Những cuộc "trốn tìm" của thầy trò giữa đại ngàn Tây Nguyên

15/09/2021 06:44
Đinh Tùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày chủ nhật, trời mưa tầm tã, thế nhưng, chúng tôi vẫn phải đội mưa, vượt lũ vào làng để tìm kiếm học trò.

Tháng Chín là lúc thầy, trò cả nước đang háo hức đón chào năm học mới. Nhưng ở huyện nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Ia Pa (tỉnh Gia Lai) chúng tôi thì khác, thầy cô nặng trĩu âu lo với hành trình săn đón học trò ra lớp.

Ngày Chủ nhật, trời mưa tầm tã, thế nhưng, chúng tôi vẫn phải đội mưa, vượt lũ vào làng để tìm kiếm học trò.

Các thầy cô ở Ia Pa, Gia Lai phải đội mưa, vượt lũ vào làng tìm học trò. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Các thầy cô ở Ia Pa, Gia Lai phải đội mưa, vượt lũ vào làng tìm học trò. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Vượt qua bao nương rẫy, lội qua bao con suối đi tìm kiếm học trò trong trong tiếng mưa tuôn hoà lẫn tiếng gió rít ào ào của núi rừng Tây Nguyên.

Lòng khấp khởi mừng thầm khi phía xa xa thấp thoáng túp lều, người dân làm rẫy nói "chòi nhà Đinh Tuy đó, lội qua 1 con suối nữa là tới”.

Vội cảm ơn người chỉ đường, chân bước nhanh qua con suối mát lạnh, đi tiếp một quãng nữa tôi có mặt tại chòi rẫy nhà em.

Bố em từ trong túp lều chạy ra với lời nói vội vã: "Thầy ơi! Nó nhìn thấy thầy, nó chạy trốn vào núi rồi”.

Mọi người chia nhau đi kiếm em nhưng kêu rát cổ cũng chẳng thấy em thưa. Bố em nói: "Thôi, thầy về đi. Nó thấy thầy, nó không ra đâu, để tối tôi đưa nó về làng”. Không thể làm gì khác hơn, đành ngồi nói chuyện với bố em một lúc rồi ra về trong nỗi buồn khó tả.

Có trực tiếp tham gia dạy dỗ, vận động học sinh mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của các thầy cô nơi đây. Thời gian này đang là tâm điểm của mùa mưa Tây Nguyên.

Tác giả trong một chuyến đi tìm học trò. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tác giả trong một chuyến đi tìm học trò. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Lúc trời sắp mưa về chiều cũng là khi các thầy cô lên đường vào thôn. Bởi “bố mẹ các em thường đi rẫy xa. Các em đi theo hoặc đi làm thuê cho người kinh nên phải tới nhà vào buổi tối mới gặp được”, ông Đinh Xoan trưởng thôn Bi- Giông (xã Pờ Tó huyện Ia Pa) nói.

7 giờ tối, chúng tôi ghé nhà Đinh Lin (năm nay học lớp 9), thấy thầy giáo tới nhà kêu đi học, em vội chạy vào nhà đóng cửa trốn. Vận động, dỗ dành mãi, em mới chịu mở cửa.

Đinh Lin là con gái lớn trong gia đình đông chị em, hầu hết đều đã nghỉ học, Đinh Lin cũng đang trong thời điểm “chẳng muốn tới trường”.

Trong căn nhà xiêu vẹo chẳng có thứ gì đáng giá, mẹ em với lý do “học có cái ăn không, học rồi sau này có được đi làm không? Ở nhà đi chăn bò cho người kinh còn có tiền hơn…”.

Tìm sự hợp tác của phụ huynh gần như không có. Không thể bỏ cuộc, chúng tôi vẫn kiên trì vận động: “mình khổ rồi, ráng động viên con đi học để mai này đỡ khổ nhé!”. Và cuối cùng, dỗ dành mãi cô học trò bé nhỏ mới gật đầu đồng ý ra lớp.

Ở vùng sâu heo hút, nghèo khó này, các thầy cô phải “dỗ” trước rồi mới tính đến việc “dạy” là thế đó.

Ảnh do tác giả cung cấp

Ảnh do tác giả cung cấp

Mưa ngày càng nặng hạt, màn đêm dày đặc bao phủ khắp buôn làng, nhưng công việc của chúng tôi vẫn cứ thế tiếp tục.

Nếu như Đinh Lin là không muốn tới lớp thì Đinh Lan, Đinh Khơn ở thôn Bi Giông và Đinh TYu, Đinh An ở thôn Bi Gia (xã Pờ Tó, Ia Pa) các em năm nay đều học lớp 9, vì lấy chồng sớm trong hè nên việc học cũng vì thế mà dở dang.

Còn nhà của em Đinh Núi (lớp 9) ở thôn Bi Giông thì chẳng có ai ở nhà. Hàng xóm em nói “cả gia đình nó ở luôn trên rẫy rồi”.

Người dân nơi đây là thế, họ cần cái ăn đủ bữa mỗi ngày, con cái vừa lớn lên một chút đều cùng bố mẹ đi làm.

Con cái vừa lớn lên một chút đều cùng bố mẹ đi làm. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Con cái vừa lớn lên một chút đều cùng bố mẹ đi làm. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Làm miết rồi quên luôn con chữ, quên luôn đường đến trường. Không thể nào liên lạc được với bố mẹ Núi nên chúng tôi đành về, gửi lại khe cửa nhà em chiếc áo trắng và lời nhắn: Về với thầy, với lớp em nhé.

Công việc của chúng tôi là thế, cứ mỗi sáng đi dạy là buổi chiều đi vận động, mỗi buổi cũng chỉ vài gia đình học sinh.

Trước ngày tựu trường, ngày nào các thầy, cô cũng đi vận động. Bắt đầu đi khi con gà còn chưa gáy, lúc trở về nhà các con đều đã ngủ thiếp đi tự lúc nào. Vận động các em ra lớp đã khó, ngăn dòng học sinh bỏ học giữa chừng còn khó hơn.

Bởi vậy các thầy, cô giáo phải thường xuyên đến từng ngõ, gõ từng nhà, thậm chí phải ngủ qua đêm tại làng để “kéo” học sinh ra lớp.

Thầy cô giáo ở vùng sâu đang dạy học bằng cái “Tâm” và cũng đang đặt chữ “Tâm” cho “đầu vào” là tận tâm huy động học sinh đến lớp.

Còn với Núi, ngày mai tôi lại đến.

Đinh Tùng