Những tai nạn nghề nghiệp tình ngay lý gian khi dạy - học trực tuyến

26/09/2021 07:03
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xảy ra căng thẳng là điều khó tránh khỏi nếu thầy và trò không được chuẩn bị tốt về tâm lý, kỹ năng dạy học trực tuyến.

Giảng viên mắng và đuổi sinh viên ra khỏi lớp, sinh viên văng tục và xúc phạm thầy giáo... Những hiện tượng như vậy đã xuất hiện thời gian gần đây trong thời gian học sinh phải học trực tuyến. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng đó là điều khó tránh khỏi nếu thầy và trò không được chuẩn bị tốt về tâm lý, kỹ năng dạy học trực tuyến, cả người dạy và người học đang gặp phải vấn đề về tâm lý.

Không chỉ có giáo viên mới cảm thấy áp lực, căng thẳng mà học sinh, sinh viên cũng vậy, suốt thời gian rất dài không được đến trường. Nhiều sinh viên, học sinh đã có các dấu hiệu như chán nản, lo lắng, buồn, giảm hứng thú, bất an, mất tập trung, mệt mỏi... Điều này khiến khả năng chú ý, tập trung của người học hạn chế, mệt mỏi.

Thầy giáo Phạm Ngọc Đức - Trung tâm Tiên tiến bồi dưỡng lãnh đạo quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Ảnh: NVCC.
Thầy giáo Phạm Ngọc Đức - Trung tâm Tiên tiến bồi dưỡng lãnh đạo quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy giáo Phạm Ngọc Đức - Trung tâm Tiên tiến bồi dưỡng lãnh đạo quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Thầy Đức chia sẻ: “Trước hết, chúng ta nên nhìn nhận những trường hợp xảy ra gần đây không phải là số đông.

Ví dụ: Nếu thời gian vừa qua có hàng trăm trường hợp “xích mích” giữa thầy và trò trong khi học trực tuyến, tỷ lệ luôn là 7 đến 10% thì đó là điều quá nguy hiểm và đáng báo động. Có thể là do khối lượng công việc của thầy cô gấp lên nhiều lần so với bình thường, hoặc do học trò đang quen với cách học trên lớp, nay phải học trực tuyến dẫn đến bức xúc…

Nhưng cũng rất may là chỉ có một vài trường hợp, và nhìn ở góc độ của người làm giáo dục thì cũng nên đồng cảm cho cả thầy và trò, hãy coi đó là một “tai nạn”, nghề nào cũng vậy và nó có thể xảy ra với bất cứ một người ở một thời điểm nào đó, vậy nên các thầy cô cũng phải sẵn sàng đón nhận vì nó có thể rơi vào chính mình.

Thầy cô nên hiểu, lớp học công nghệ khác hẳn với lớp học truyền thống, thực chất ở lớp truyền thống nếu thầy có cáu giận mắng trò, trò có không hài lòng với thầy thì đó là điều hết sức bình thường bởi tính khí con người ai cũng có lúc mất kiểm soát, đó là tâm lý chung không thể khác được.

Ở lớp học truyền thống thì thầy trò “đóng cửa” bảo nhau không ai biết, nhưng ở lớp học trực tuyến thì lại khác, không thể “đóng cửa” được. Ghi âm ghi hình, rồi tình ngay lí gian không ai có thể giải thích được. Chính vì thế giáo viên nên chuẩn bị sẵn tình thần vì có thể sẽ gặp phải “trường hợp” như vậy trong khi lên lớp.

Và cũng chính mình có thể gặp nên thầy cô cũng phải thay đổi tư duy khi giảng dạy trên môi trường mạng. Thứ nhất, dạy trên môi trường mạng khác với môi trường truyền thống, có thể thầy cô giảng nhưng học trò không nghe được, và có thể 2 phút sau các em mới nghe được, thầy nói xong nhưng hình ảnh truyền tải vẫn chưa đến được với người học.

Thầy cô cứ nghĩ là học trò không chịu học, không nghe giảng, mà lỗi chính là do đường truyền Internet. Có ai đã học trực tuyến rồi mới cảm nhận được bởi đây là một môi trường có quá nhiều cái mới lạ và bất ngờ. Nhiều khi bản thân tôi cũng phát cáu, nghĩ rằng điều mình vừa nói đơn giản vậy mà không thấy học trò nào giơ tay, như vậy cũng dễ dẫn đến tâm lí ức chế, rồi cứ dồn dồn những bức xúc như vậy ngày một nhiều thành một ngăn cách vô hình rất lớn giữa thầy và trò”.

Theo thầy Đức: “Dạy trực tuyến cũng có cái hay, nhưng cũng có hạn chế đó là đường truyền không đủ để đáp ứng công việc giảng dạy, ngay như trong trường hợp trời mưa to ảnh hưởng đến tín hiệu, rồi có em bật camera không lên, cô gọi mãi không thấy trả lời…Khi dạy ở lớp truyền thống thì quen rồi, mời em nào thì em đó đứng dậy ngay, lúc này “quyền” của thầy cô rất to.

Nhưng giờ đây dạy trực tuyến, vô hình chung “quyền” của thầy cô bị giảm xuống, có khi gọi mãi không thấy ai phát biểu, hơi bực nhưng cũng phải chuyển sang hỏi em khác, rồi em này có khi cũng không bật được mic, thầy lại phải chuyển, rồi lại chuyển…vô tình như vậy cũng tích lại tạo nên bức xúc.

Nhưng học trò cũng bức xúc, bởi nghe giảng mà cứ tiếng được tiếng không, hình thì giật, đơ…nhưng thầy đang nói nên cũng không dám thưa thầy vì sợ thầy mắng. Kể cả ở thành phố không phải em nào cũng có thiết bị hay đường truyền tốt để học đâu”.

Chuyển đổi số là thay đổi cách làm việc, cách khai thác dữ liệu, và tất cả các đối tượng liên quan như học sinh và phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường, cán bộ quản lí đều phải thay đổi hết cách làm việc cho phù hợp. Ảnh: NVCC.
Chuyển đổi số là thay đổi cách làm việc, cách khai thác dữ liệu, và tất cả các đối tượng liên quan như học sinh và phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường, cán bộ quản lí đều phải thay đổi hết cách làm việc cho phù hợp. Ảnh: NVCC.

Không nên “lạm dụng” quá nhiều công nghệ để dạy học

Theo Đức nói: “Thầy cô cũng không nên lạm dụng quá nhiều công nghệ để dạy học trực tuyến, ví dụ: Nếu thầy cô trình chiếu video, hoặc ảnh thì phải biết được khi chiếu phim thì đường truyền phải tải dữ liệu rất nặng, không phải gia đình nào cũng có đường truyền tốt, chính vì vậy không xem được. Còn nếu nhắn tin thì học trò nhận được ngay, bởi tin nhắn không cần đường truyền tốt.

Vậy bây giờ, thầy cô cả nước dạy trực tuyến, cứ đến giờ dạy là tận dụng hết mọi công nghệ mới nhất, tốn đường truyền nhất để dạy thì vô tình là lợi bất cập hại, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy học. Vậy nên, có thể kết hợp với tin nhắn nhóm trong lớp để kiểm tra học sinh, bởi lúc này đường truyền hình và tiếng đang tắc nghẽn.

Thầy cô cũng cần phải thay đổi cách tương tác với học trò, học trực tiếp thì trình chiếu gì cũng được, nhưng khi dạy trực tuyến thì không thể “thoải mái” như vậy. Có thể nói, thầy cô chưa kịp nắm vững phương pháp sư phạm dạy học trên nền công nghệ, phương pháp sư phạm thầy cô rất giỏi, nhưng đó là dạy truyền thống, bây giờ là chuyển đổi số mà chưa kịp cập nhật nên chưa quen.

Khi dạy học trực tuyến thì lượng thông tin lớn gấp 5 lần so với học trực tiếp, khi học truyền thống thầy trò giao tiếp thì quá đơn giản, nói một câu mọi người hiểu ngay. Nhưng dạy trực tuyến lại khác, thậm chí có vấn đề thầy trò phải nhắn tin qua lại đến chục lần mà cũng chưa truyền đạt hết ý, như vậy khối lượng và cường độ làm việc tăng gấp nhiều lần, và thầy cô bị mệt là đương nhiên”.

Vậy phải tìm cách tháo gỡ vấn đề này ra sao? Về vấn đề này, thầy Đức cho biết: “Thầy cô có thể chia học sinh trong lớp thành nhóm, mỗi nhóm cử 1 em học sinh làm trợ giảng, có gì cần hỏi các bạn nhắn tin cho trợ giảng của nhóm đó, sau đó tập hợp lại, loại bỏ những câu hỏi giống nhau và gửi đến cô 1 lần, như vậy cô cũng bớt áp lực để tập trung vào giảng bài, và có thể trả lời các câu hỏi tập trung hơn. Một ngày thầy cô nhận quá nhiều tin nhắn cũng sẽ rất áp lực, không trả lời tin nhắn cũng không được, còn nếu trả lời hết thì không còn thời gian giảng bài.

Nhóm phụ huynh cũng riêng, ai cần hỏi gì thầy cô cứ nhắn vào đó, lúc nào thuận tiện giáo viên sẽ trả lời, và mọi người đều có thể theo dõi được mọi vấn đề, tránh một câu hỏi được hỏi và trả lời nhiều lần. Theo tôi, thầy cô cứ bình tĩnh cơ cấu sắp xếp lại công việc, mình chuyển đổi số nên cũng phải thay đổi cách làm việc, lúc đầu còn bỡ ngỡ, sau sẽ quen.

Chuyển đổi số là thay đổi cách làm việc, cách khai thác dữ liệu, và tất cả các đối tượng liên quan như học sinh và phụ huynh, giáo viên, ban giám hiệu nhà trường, cán bộ quản lí đều phải thay đổi hết cách làm việc cho phù hợp, chứ hiện nay vô tình mọi người đòi hỏi một mình giáo viên thay đổi dẫn đến các thầy cô “quá tải”.

Một ngày thầy cô nhận quá nhiều tin nhắn cũng sẽ rất áp lực, không trả lời tin nhắn cũng không được, còn nếu trả lời hết thì không còn thời gian giảng bài. Ảnh minh họa: Như Ý.
Một ngày thầy cô nhận quá nhiều tin nhắn cũng sẽ rất áp lực, không trả lời tin nhắn cũng không được, còn nếu trả lời hết thì không còn thời gian giảng bài. Ảnh minh họa: Như Ý.

Thầy cô chưa biết cách giảm tải công việc

Cũng về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Quân - giáo viên trung học cơ sở tại quận Cầu giấy, Hà Nội cho biết. Theo thầy Quân: “Đã là giáo viên thì không ai là kém về trình độ, nhưng điều cốt yếu là các thầy cô chưa biết cách giảm tải công việc, việc nặng nhất của giáo viên là soạn giáo án. Việc này mà “giảm” được thì chúng tôi sẽ đỡ vất vả.

Một bài học hay, hay không hay nó đều nằm ở phần bài giảng, còn nếu nói về giảng bài thì thầy cô đều có nghiệp vụ sư phạm, còn nói về công nghệ thì thầy cô nào cũng biết, chỉ có nhiều hay ít mà thôi.

Vấn đề giảm tải công việc thì hầu hết giáo viên đang loay hoay, tôi quan sát và nhận được đến 90% ý kiến phản hồi là đang tất bề bộn, đâu phải chỉ lên lớp giảng không thôi đâu, còn sinh hoạt chuyên môn, tham dự tập huấn, hoàn thành chương trình mới… tất cả đan xen nhau, bình thường đã bận, nay dạy trực tuyến còn bận thêm gấp nhiều lần.

Theo tôi, thầy cô cần nghĩ cách để giảm tải, nặng nhất là phần soạn bài, phần này cần tăng cường chia sẻ giữa các thầy cô, hoặc vào hệ thống bài giảng chung của Bộ, của các đơn vị cung cấp bài giảng để kế thừa và phát huy theo năng lực riêng của mỗi giáo viên. Bình thường mỗi thầy cô cần 3 tiếng để soạn bài, nay chỉ mất 1 tiếng là đã nhàn hơn rất nhiều rồi.

Như vậy cũng không thể gọi là thầy cô “copy” bài giảng, bởi việc chuyển đổi số hiện nay tất cả mọi nền tảng dữ liệu đều chia sẻ, giáo viên đóng vai trò sáng tạo để khai thác mà thôi. Các bài giảng hay hiện nay đều được chia sẻ công khai”.

Thầy Quân nói: “Việc chia sẻ này hình dung giống như một bài hát, ai cũng biết và hát được, nhưng vấn đề là anh nào hát hay hơn mà thôi. Theo tôi, giáo viên 1 khối học trong cùng một trường có thể tập hợp chất xám lại, xây dựng một bài giảng hay để cả khối dùng chung, như vậy sẽ có được tinh hoa của bài giảng đó mà giáo viên lại nhàn hơn rất nhiều.

Nhưng muốn có được bài giảng tập thể hay như vậy, theo tôi, đầu tiên là các lãnh đạo nhà trường mạnh dạn thay đổi trước, rồi đến giáo viên, bởi bình thường các thầy cô không có thói quen như vậy, họ giấu hết. Từ trước đến nay toàn sinh hoạt chuyên môn, rồi thi giáo viên dạy giỏi… vậy nên ai cũng muốn giỏi, như vậy không ai muốn chia sẻ cả.

Vậy nên phải bỏ thi giáo viên dạy giỏi, bỏ sinh hoạt cụm…không cần thiết, thầy cô đầu tư luyện tập thật tốt chỉ để trình diễn 1 tiết giáo viên dạy giỏi, nhưng các tiết dạy khác trên lớp lại không được chất lượng như vậy, như thế danh hiệu dạy giỏi chỉ là hình thức, không có thực chất”.

Tùng Dương