Những nhà giáo trẻ và hành trình “đưa chữ” về Tô Múa

11/12/2020 06:19
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chọn cho mình việc nhẹ nhàng, có những người trẻ quyết tâm đi về những vùng cao, xa xôi Tổ quốc với mong ước “gieo chữ vào đá”.

Không có học sinh vùng khó, chỉ có giáo viên ngại khó

Tình yêu thương bình dị chính là thứ duy nhất cô giáo trẻ Đinh Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa (Sơn La) làm hành trang gắn bó với giáo dục học sinh miền núi.

Sinh năm 1998, tốt nghiệp Khoa Tiểu học – Mầm non, Trường Đại học Tây Bắc, cũng như những bạn bè cùng trang lứa học chuyên ngành sư phạm, cô Thủy luôn ước mơ trở thành cô giáo, cống hiến hết mình cho nền giáo dục nước nhà.

Kết thúc những năm tháng sinh viên bằng kì thực tập trước khi tốt nghiệp, Đinh Thủy được cử về Trường tiểu học và Trung học cơ sở Tô Múa và bắt đầu hành trình đầy yêu thương mang chữ đến với các em nhỏ vùng cao.

Kể về những ngày bắt đầu nhận thấy mình đam mê ở học sinh miền núi, cô giáo trẻ chia sẻ ánh mắt ngập tràn hạnh phúc: “Niềm vui của em mỗi ngày lúc đó đơn giản lắm, học sinh ở trường em thực tập rất ham văn nghệ nhưng lại không được dàn dựng các bài hát, bài múa thành tiết mục cụ thể.

Em về đấy cùng các bạn của mình nữa, cứ đều đều ngày lên lớp, đến chiều về lại đi tập văn nghệ, dạy múa, dạy hát cho học sinh. Cô ham dạy, trò ham học, thế rồi em yêu học trò miền núi”.

Nhà cô giáo Thuỷ ở Bản Pơ Tào, xã Mường Tè, huyện Vân Hồ. Quãng đường từ nhà tới trường lên tới 22km, gồ ghề, quanh co, vậy mà cô giáo trẻ luôn thức dậy từ hơn 5 giờ sáng để kịp tới lớp. Cuối ngày lại là hành trình 22km từ trường trở về nhà.

Đường vào Tô Múa ai lên đến nơi đều cảm nhận được, một bên là vực, một bên là núi, ấy thế mà in dấu bánh xe cô Thủy hàng ngày đi dạy hơn một năm qua.

Đối với những người trẻ, họ mơ ước và thực hiện chinh phục những điều khó khăn, những điều tưởng chừng không làm được. Đó chắc cũng là quyết tâm khởi đầu tương lai sự nghiệp khi cô Thủy chọn Tô Múa để cống hiến nhiệt huyết của mình ở đây.

Tô Múa là một xã vùng sâu thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Người ta gọi Vân Hồ bởi chính nơi đây con người có thể “ôm mây, níu gió”. Nhưng cũng chính địa hình như thế mà thời tiết khắc nghiệt vô cùng.

Người dân Vân Hồ sáng đi làm có thể mặc một chiếc áo cộc tay mỏng mát, nhưng tối về có thể rét run trong lớp áo khoác chống chọi giá lạnh, có những buổi trưa người cách người một vài mét cũng chẳng nhìn rõ mặt nhau.

Tình yêu thương bình dị chính là thứ duy nhất cô giáo trẻ Đinh Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa làm hành trang gắn bó với giáo dục học sinh miền núi. (Ảnh C.K.A)

Tình yêu thương bình dị chính là thứ duy nhất cô giáo trẻ Đinh Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa làm hành trang gắn bó với giáo dục học sinh miền núi. (Ảnh C.K.A)

Ấy vậy mà Tô Múa còn cách xa thị trấn hơn dăm chục cây số, đường vào mùa mưa, mùa khô hay mùa rét thì chỉ miêu tả được bằng hai chữ khốn khổ. Mùa nắng khô thì bánh xe đi đến đâu cuốn bụi mịt mù đến đó, mùa mưa đường trơn, bánh xe phanh gấp không kịp thì chỉ có nước lao xuống vực mà thôi.

Ngồi trên xe để đến gặp và yêu thương những người trẻ, bản thân tôi chóng mặt bởi những lần gấp cua tay áo của bác tài. Tiếng phanh xe khét lẹt của người lái xe qua bao nhiêu năm kinh nghiệm cũng khiến mọi người hiểu, để lên đến bản dạy học, giáo viên nơi đây vất vả như thế nào.

Có bao nhiêu quyết tâm, bao nhiêu yêu thương họ mới gắn bó lại những vùng sâu, xa của Tổ quốc như Tô Múa?

Cuộc trò chuyện ở hành lang lớp học của tôi với cô Thủy vỏn vẹn vài câu, vài chữ nhưng thấm đượm sự chân thành, sự quyết tâm và nhiệt huyết của cô giáo trẻ:

“Những ngày đầu em chưa quen, đi xe máy còn thấy xa lắm, càng đi càng hun hút. Bây giờ thì em quen rồi, đối với em mỗi ngày đi hai lần 22 cây số em vẫn thấy gần. Học sinh cần thầy cô giáo, những ngôi trường vùng cao cần những người trẻ để tiếp tục sự nghiệp giáo dục. Em trẻ, em có sức khỏe, có tri thức điều đầu tiên em phải nghĩ đến là học sinh.

Thật ra ước mơ từ nhỏ của em là giáo viên, lớn lên cố gắng theo học sư phạm để thực hiện ước mơ ấy. Những kì kiến tập, thực tập lại làm em thêm yêu nghề.

Đối với em không có học sinh vùng khó, chỉ có giáo viên ngại khó mới không đem con chữ đến với học sinh vùng sâu vùng xa. Kể cả em có về những nơi xa và sâu hơn Tô Múa em vẫn hạnh phúc với con đường mà em đã chọn”.

Đối với cô Thủy, Tô Múa chính là ngôi nhà thứ hai của mình, luôn dạt dào yêu thương và lũ trẻ coi cô như người mẹ thứ hai trong nhà.

“Học sinh trên đây thật thà, ngây ngô yêu lắm chị ạ. Em thật sự may mắn khi được về dạy ở Tô Múa, được làm việc với các thầy cô, được dạy học sinh miền núi.

Dù là nơi khó khăn rất nhiều, cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ đường, nhưng ở đây có một thứ không bao giờ thiếu là tình người.

Từ giáo viên, đến học sinh, ai cũng đáng yêu, đáng quý bởi họ sống với nhau bằng cái tình”, nói đến đây, dù thời tiết ở Tô Múa có chút se lạnh nhưng nghe những lời này từ một cô giáo trẻ, lòng tôi bỗng ấm áp lạ thường.

Ai sẽ là người xây dựng quê hương nếu người trẻ không trở về?

Cũng là một trong những giáo viên trẻ nhận việc ở Tô Múa, gắn bó, dạy học với học sinh miền núi, thầy Hà Văn Diện (sinh năm 1997) khác với cô Thủy ở chỗ, thầy là lớn lên ở chính mảnh đất Tô Múa.

Thầy cười hiền khi tôi hỏi thầy đi bao nhiêu lâu thì vào điểm trường bản Mến (điểm trường trung tâm của Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tô Múa): “Mình đứng ở sân trường vẫn nhìn thấy cổng nhà”.

Thầy Diện (ngồi giữa) luôn suy nghĩ: “Muốn quê hương bớt khổ, phát triển thì người trẻ phải trở về”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Diện (ngồi giữa) luôn suy nghĩ: “Muốn quê hương bớt khổ, phát triển thì người trẻ phải trở về”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sinh ra và lớn lên ở Tô Múa, chứng kiến những vất vả, khổ sở của học sinh miền núi tới trường, thầy giáo trẻ mới quyết tâm trở về xây dựng quê hương như thế.

Tôi có nói, đối với rất nhiều người trẻ, thành thị là một nơi xa hoa, tráng lệ nên đó là nơi cám dỗ, hứa hẹn những điều kiện tốt hơn về cuộc sống, việc làm, tại sao thầy Diện lại quay về Tô Múa, chấp nhận điều kiện sống lại vô cùng vất vả?

Chỉ vào chiếc máy tính xách tay, câu trả lời của thầy Diện khiến tôi bất ngờ: “Ở đây muốn sửa được nó, em phải đi khá xa, dăm bữa, nửa tháng nó lại hỏng một lần nhưng dù xa và vất vả nữa thì em vẫn quyết tâm trở về Tô Múa làm việc. Nếu những người trẻ như em không trở về, không ở lại thì ai sẽ là người xây dựng quê hương.

Thành thị luôn có nhiều điều hấp dẫn giới trẻ, nhưng chưa bao giờ là nơi em muốn gắn bó, ngoại trừ lúc bắt buộc ở lại để học kiến thức, bởi mơ ước của em là một ngày nào đó dùng kiến thức học được để trở về quê dạy học cho lũ trẻ”.

Cái máy tính hỏng nhiều như cơm bữa cũng chính là những khó khăn về cơ sở vật chất đang thiếu thốn ở Tô Múa.

Bữa cơm đạm bạc, phòng học xuống cấp, sân chơi lỗ chỗ không bằng phẳng, bếp ăn còn chưa đúng với tên gọi vì thiếu quá nhiều thứ… đó là những vất vả, những khó khăn hiện diện hàng ngày, hàng giờ nơi đây.

Thế nhưng ẩn sau những dáng dấp học trò nhỏ con, đen nhẻm là một sức bật dẻo dai, kiên cường khi sĩ số đến lớp ngày một đông. Ẩn sau những khó khăn hàng ngày là sự quyết tâm cống hiến hết mình của đội ngũ thầy cô giáo miền núi.

Như lúc tôi tâm sự với thầy Diện, thầy có trăn trở mà nói: “Trước em mơ ước mình cố gắng theo học được một trong hai ngành là ngành y hoặc ngành sư phạm. Chỉ với mong muốn duy nhất là nếu không thể dạy học thì em có thể chữa bệnh cho bà con, người dân ở đây.

Có hai thứ mà người dân nơi đây thiếu thốn nhất là chữ và thuốc. Thiếu thốn y tế thì người dân chết về thể xác, thiếu thốn “cái chữ” thì người ta chết về mặt tri thức, văn hóa. Muốn quê hương bớt khổ, phát triển thì người trẻ phải trở về”.

Đó không chỉ là mơ ước, quyết tâm, mong muốn của một người trẻ là thầy Diện, cô Thủy mà là đại diện của một bộ phận thế hệ trẻ khi họ làm việc, cống hiến hết mình cho giáo dục miền núi.

Đối với những người trẻ đó là cơ hội, thử thách và họ luôn sẵn sàng chịu phần thiệt thòi, vất vả, vì tình yêu thương với những đứa trẻ.

“Chưa bao giờ trong chúng em hiện diện hai chữ bỏ cuộc, không chỉ những người trẻ, những thầy giáo, cô giáo công hiến mấy chục năm, thậm chí có người trọng bệnh vẫn đang từng ngày gồng gánh tri thức để đánh đổi bằng nụ cười của học sinh đến trường mỗi ngày”, cô Thủy nở nụ cười rạng ngời trên môi khi nói với tôi về quyết tâm của giáo viên Tô Múa.

Tôi nói với bác tài xế, dù chuyến xe có lắc lư, dù đầu tôi có quay cuồng, tê dại bởi những khúc cua tay áo thì tôi vẫn quyết tâm quay lại Tô Múa, Vân Hồ nhiều lần nữa để “ôm” mây, để ôm những con người nhỏ bé nhưng tràn trề sức trẻ, nhiệt huyết và chân thành, để ôm trọn những yêu thương tận tâm can về ước mơ mà họ dành cho giáo dục vùng sâu, vùng xa.

Tin chắc rằng, những vùng đất như Tô Múa rồi sẽ trở mình, phát triển bởi học sinh nơi đây được học, được chăm sóc từ những người thầy, người cô mà ước mơ giáo dục miền núi bằng yêu thương ngấm vào máu thịt.

Cao Kim Anh