Những giờ học không giảng đường của sinh viên Đà Nẵng

15/03/2018 06:58
An Nguyên
(GDVN) - Sinh viên không chỉ tìm hiểu kiến thức và các yếu tố thuộc chương trình giảng dạy mà còn áp dụng những gì họ biết để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Nhằm tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm..., từ năm học 2018 – 2019, trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng sẽ được triển khai theo mô hình "học theo dự án" – Project Based Learning.

Đây được xem như một “cuộc cách mạng” trong phương pháp giảng dạy, học tập.

Giờ học không giảng đường

Lội giữa những luống rau của làng rau Tuý Loan (Đà Nẵng), nơi cung cấp phần lớn nguồn rau sạch cho thành phố lớn nhất miền trung, một nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và trường Singapore Polytechnic cặm cụi nghiên cứu, lên kế hoạch, ý tưởng.

Từ những kiến thức đã học và qua khảo sát thực tế, một nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã thiết kế ra mô hình tưới tiêu tự động. Ảnh: ĐHBK
Từ những kiến thức đã học và qua khảo sát thực tế, một nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã thiết kế ra mô hình tưới tiêu tự động. Ảnh: ĐHBK

Đó là phải làm sao vận dụng các kiến thức đã học để làm nên một mô hình tưới tiêu tự động sử dụng nguồn năng lượng sạch, giúp tiết kiệm sức lao động.

Đồng thời, chế tạo mái che có thể gấp gọn rất tiện lợi cho nông dân khi lao động trên cánh đồng.

Suốt hơn 2 tuần học tập trải nghiệm tại làng, hàng loạt ý tưởng, quan điểm được nêu ra để mổ xẻ, bàn bạc. Những vấn đề mà người dân đang gặp phải là gì, hướng giải quyết ra sao?

An, một sinh viên trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho hay, giải pháp mà các bạn đưa ra được dựa trên mô hình Tư duy Thiết kế - Design Thinking.

Những giờ học không giảng đường của sinh viên Đà Nẵng ảnh 2Sinh viên cần chuẩn bị để theo đuổi đam mê khoa học, khởi nghiệp sáng tạo!

Các bạn sẽ phải nghiên cứu - khảo sát thông tin thông qua Internet, ở lại Homestay (nhà người dân) 3 ngày 2 đêm, phỏng vấn dân làng, phân tích dữ liệu để tìm ra khó khăn mà người dân đang mắc phải, cuối cùng là đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng đó.

Công trình tưới tiêu tự động của nhóm An được hoàn thiện một cách xuất sắc và có thể đưa vào ứng dụng ngay tại làng rau Túy Loan.

Còn tại làng nghề mây tre truyền thống An Khê (Thanh Khê, Đà Nẵng), nhóm sinh viên khác của Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chế hẳn ra mô hình của một chiếc ghế đa năng, vừa giúp công nhân có tư thế thoải mái nhất khi làm việc, vừa giúp tăng năng suất và thời gian sản xuất.

Từ khâu trình bày ý tưởng đến việc cho sản phẩm mẫu ra đời đã nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ của những nông dân.

Họ cũng vui mừng, phấn khởi vì từ nay không còn cảnh ngồi “gù lưng” để chẻ tre, đan lát…

Học bằng… dự án

Mới đây, Trung tâm Xuất sắc của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, cũng đã triển khai khóa học dựa trên dự án (PBL) - ECE372 Microprocessor Interfacing and Embedded Systems.

Đại diện trung tâm cho biết, khóa học này yêu cầu sinh viên làm việc trong một nhóm để thiết kế và xây dựng bộ robot “hai trong một”.

Những giờ học không giảng đường của sinh viên Đà Nẵng ảnh 3Khởi nghiệp trong thời đại 4.0 đâu chỉ riêng con đường đại học!

“Đó là một con robot có thể nhận ra và tránh những chướng ngại vật, đồng thời có thể chuyển đổi từ robot xe đua sang robot tự cân bằng.

Robot được điều khiển qua điện thoại thông minh ở chế độ bằng tay”, vị đại diện này cho hay.

Cuối học kỳ, mỗi đội sẽ mang mô hình robot hoàn chỉnh của mình tham gia cuộc thi tìm đường ra khỏi mê cung.

Dự án này giúp sinh viên học các kỹ năng Thiết kế - Xây dựng (Design-Build), bằng cách tạo ra một khung gầm robot có khả năng biến đổi, đáp ứng được một số yêu cầu trong dự án.

Và nó có thể gắn thêm nhiều thiết bị ngoại vi vào khung gầm robot của họ. Nhiệm vụ này cũng làm cho sinh viên cảm thấy phấn khởi với sản phẩm do chính mình tạo ra.

Trong suốt dự án, sinh viên sẽ học cách xác định và gỡ lỗi chương trình cũng như tìm ra giải pháp để giải quyết một số vấn đề liên quan đến phần cứng và phần mềm.

Phó Giáo sư Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, mô hình "học theo dự án" này nhằm mục tiêu tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình.

Trong mỗi học kỳ, các sinh viên sẽ được học lý thuyết cơ bản nhất trong các môn học với thời lượng giảm nhiều so với trước đây. Sau đó sinh viên sẽ được giao các dự án hoặc các bài tập lớn liên môn.

Để thực hiện các nội dung này, sinh viên sẽ phải tự đọc thêm, học thêm các kiến thức chuyên sâu và kiến thức liên quan của các môn học trong học kỳ dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên và trợ giảng của Nhà trường.

Các dự án thực tế được giảng viên và sinh viên xây dựng, hoặc phối hợp với doanh nghiệp, hoặc có thể do chính các sinh viên đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu.

Cuối học kỳ sinh viên sẽ phải báo cáo kết quả dự án và được nhà trường kiểm tra, đánh giá theo chuẩn đầu ra đã được xây dựng cho từng dự án mà sinh viên đã thực hiện.

“Với sự thay đổi này, sinh viên ra trường sẽ có được kiến thức, kỹ năng, thái độ thích ứng nhanh chóng với các nhu cầu thay đổi ngày càng nhanh và hiện đại của xã hội.

Qua đó, giúp cho sinh viên nâng cao khả năng có việc làm cũng như khả năng khởi nghiệp của mình”, thầy Vinh cho hay.

An Nguyên