trách nhiệm lại chưa gương mẫu được báo chí phản ánh trong thời gian qua.

Và, tự nhiên, chúng tôi lại liên tưởng đến một sự việc cũng mới xảy ra trên địa bàn Sóc Trăng bằng một câu chuyện rất buồn liên quan đến những thầy cô trong Ban giám hiệu của một ngôi trường trung học phổ thông.

Những tấm gương học trò, câu chuyện ấm lòng đầu năm ảnh 3Giấc mơ xuân của thầy Nguyễn Cao

Báo Người đưa tin đã đưa tin: “Ngày 7/2, trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu (tỉnh Sóc Trăng) chính thức niêm yết kết luận thanh tra về việc thực hiện chính sách, pháp luật tại cơ sở giáo dục này. 

Theo kết luận, trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu đã để xảy ra hàng loạt sai phạm tài chính như:

Nguồn khuyến học chi chưa đảm bảo nguyên tắc tài chính 81,7 triệu đồng; văn nghệ mừng xuân chi chứng từ chưa đúng quy định 144,4 triệu đồng;

Hoa hồng đồng phục chi chưa đúng quy định 99 triệu đồng; hoa hồng bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế là 107 triệu đồng... Tổng số tiền sai phạm trên 1,2 tỷ đồng.

Từ sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng kiến nghị xử lý về mặt kinh tế tại trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu bằng cách thu hồi 866,8 triệu đồng; trả lại cho học sinh và giáo viên 590 triệu đồng do chi thiếu và thu thừa; không thu hồi số tiền 344,7 triệu đồng nguyên nhân được cho là trường chi chưa đúng trình tự, thủ tục…”.

Có lẽ, câu chuyện của một em học sinh phổ thông cùng hai người bạn của mình đều khó khăn, thậm chí là gia đình thuộc hộ cận nghèo đã trả lại số tiền mình nhặt được cho người đánh rơi lại cũng cùng ở địa bàn với câu chuyện những cán bộ quản lý ở Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu cho ta nhiều suy ngẫm.

Tại sao những em nhỏ, trong đó có em bỏ học từ lớp 6, em bỏ học từ lớp 9 và chỉ có 1 em đang học lớp 10 lại có những suy nghĩ cao cả và nhân văn đến vậy?

Còn những cán bộ quản lý nhà trường được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý trường học - nơi đang đào tạo, giáo dục học sinh về tri thức và nhân cách, đạo đức lại ứng xử với học sinh, giáo viên của mình bất nhẫn như thế?

Có lẽ, thông tin thanh tra tỉnh Sóc Trăng kết luận và yêu cầu Ban giám hiệu trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu phải: “trả lại cho học sinh và giáo viên 590 triệu đồng do chi thiếu và thu thừa” khiến cho mỗi người khi đọc được thông tin này đều cảm thấy đắng chát…

Câu chuyện lòng tham và lòng trung thực đều được giảng dạy trong các nhà trường ngay từ cấp Tiểu học và dĩ nhiên là ai đến trường cũng đều được học, đều được thầy cô nhắc nhở, dạy dỗ.

Vậy nhưng, sự trung thực, không tham lam không phải mấy người làm được, nhất là khi một số người có điều kiện được giữ, quản lý những số tiền lớn trong các đơn vị trường học và đã tự đánh mất mình trước đồng nghiệp và học trò.

Những hình ảnh thầy cô như vậy rõ ràng đang làm mất đi nét đẹp của văn hóa học đường.

Vì thế, câu chuyện của các em nhỏ ở Sóc Trăng, Cà Mau đã không tham lam, đã trung thực trả lại số tiền mà mình đã nhặt được trong những ngày đầu năm mới thật đẹp và đáng là bài học cho nhiều người lớn phải suy nghĩ để hoàn thiện mình…!                                                        

Tài liệu tham khảo:

http://www.nguoiduatin.vn/soc-trang-sai-pham-tien-ty-tai-truong-thpt-hoang-dieu-a358452.html

Nguyễn Cao