Nhức nhối luận án TS: Đó cũng là một hình thức tham nhũng

15/05/2022 06:40
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm thẩm định lại các luận án tiến sĩ, làm trên diện rộng và ưu tiên những đề tài được dư luận lên tiếng.

Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao về những tên đề tài luận án tiến sĩ mà “nếu chỉ đọc tên sẽ không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn”. Từ đây, rất nhiều câu hỏi lại đặt ra về chất lượng chuyên môn của các luận án tiến sĩ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc Hội, Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí đã thẳng thắn bày tỏ góc nhìn về những hiện tượng luận án tiến sĩ chất lượng thấp và nêu một số biện pháp ngăn chặn.

Hiện tượng “đói” đề tài và những luận án nhân bản

Phóng viên: Thưa Giáo sư Nguyễn Anh Trí, vừa qua, dư luận xã hội đang đề cập rất nhiều về vấn đề có những luận án tiến sĩ không bảo đảm chất lượng, về giá trị học thuật cũng như ý nghĩa thực tiễn. Quan điểm của ông đối với hiện tượng trên như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Đúng như vậy! Trong thời gian qua, đang rộ lên rất nhiều tin tức nói về một số cơ sở đào tạo nghiên cứu sinh, đã có những đề tài tồn tại hai vấn đề. Thứ nhất là số lượng luận án hoàn thành rất nhiều trong một khoảng thời gian ngắn và thứ hai là về mặt nội dung, chưa đủ tầm với yêu cầu, đòi hỏi của một luận án tiến sĩ.

Về cách thức, đây thực sự chưa phải là một đề tài nghiên cứu để tạo ra một luận án, mà giống như một bài báo cáo hay tổng kết thì đúng hơn. Về tốc độ “sản xuất” ra những luận án tiến sĩ này, nhanh đến mức khó hình dung nổi.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí trao đổi với phóng viên về những luận án tiến sĩ đang gây ồn ào trong dư luận. (Ảnh: NVCC).

Giáo sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí trao đổi với phóng viên về những luận án tiến sĩ đang gây ồn ào trong dư luận. (Ảnh: NVCC).

Đó là những khía cạnh mà tôi đã nghe được. Có thể kể đến một số đề tài luận án đã từng và đang khiến dư luận xôn xao như: “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn Cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La”; “Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch ủy ban nhân dân xã” hay “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, “Hành vi ngôn ngữ thề của người Việt”...

Khi đi sâu vào tìm hiểu, tôi thấy rằng, những điều dư luận nói và báo chí phản ánh có lẽ là đúng, rất cần phải được tìm hiểu thêm và có sự chỉnh đốn.

Phóng viên: Qua thực tiễn, Giáo sư đánh giá như thế nào về chất lượng các luận án tiến sĩ; và về trình độ của nghiên cứu sinh trong giai đoạn vừa qua, có vấn đề gì cần trao đổi?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Tính đến thời điểm hiện tại, tôi cũng đã có hơn 35 năm giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học. Tôi xin có một nhận xét chung như sau:

Nhìn chung, chất lượng luận án tiến sĩ, hay kể cả luận văn thạc sĩ ở các trường đại học, ở các cơ sở nghiên cứu được phép đào tạo nghiên cứu sinh, trong 10 năm trở lại đây, có xu hướng phân thành hai thái cực.

Thái cực thứ nhất, là nhóm những nghiên cứu sinh nghiên cứu những vấn đề hết sức sâu sắc, rất hay, rất cập nhật và ngang tầm với quốc tế. Đặc biệt, trong ngành y, có không ít nghiên cứu sinh nghiên cứu những đề tài, bảo vệ được những luận án thành công rất chất lượng, khiến người làm thầy như tôi cảm thấy rất mỹ mãn, tôi tự hào về họ.

Nhưng thái cực thứ hai lại là nhóm nghiên cứu sinh có những luận án làng nhàng, thậm chí, có thể nói là chất lượng yếu kém, mà chủ yếu lại gặp ở những lĩnh vực mang tính xã hội.

Cũng dễ hiểu thôi. Bởi, ví dụ như trong ngành y, các nghiên cứu có “số đo” về mặt số lượng, chất lượng, có chỉ số do máy móc đo được; còn vấn đề về xã hội, đo lường thái độ, sự quyết tâm, tinh thần... chẳng hạn, tôi nghĩ là khó! Tôi không nói tất cả đều xấu, nhưng rõ ràng là trong lĩnh vực ấy, phải nói thẳng là rất dễ xảy ra hiện tượng: chất lượng không đảm bảo.

Cũng chính vì “số đo” không có, nên dẫn đến một tình trạng, đó là làm luận án theo kiểu nhân bản lên được. Tôi lấy ví dụ, vừa rồi báo chí cũng có đưa một số đề tài luận án cứ “na ná” nhau, cùng mô tip ngay ở tên đề tài khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Bên cạnh đó, tôi thấy có một lý do khá quan trọng, có thể khiến những luận án như vậy vẫn còn “cơ hội” xuất hiện, đó là vấn đề áp lực để thăng tiến. Tôi cho vấn đề này là một tác động rất đáng để suy nghĩ.

Phóng viên: Vâng, Thưa Giáo sư, được biết, ông cũng đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn thành công nhiều luận án tiến sĩ. Vậy, Giáo sư đã từng gặp hiện tượng tương tự chưa?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Cho đến bây giờ, tôi cũng đã tham gia hướng dẫn nhiều luận văn, luận án. Cụ thể, tôi đã hướng dẫn khoảng 28 luận văn thạc sĩ; 5 luận án chuyên khoa II và khoảng 30 luận án tiến sĩ bảo vệ thành công.

Tôi có thể cam đoan, học viên của tôi, không ai làm những luận án tiến sĩ với trình độ như vậy, với chất lượng như vậy và với tốc độ như vậy.

Vì sao lại thế? Thứ nhất, vì tôi rất nghiêm khắc. Trong quá trình giảng dạy, mọi người đều biết rằng, tôi là một người rất nghiêm khắc.

Thứ hai, với cương vị của một Viện trưởng viện đầu ngành (Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương trước năm 2017 - phóng viên), Chủ tịch Hội Huyết học Truyền máu Việt Nam cũng như Chủ tịch nhiều Hội đồng khoa học khác,... tôi có đủ đề tài để đưa cho nghiên cứu sinh làm và có thể hướng dẫn họ làm thành công. Vấn đề về đề tài cũng rất quan trọng, vì tôi biết rằng, có một hiện tượng ở rất nhiều cơ sở là “đói” đề tài, tức là không tìm ra đề tài. Cùng với đó, là thái độ làm việc nghiêm túc, say mê của một người làm khoa học, sẽ không thể để hiện tượng như vậy xảy ra.

Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, có một hiện tượng vẫn tồn tại ở rất nhiều cơ sở là “đói” đề tài, tức là không tìm ra đề tài. (Ảnh: NVCC).

Theo Giáo sư Nguyễn Anh Trí, có một hiện tượng vẫn tồn tại ở rất nhiều cơ sở là “đói” đề tài, tức là không tìm ra đề tài. (Ảnh: NVCC).

Một điều nữa, khi tôi hướng dẫn nghiên cứu sinh, thường không có áp lực. Bởi tôi hiểu, nhiều khi, chính bản thân thầy hướng dẫn cũng phần nào chịu áp lực, phải hướng dẫn thành công cho nghiên cứu sinh để đủ “chỉ tiêu” điền vào hồ sơ làm học hàm. Nhìn vậy nhưng áp lực đôi khi cũng quan trọng lắm! Điều đó giống như áp lực thăng tiến ấy.

Gian lận nguy hiểm hơn mọi gian lận khác

Phóng viên: Thưa Giáo sư, có ý kiến cho rằng, yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có “tiến sĩ thật” và những đề tài có thể xem là “dễ dãi” kia tồn tại được là do bỏ yêu cầu công bố quốc tế. Giáo sư có đồng tình với quan điểm này không?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Nhìn chung, đối với tất cả các ngành, kể cả ngành y của chúng tôi, cũng đều có một vấn đề, đó là xu hướng làm cho nghiên cứu sinh dễ hơn, đơn giản hơn, nhẹ nhàng hơn. Xu hướng này tất nhiên cũng có tính ưu việt riêng, song, đây lại là “mảnh đất màu mỡ” để “đẻ” ra những luận án chất lượng kém.

Phóng viên: Được biết, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết, sẽ thẩm định lại chất lượng các luận án tiến sĩ đang gây ồn ào trong dư luận. Giáo sư đánh giá thế nào về động thái này?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Thông qua thông tin trên báo chí, tôi cũng được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận ra được những luận án chất lượng thấp, thậm chí là kém đã “lọt lưới”. Cho nên, Bộ đang có chủ trương thẩm định lại những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, theo đúng quy chế hiện hành.

Cá nhân tôi rất ủng hộ chủ trương này. Tôi cho rằng đây là việc rất nên làm, cực kỳ nên làm, để trả lời trước dư luận: Có hiện tượng này không; nếu có, thì trầm trọng đến mức nào? Qua đó, phải tìm ra được nguyên nhân, lý do, từ đó, tìm ra cách thức sửa, tức là phải “tìm đúng bệnh” thì mới ra “phương thuốc chữa”.

Tôi mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm thẩm định lại các luận án tiến sĩ, và đề nghị phải làm trên diện rộng. Đặc biệt, phải ưu tiên với những đề tài, nhóm đề tài những lĩnh vực đã được dư luận lên tiếng, bởi đây không phải lần duy nhất dư luận có những băn khoăn này. Bộ phải coi đây là sự thay mặt Chính phủ để giám sát thật tốt, trả lời cho công luận những câu hỏi đang băn khoăn ở trên. Đồng thời, việc làm này cũng góp phần làm lành mạnh hóa vấn đề đào tạo nghiên cứu sinh ở Việt Nam chúng ta.

Tôi cũng xin lưu ý, gian lận này còn nguy hiểm hơn tất cả mọi gian lận khác. Vì sao?

Vì gian lận này “chắp cánh” cho những người chưa tốt, không tốt được tham gia vào bộ máy quản lý, lãnh đạo, nên sẽ rất nguy hiểm. Vì đáng lẽ, những người đó phải là người gương mẫu, phải là những tấm gương, là những người có thể là thầy, là anh, là thủ trưởng trong một đơn vị, thậm chí trong một ngành, một Bộ...

Mà tôi xin khẳng định, một trong những lý do, “động lực” tôi thấy rất nhiều, ở các nghiên cứu sinh, đó là sự thăng tiến, có nghĩa là làm lãnh đạo, làm người quản lý. Nếu người quản lý, lãnh đạo mà không là tấm gương, có thể làm cho cả cơ quan, cả ngành, thậm chí là cả xã hội bị xấu đi. Chính vì vậy, phải làm cho triệt để.

Cần xem lại chính sách bổ nhiệm cán bộ đi cùng với bằng cấp

Phóng viên: Vậy, có biện pháp nào có thể giải quyết căn cơ và ngăn chặn hiện tượng này không, thưa Giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Trong phạm vi một bài báo, để nói vấn đề này thì tôi e là không thể bàn hết được. Vì đây là vấn đề liên quan đến chất lượng đào tạo của cả một đất nước, liên quan đến nhu cầu, yêu cầu, mà nhu cầu thì cũng có nhu cầu lành mạnh, nhu cầu không lành mạnh, thậm chí có thể là nhu cầu xấu. Bên cạnh đó, còn liên quan đến vấn đề thuộc về tính kỷ luật, tính nghiêm minh trong tất cả mọi vấn đề của một quốc gia.

Chúng ta phải hiểu được rằng, việc gian lận đó là bản chất một dạng tham nhũng. Tham nhũng bằng cấp, để thăng tiến. Như vậy, còn liên quan đến vấn đề chính sách. Tôi lấy ví dụ, giống như chuyện đưa tiêu chuẩn là phải có ngoại ngữ mới được bổ nhiệm, thì dẫn đến người người đổ xô đi học ngoại ngữ, trong khi có cả học thật, học giả lẫn lộn.

Đặc biệt, có một quan niệm hết sức sai lầm, cho rằng trình độ thạc sĩ sẽ hơn đại học, tiến sĩ hơn thạc sĩ... Vấn đề này tôi đã từng phản đối trước Quốc hội. Tôi biết, không thiếu người chuyên môn rất giỏi nhưng vì không có điều kiện nghiên cứu, hoặc không có nhu cầu trở thành thạc sĩ, tiến sĩ... Ví như trong ngành y, niềm tự hào là tay nghề chứ không phải chỉ ở học hàm, học vị.

Chính vì trong chính sách vẫn còn đưa học hàm, học vị vào tiêu chuẩn đánh giá cán bộ thì sẽ còn tình trạng đua nhau đi học.

Đối với hiện tượng này, phải tùy theo từng nhóm nguyên nhân mà có cách giải quyết cho phù hợp. Phía trên, chúng ta có đề cập một biện pháp, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổng thể giám sát lại tất cả những luận án tiến sĩ. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong vô vàn biện pháp.

Đầu tiên, phải xây dựng một xã hội học tập lành mạnh, học tập vì kiến thức, vì muốn có kiến thức, tay nghề, chứ không phải học tập vì muốn đối phó. Phải thay đổi được tư duy, coi trọng người có kiến thức chứ không phải chỉ đơn giản coi trọng người có bằng cấp và xem đó là thước đo duy nhất. Đây là cuộc cách mạng về văn hóa, cách mạng về tư tưởng, cho nên phải có thời gian để thay đổi.

Thứ hai, phải xem lại chính sách bổ nhiệm cán bộ đi cùng với bằng cấp, vì vô tình nó trở thành một chất xúc tác để thúc đẩy xã hội chạy theo bằng cấp.

Thứ ba, rất quan trọng, các trường đại học đừng giảng dạy vì tiền. Một số đơn vị được phép đào tạo nghiên cứu sinh vẫn xin thêm chỉ tiêu hằng năm, để được thêm kinh phí; và được thêm “quyền ban phát bằng cấp”, vì lợi ích cá nhân, mà chắc chắn nhẹ thì phong bì phong bao, còn không thì có đổi chác để “mọi việc êm xuôi”. Tôi xin nhấn mạnh, đây là một tiêu cực rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nhóm các thầy hướng dẫn phải thực sự nghiêm khắc, trách nhiệm, tận tụy hướng dẫn cho nghiên cứu sinh, phải tìm ra được cho nghiên cứu sinh những đề tài hay, có giá trị; đồng thời, thầy và hội đồng phải làm việc thực sự nghiêm túc, hiệu quả. Tôi thấy, bây giờ có một xu hướng là hội đồng “giơ cao đánh khẽ”, nhưng đây là điều rất không nên. Hội đồng cần nghiêm khắc, trách nhiệm, tận tâm tận lực để có những luận án đạt chất lượng.

Kế đến là công tác “hậu kiểm” phải được làm kịp thời, thường xuyên. Chẳng hạn, sau khi bảo vệ xong một luận án, phải đề ra kế hoạch giám sát chất lượng đào tạo, chất lượng luận án đó và phải đánh giá được những đóng góp, tác động của luận án ấy vào thực tiễn cuộc sống. Theo tôi, phải đưa giám sát định kỳ (chẳng hạn sau 5 năm lại đánh giá lại) vào tiêu chuẩn. Chứ còn luận án làm xong mà vô nghĩa, thì làm để làm gì?

Cuối cùng, phải có chế tài rất mạnh, rất nghiêm khắc, để xử lý những gian lận. Bởi vì, như tôi đã nói, những gian lận này rất nguy hiểm, làm băng hoại đạo đức xã hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

Ngân Chi