Nhu cầu nhân lực lớn, sao ngành Đóng tàu tuyển sinh lại gặp khó khăn?

18/04/2022 06:46
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực ngành đóng tàu tại Hải Phòng và nhiều địa phương rất lớn, song việc tuyển sinh ngành Đóng tàu đang gặp nhiều khó khăn.

Nguồn nhân lực ngành Đóng tàu luôn “cung không đủ cầu”

Việt Nam là quốc gia có chiều dài bờ biển trên 3.200 km, vùng biển thềm lục địa thuộc chủ quyền và quyền tài phán Việt Nam rộng trên 1.000.000 m, gấp 3 lần diện tích đất liền.

Theo đó, ngành công nghiệp Đóng tàu Việt Nam là một trong những ngành được đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế và đặc biệt gần đây là đại dịch Covid-19, những năm gần đây ngành Đóng tàu gặp nhiều khó khăn thách thức trong phát triển lĩnh vực của mình.

Một trong những lý do chính là do nguồn nhân lực của ngành công nghiệp đóng tàu chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Khoa Đóng tàu Trường Đại học Hàng hải Việt Nam những năm gần đây khó tuyển sinh (Ảnh: TK)

Khoa Đóng tàu Trường Đại học Hàng hải Việt Nam những năm gần đây khó tuyển sinh (Ảnh: TK)

Thực tế nhiều năm qua, nguồn nhân lực của ngành này chưa được phát triển đúng mức, do vậy thiếu hụt nghiêm trọng ở thời điểm hiện tại.

Theo khảo sát của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trong năm 2020, tính riêng thống kê số liệu tuyển dụng theo đường công văn về Khoa Đóng tàu là 47 kỹ sư Đóng tàu từ các công ty có trụ sở miền Bắc.

Nhu cầu về tuyển dụng kỹ sư đóng tàu trong năm 2021 tiếp tục tốt hơn so với năm 2020, trong đó khối các nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu thủy có sự gia tăng rõ nhất.

Thống kê cả các nguồn tuyển không qua công văn, nhu cầu nhân lực kỹ sư đóng tàu trong các năm gần đây đạt mức trung bình khoảng 100 kỹ sư/năm.

Trong đầu năm 2022, Khoa Đóng tàu tiếp tục ghi nhận các công ty đối tác nước ngoài gia tăng tuyển dụng nhân sự ngành đóng tàu so với năm 2021 nhằm phục vụ cho nhiệm vụ thiết kế, thiết kế công nghệ.

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng kỹ sư đóng tàu trong năm và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục có sự phát triển, cơ hội việc làm cho sinh viên của Khoa Đóng tàu là rất tốt.

Đơn cử tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng), theo thống kê trong 3 năm qua, lao động chấm dứt việc làm và về hưu khoảng 130 người, nhưng tuyển dụng vào chỉ có 35-40 người.

Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển nhanh của các khu công nghiệp đặc biệt tại khu vực Hải phòng, nguồn lao động đã thiếu hụt nghiêm trọng.

Việc tuyển dụng lao động mới vào làm việc đã khó nay lại khó hơn khi người lao động tự chấm dứt hợp đồng để vào làm trong các khu công nghiệp.

Tại Công ty đóng tàu Phà Rừng có giai đoạn gần 100 công nhân của công ty tự chấm dứt hợp đồng lao động, bỏ đi làm ở các khu công nghiệp.

Nhiều thời điểm đơn hàng đóng tàu đòi hỏi tiến độ gấp, không thể tuyển được công nhân tay nghề cao, công ty phải thuê thêm lao động thời vụ, vừa mất thời gian đào tạo, lại ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Song song với những khó khăn của doanh nghiệp về tuyển dụng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng vấp phải “bài toán khó” trong việc tuyển sinh, thu hút sinh viên đăng ký ngành Đóng tàu.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Tú – Phó trưởng Khoa Đóng tàu- Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, công tác tuyển sinh ngành Đóng tàu trong hai năm trở lại đây có khởi sắc. Tuy nhiên, số lượng sinh viên và điểm đầu vào vẫn không được cải thiện.

Nguyên nhân xuất phát do xu hướng của xã hội, phụ huynh học sinh và học sinh đang hướng đến học các ngành kinh tế, các ngành công nghệ, còn các ngành kỹ thuật truyền thống thì không mấy quan tâm; do ảnh hưởng của dịch bệnh nên ngành Đóng tàu trong giai đoạn vừa qua gặp không ít khó khăn.

Thông tin truyền thông tích cực về ngành Đóng tàu trong nước cũng ít xuất hiện trên các kênh truyền thông uy tín.

Bên cạnh đó, mức lương khởi điểm của kỹ sư tốt nghiệp ngành Đóng tàu chưa thực hấp dẫn và chưa có được tính cạnh tranh so với các ngành khác dẫn đến làm giảm sức hút sinh viên đăng ký theo học.

Nhu cầu nhân lực cao từ các khu công nghiệp đã thu hút một lượng lớn lao động từ bậc Trung học phổ thông, với yêu cầu không cao, chỉ cần qua đào tạo ngắn hạn là có thể đi làm ngay với mức lương cũng tương đương kỹ sư mới ra trường.

Đặc biệt, khâu quảng bá các thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực Đóng tàu, cơ hội việc làm và thu nhập của ngành Đóng tàu chưa tốt.

Chưa có các chính sách hỗ trợ người học từ phía nhà nước đối với các ngành học trọng điểm phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước.

Giải bài toán thiếu nguồn nhân lực Đóng tàu

Tại Hội thảo “Nhu cầu nguồn nhân lực ngành Đóng tàu – Thực trạng và Giải pháp” do Khoa Đóng tàu – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tổ chức vào ngày 15/4, đại diện nhà trường và các doanh nghiệp tham dự đã đưa ra nhiều giải pháp góp phần khắc phục thực trạng thiếu nguồn nhân lực Đóng tàu.

Giáo sư Lê Viết Lượng – nguyên Chủ nhiệm khoa Đóng tàu – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, thực tế các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo từ năm 2006 còn từ nay đến những năm sau sẽ thiếu hụt rất nhiều.

Theo đó, Giáo sư Lê Viết Lượng đề xuất các cơ quan có thẩm quyền có sự tác động để Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đến ngành Đóng tàu hơn.

Nhiều giải pháp khắc phục thực trạng thiếu nguồn nhân lực Đóng tàu được đưa ra bàn luận (Ảnh: TK)

Nhiều giải pháp khắc phục thực trạng thiếu nguồn nhân lực Đóng tàu được đưa ra bàn luận (Ảnh: TK)

Về phía doanh nghiệp, Giáo sư Lượng kiến nghị tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập có hỗ trợ về ăn, nghỉ, lương. Trường hợp thực tập tốt sẽ giữ lại làm việc.

Sinh viên khi có cơ hội được thực tập, hiểu rõ công việc của mình trong tương lai sẽ tránh được trường hợp chỉ học lý thuyết, thiếu thực tế. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Đóng tàu.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tô Thanh Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Phà Rừng cũng đưa ra một số biện pháp từng bước nâng cao về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp Đóng tàu Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, cần từng bước đổi mới, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục - đào tạo ngành đóng tàu theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành.

Các nhà máy Đóng tàu cần tăng cường sự liên kết với các cơ sở đào tạo, phối hợp đào tạo thực tiễn để nâng cao chất lượng cung cấp nguồn nhân lực cho ngành.

Xây dựng cơ chế tuyển dụng và sử dụng người lao động một cách hợp lí, khoa học và hiệu quả, kiến tạo môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết và sáng tạo trong các nhà máy đóng tàu.

Nâng cao mức sống của công nhân viên là điều kiện quan trọng để họ yên tâm trong công việc và có điều kiện phát huy hết khả năng của bản thân, cống hiến cho đơn vị.

Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo bổ sung bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật cao và công nhân lành nghề ở các nhà máy đóng tàu.

Tham dự Hội thảo, bà Trần Thị Hồng Nhung – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần NOSCO SHIPYARD đặc biệt đề xuất Trường Đại học Hàng hải Việt Nam mở cơ sở đào tạo ngay tại công ty hệ cao đẳng ngành Vỏ và Máy để sinh viên có cơ hội tiếp xúc thực tiễn, nâng cao tay nghề.

LÃ TIẾN