Những khoảng trống về giáo dục đạo đức cho học sinh, một nguyên nhân của bạo lực

08/04/2019 06:52
NHẬT DUY
(GDVN) - Chỉ khi nào có sự phối hợp, giáo dục có khoa học, bài bản, cùng chung tay quan tâm đến thế hệ trẻ thì chúng ta mới giáo dục tốt được các em.

Tình trạng bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp cho thấy có nhiều bất ổn trong giáo dục học sinh hiện nay của cả gia đình và nhà trường.

Nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm, uốn nắn đến con em mình. Trong khi, những bài học về đạo đức trong nhà trường hiện nay còn nhiều chuyện đáng bàn.

Môn Đạo đức ở cấp Tiểu học hay môn Giáo dục công dân ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông chưa được chú trọng về cả nội dung, thời lượng và người dạy.

Ảnh minh họa, nguồn: elearning.moet.edu.vn.
Ảnh minh họa, nguồn: elearning.moet.edu.vn.

Hiện nay, theo phân phối chương trình thì cấp Tiểu học có 1 tiết/ tuần để học môn Đạo đức và môn học này do giáo viên chủ nhiệm lớp đảm nhận.

Song thực tế không phải giáo viên nào cũng chú trọng dạy môn học này. Nhiều thầy cô chỉ tập trung dạy cho học trò môn Tiếng Việt và môn Toán, những môn còn lại thì khi dạy, khi không.

Môn Đạo đức cũng nằm trong tình trạng như vậy.

Chúng tôi đã tìm hiểu, trao đổi với một số giáo viên và học sinh Tiểu học thì đa phần đều nhận được câu trả lời là thầy cô thường dạy Toán hoặc Tiếng Việt vào tiết Đạo đức.

Bởi thực tế 2 môn học này số tiết lớn mà nó thường là thước đo về chất lượng của học trò cũng như thầy cô trong nhà trường.

Khi kiểm tra học kỳ, chỉ có môn Toán và Tiếng Việt là thay đổi giáo viên gác thi. Môn Đạo đức vẫn thường là môn mà giáo viên chủ nhiệm “tự biên tự diễn”, kiểm tra cho có để lấy điểm mà thôi.

Như vậy, ngay từ nhỏ đang rất cần nền tảng về giáo dục đạo đức thì học sinh đã bị khuyết những bài học để định hướng và bồi dưỡng nhân cách.

Lên đến cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thì môn học Đạo đức được đổi tên thành môn Giáo dục công dân và môn học này vẫn được bố trí dạy 1 tiết/tuần.

Điều khác biệt là các cấp học này đã có giáo viên riêng đảm nhận môn học, học sinh không phải lo mất tiết nhưng nhiều trường cũng đang thể hiện những hạn chế trong việc bố trí người dạy môn Giáo dục công dân.

Những khoảng trống về giáo dục đạo đức cho học sinh, một nguyên nhân của bạo lực ảnh 2Quá mạnh tay với giáo viên chỉ làm thầy cô đề phòng và thu mình lại

Do thiếu- thừa giáo viên cục bộ  trong nhà trường nên môn học này của nhiều trường hiện nay không có giáo viên chuyên Giáo dục công dân mà là giáo viên các môn học khác đảm nhiệm.

Những trường không có giáo viên chuyên thường là  giáo viên Văn, Sử giảng dạy môn này.

Nhất là hiện nay các trường đang thực hiện việc Hiệu trưởng giảng dạy 2 tiết/ tuần và Phó Hiệu trưởng 4 tiết/ tuần thì đa phần các lãnh đạo này chọn dạy môn Giáo dục công dân.

Mặc dù một số lãnh đạo nhà trường được đào tạo chuyên ngành học khác nhưng vì họ đã bỏ lâu năm không dạy nên khi dạy lại môn đã được đào tạo có phần khó khăn.

Vì thế, họ đều chọn môn Giáo dục công dân dễ dạy hơn và chủ yếu là để đúng với hướng dẫn của ngành nhằm có phụ cấp đứng lớp.

Chính vì giáo viên dạy “tay ngang” như vậy nên họ không có chuyên môn, dạy cho có dạy, vừa dạy vừa nhìn giáo án đọc- chép nên những bài học về đạo đức không phải lúc nào cũng được xuyên suốt và truyền giảng được những bài học thực sự cho học trò.

Các môn học khác, nhất là các môn khoa học tự nhiên thì ít khi giáo viên họ lồng ghép giữa dạy kiến thức với dạy đạo đức cho học trò.

Năm thì mười họa giáo viên mới tích hợp giáo dục đạo đức trong những tiết học này vì suy cho cùng mỗi môn học có đặc điểm, chức năng riêng.

Một khó khăn nữa là dù có giáo viên chuyên về môn Giáo dục công dân thì môn học này vẫn phải ghép vào môn khác để thành tổ ghép.

Chính vì đa phần các trường bây giờ là trường loại II, loại III mà mỗi tuần có 1 tiết/lớp thì mỗi trường chỉ cần 1 giáo viên dạy Giáo dục công dân nên họ cũng rất khó có thể trao đổi chuyên môn hay có thể học hỏi từ đồng nghiệp của mình.

Nếu gặp giáo viên tích cực, yêu thương học trò thì học sinh được nhờ, gặp phải giáo viên chểnh mảng, yếu về chuyên môn, phương pháp thì rõ ràng học sinh cả trường đều thua thiệt.

Những tiết sinh hoạt như chào cờ hay sinh hoạt lớp thì việc giáo dục đạo đức cho học sinh cũng chưa được nhiều trường, giáo viên chủ nhiệm chú trọng.

Thời lượng một tiết chào cờ có 45 phút mà có rất nhiều người nói (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổng phụ trách Đội...) thành ra những tiết chào cờ chủ yếu là truyền đạt một số thông tin và nhắc nhở, quở trách một số học sinh vi phạm, học sinh chưa chú ý học tập.

Một số trường còn bắt học sinh đứng trước cờ bêu tên và đưa ra những hình thức phạt học trò nên nhiều khi tạo ra sự ức chế của nhiều học sinh chăm ngoan nhưng cứ phải nghe những lời chửi bới của thầy cô.

Những tiết sinh hoạt cuối tuần phần lớn là tổng kết hoạt động của lớp trong một tuần học tập.

Vẫn là hình thức ban cán sự lớp thống kê học sinh vi phạm và giáo viên ra hình thức xử phạt và quở trách. Việc gần gũi để động viên, nhắc nhở học trò chưa được nhiều thầy cô chú trọng.

Những khoảng trống về giáo dục đạo đức cho học sinh, một nguyên nhân của bạo lực ảnh 3Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào

Thư viện nhà trường thì ít được đầu tư sách báo nên không khuyến khích được học sinh vào đọc sách.

Đa phần sách trong thư viên là sách giáo khoa, sách bài tập và một số sách được cấp trên mua và phát về trường nên nó chẳng thể nào thu hút được học trò.

Báo chí thì chủ yếu là vài tờ báo ngành, báo tuyên truyền nên không thu hút được học sinh.

Tình trạng bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng đối với nhà trường thì việc dạy những bài học về đạo đức đang là một khoảng trống, việc giáo dục dưới cờ, sinh hoạt lớp đang nặng về răn đe, quở phạt học trò.

Thư viện thì chưa được chú trọng đầu tư sách báo phù hợp với lứa tuổi học trò.

Chính vì thế, thời gian tới đây các lãnh đạo ngành giáo dục phải có những biện pháp để phát triển việc dạy và học môn Đạo đức (Tiểu học); Giáo dục công dân (cấp 2-3) tốt hơn để những bài học làm người thực sự được chú trọng.

Cùng với đó là việc thay đổi hình thức sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp. Đồng thời, cha mẹ, gia đình cần có thêm sự kèm cặp, quan tâm nhiều hơn với các em học sinh.

Chỉ khi nào có sự phối hợp, giáo dục có khoa học, bài bản, cùng chung tay quan tâm đến thế hệ trẻ thì chúng ta mới giáo dục tốt được các em.

Còn nếu chỉ hô hào, làm theo chủ điểm thì đâu cũng lại vào đấy mà bạo lực học đường không hạn chế được.

NHẬT DUY