Những bài báo đã giúp chúng tôi tháo gỡ nhiều vướng mắc

21/06/2021 08:32
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo bà Hiền: “Các bài viết, các Hội thảo của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam luôn đi đúng hướng, giúp phản biện, tháo gỡ những vướng mắc của các trường.

“Tôi thường xuyên theo dõi Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bởi nhận thấy nội dung các bài viết rất tốt, rất kịp thời phản ánh những việc tích cực cũng như nổi cộm của ngành giáo dục, những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

Nhiều bài viết giúp lan tỏa những tấm gương của các nhà giáo có đóng góp tích cực cho sự phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra Ban biên tập của Tạp chí cũng đã tổ chức rất tốt các cuộc trao đổi, thảo luận, góp ý thực hiện có hiệu quả những quy định của Luật Giáo dục”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã cho biết.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: TD.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: TD.

Theo bà Hiền: “Các bài viết, các cuộc Hội thảo, Tọa đàm của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam luôn đi rất đúng hướng cũng như giúp tháo gỡ những vướng mắc của các trường trong việc thực hiện những Chính sách của nhà nước về Giáo dục. Tôi có lần được tham dự cuộc Tọa đàm về “Chính sách thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục” do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức, đây là vấn đề rất thiết thực mà khối các trường ngoài công lập rất quan tâm.

Tại cuộc Tọa đàm này, Ban biên tập của Tạp chí cho biết năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa, tiếp tục quy định tại điều 8: Các trường ngoài công lập “được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động”.

Tuy nhiên, để hưởng được chính sách ưu đãi này, các trường ngoài công lập phải đáp ứng tiêu chuẩn "diện tích đất tối thiểu trên 1 học sinh" ở thành phố là 8 m2/trẻ bậc mầm non; 6 m2/ học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; 55 m2/ sinh viên bậc đại học, cao đẳng.

Nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn này, các trường ngoài công lập phải đóng 100% thuế thu nhập doanh nghiệp. Năm 2016, Chính phủ điều chỉnh "diện tích đất tối thiểu" đối với học sinh mầm non, phổ thông ngoài công lập ở thành phố thành "diện tích sử dụng tối thiểu", giữ nguyên số m2 đã quy định. Những điều chỉnh nói trên của Chính phủ đã góp phần giúp các trường tư thục tháo gỡ khó khăn, tăng cường nguồn lực của xã hội đầu tư vào giáo dục, giảm bớt gánh nặng sĩ số, biên chế, ngân sách nhà nước phải chi cho giáo dục công lập đang quá tải ở các đô thị lớn.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng có những bài phân tích và kiến nghị trong điều kiện các trường tư thục hiện nay rất khó khăn trong tiếp cận quỹ đất, mặt bằng xây trường, sĩ số các trường công lập nội đô tại các đô thị lớn tiếp tục quá tải và không có xu hướng giảm, cần có chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở giáo dục tư thục mới có thể thu hút được đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và người dân, chung tay cùng Nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục”.

Một lớp học giao lưu với các bạn quốc tế vào dịp hè của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: TD.
Một lớp học giao lưu với các bạn quốc tế vào dịp hè của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: TD.

Trường tư thục và công lập ngang bằng về chất lượng đào tạo

Qua Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Hiền kiến nghị: “Khi Luật Giáo dục cũng như toàn xã hội coi trường tư thục và trường công lập ngang bằng nhau về chất lượng đào tạo thì tôi nghĩ cũng nên cho phép trường tư thục tham gia vào đào tạo hệ thống trường chuyên, lớp năng khiếu song song với trường chuyên công lập.

Nó sẽ đỡ được một phần không hề nhỏ về ngân sách của nhà nước, và nguồn ngân sách đó tập trung đầu tư cho vùng sâu, vùng xa khó khăn để các em học sinh ở đó có cơ hội được học tập tốt hơn. Hơn nữa chúng ta mở rộng và nhiều hơn nơi đào tạo nhân tài cho đất nước thì sẽ càng có lợi. Nên mở Luật cho tư thục được đào tạo trường chuyên.

Với kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục thì quan điểm của tôi về lớp năng khiếu là rất cần thiết, chúng ta cần phải phát hiện tài năng ở các em học sinh từ khi còn nhỏ, từ đó có hướng bồi dưỡng kịp thời. Phát hiện và đào tạo sớm như vậy thì chúng ta mới có được đội ngũ những nhà khoa học, nhà quản lý, những cán bộ tốt sau này cho đất nước.

Tôi thấy ngay từ bậc Tiểu học cũng rất cần có lớp năng khiếu, lớp năng khiếu không phải chỉ để bồi dưỡng Toán, Tiếng Anh… mà những lớp này nhằm phát hiện ngay từ nhỏ nếu các con có năng khiếu gì nổi bật.

Từ những phát hiện sớm nhà trường sẽ lên kế hoạch để định hướng và bồi dưỡng cho năng khiếu đó được phát triển, nếu không có những lớp như vậy thì khó mà phát hiện cũng như đào tạo được nhân tài sau này phục vụ đất nước.

Nhưng yếu tố quan trọng là để những lớp năng khiếu đó được phát triển theo hướng tích cực, đúng nghĩa, là lớp tạo nguồn nhân tài thì tuyệt đối không được chạy chọt, xin xỏ…phải thật sự nghiêm túc, chuẩn chỉ. Lớp này phải được tuyển chọn, phải thi rồi chọn lọc thật kỹ càng, có thể mỗi trường chỉ có 1 đến 2 lớp thôi nhưng với trách nhiệm của những người làm giáo dục thì chúng ta phải đào tạo. Ngoài đào tạo đại trà, phổ cập ra thì chúng ta phải đào tạo mũi nhọn.

Tôi nhấn mạnh lại là các lớp năng khiếu này không xin, không chạy, còn nếu có tiêu cực thì những lớp này mất đi ý nghĩa thực tế của nó. Chỉ cần dính tiêu cực là những lớp năng khiếu này trở thành nơi người ta mong muốn điều kiện học tốt hơn thôi, và đó không phải là mục tiêu của lớp năng khiếu”.

Ngày khai giảng năm học mới của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: TD.
Ngày khai giảng năm học mới của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Ảnh: TD.

Bà Hiền chia sẻ: “Tôi ủng hộ mô hình lớp năng khiếu nhưng phải là thực sự các em học sinh có tố chất nổi trội, thực sự là nhân tài và trong quá trình đó cần phải đào thải quyết liệt để chắt lọc ra những tinh túy, thật sự xuất sắc thì mới xứng đáng đào tạo. Chúng ta không cần số lượng nhiều mà thật sự cần những chắt lọc tinh túy nổi trội, các em phải tự đứng trên đôi chân và năng lực thực sự của bản thân.

Việc đào tạo như vậy rất mất công và tiền bạc, nhiều khi thành quả chưa nhìn thấy ngay được, không thể cân đong đo đếm được vì nó không phải là vật chất. Thực tế hiện nay rất nhiều các nhà Toán học, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, nhiều cán bộ của chúng ta sau khi học lớp năng khiếu, được đào tạo và có những định hướng đúng, bài bản đã trở thành những người đem lại lợi ích cho đất nước”.

Cũng theo bà Hiền: “Về vấn đề đào tạo, nhiều nơi nếu đào tạo giáo viên trường công lập thì hoàn toàn không phải trả phí, nhưng cũng vẫn đào tạo như vậy thì giáo viên trường tư thục phải trả phí không hề nhỏ, và có nơi thì những giáo viên trường tư thục không được mời đi đào tạo, bồi dưỡng trong khi công việc và sự nghiệp giáo dục đều phải thực hiện như nhau.

Một điểm nữa là trường ngoài công lập để tồn tại và phát triển rất cần chương trình riêng của nhà trường ngoài chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì vậy rất cần có những quy định riêng mang tính đặc thù, ví dụ về thời gian của năm học”.