Nhìn lại cuộc cải cách giáo dục của Pháp ở Việt Nam và bài học hôm nay

23/11/2016 08:16
Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Với cải cách giáo dục lần thứ nhất, nhà cầm quyền Pháp hy vọng trong một thời gian ngắn có thể đào tạo được một số công nhân kỹ thuật và viên chức giúp việc.

LTS: Bàn về vấn đề cải cách giáo dục, tác giả Đặng Việt Thủy chỉ ra những ưu nhược điểm trong cuộc cải cách của Pháp tại Việt Nam cách đây 110 năm (1906).

Đây là một bài viết có nhiều ý hay góp phần đưa ra bài học cho bài toán cho nền giáo dục Việt Nam hiện đại.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này!

Sau một phần tư thế kỷ xâm lược Việt Nam kể từ năm 1858, thực dân Pháp đã đặt được những viên gạch đầu tiên cho một nền giáo dục mới.

Tháng 6/1886, Paul Bert được cử giữ chức Tổng sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ mở đầu một thời kỳ mới về giáo dục, tăng cường mở các trường Pháp - Việt, hạn chế chương trình học tiếng Hán trong các trường.

Tuy vậy, cho đến gần 10 năm sau, sự nghiệp giáo dục của người Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ không có gì đáng kể.

Nguyên do cuối năm 1886, Paul Bert chết đã làm đình lại rất nhiều dự tính về công cuộc giáo dục của mình.

0Quang cảnh trường Tiểu học nữ sinh trên phố Hàng Cót thành lập năm 1910. (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Quang cảnh trường Tiểu học nữ sinh trên phố Hàng Cót thành lập năm 1910. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Đến năm 1905, hệ thống giáo dục ở Việt Nam lúc này tồn tại dưới ba hình thức khác nhau:

Ở Nam Kỳ, đa số các tổng xã đều có các trường tiểu học Pháp - Việt dạy chữ Pháp và quốc ngữ, chữ Hán hầu như bãi bỏ hoàn toàn hoặc chỉ là môn phụ.

Ngoài ra, còn một vài trường trung học như Chasseloup Laubat, Bá Đa Lộc dạy tiếng Pháp cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Pháp.

Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, số trường dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ còn rất ít ỏi, riêng Trung Kỳ trường dạy chữ Hán vẫn tồn tại khắp nơi.

Như vậy, ba kỳ Bắc, Trung, Nam với ba chế độ giáo dục khác nhau đã làm cho người Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi và thực hiện các chính sách của mình.

Tuy nhiên, đây là những tiền đề cho một cuộc cải cách giáo dục của người Pháp.

Tình hình chính trị lúc này đã tương đối ổn định, sự phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi phải có một đội ngũ công nhân và cán bộ kỹ thuật có trình độ cao hơn.

Về giáo dục, họ cũng cần có sự thể nghiệm đường lối sao cho phù hợp với một đất nước có nền văn hóa phương Đông lâu đời bước đầu tiếp xúc với nền văn hóa còn xa lạ của phương Tây.

Toàn quyền Paul Beau thay Paul Doumer đã nhận trọng trách này. 

Nhìn lại cuộc cải cách giáo dục của Pháp ở Việt Nam và bài học hôm nay ảnh 2

Bức tranh cải cách giáo dục đại học, chuyên nghiệp ở Việt nam

Năm 1903, Paul Beau ký nghị định thành lập Hội đồng nghiên cứu cải cách giáo dục.  

Sau ba năm hoạt động, năm 1906 một nghị định công bố nội dung cải cách đã ra đời (Nghị định cải cách giáo dục ban hành năm 1906 nhưng vì thiếu thầy, thiếu sách giáo khoa nên tới năm 1910 mới chính thức thực hiện). 

Với cải cách của Toàn quyền Paul Beau, hệ thống trường Pháp - Việt được tổ chức lại gồm hai bậc: tiểu học và trung học.

Bậc tiểu học Pháp - Việt có bốn lớp: lớp tư, lớp ba, lớp nhì và lớp nhất. Cuối bậc có kỳ thi lấy bằng tiểu học Pháp - Việt.

Chương trình học hầu hết bằng tiếng Pháp, còn tiếng Việt và chữ Hán chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp.

Riêng môn tiếng Pháp, để học sinh có số vốn tối thiểu theo học ba lớp trên, chương trình chú trọng dạy ngay từ lớp đầu tiên (lớp tư) khi mới bước vào trường tiểu học.

Về tiếng Việt và tiếng Hán chương trình đã ít, tùy tiện, yêu cầu lại thấp: lớp nhất là lớp cuối cấp tiểu học mà học sinh chỉ cần đọc trôi chảy và đúng, còn thầy giáo cũng chỉ cần giảng cho học sinh hiểu bài bằng cách cắt nghĩa chữ khó và tóm tắt đại ý.

Còn chữ Hán chỉ mang nội dung luân lý, không dạy khoa học bằng chữ này.

Bậc trung học: học sinh được thi vào trung học sau khi đã tốt nghiệp tiểu học.

Bậc này chia làm hai: trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp. Trung học đệ nhất cấp chỉ học có một năm, chia làm hai ban.

Ban Văn học, học thêm một ít chương trình của ban tú tài Pháp, nhưng tùy theo hoàn cảnh của địa phương mà thay đổi cho thích hợp, ở đây có thể dạy thêm tiếng Pháp, tiếng Việt và tiếng Hán.

Ban Khoa học chia làm ba ngành (nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp), có mục đích đào tạo những nhân viên cho các ngành kinh tế.

Do đó, ở ban này, chương trình văn học sẽ không còn hoặc chỉ dùng rất ít, trái lại việc học những môn khoa học thực hành sẽ được chú ý hơn.  

Ngoài ra, ban Khoa học còn có thể thi vào lớp Sư phạm hoặc Pháp chính. 

Sách cải cách theo chương trình của Pháp. (Ảnh: Vietnamnet.vn)
Sách cải cách theo chương trình của Pháp. (Ảnh: Vietnamnet.vn)

Nếu trong cải cách của hệ thống trường Pháp - Việt chỉ là hoàn chỉnh thêm một bước chương trình trung học (thực ra cũng chưa đầy đủ) để đào tạo những nhân viên cho các ngành kinh tế, hành chính và sư phạm thì việc cải cách trong hệ thống trường chữ Hán sẽ làm thay đổi khá nhiều cơ cấu của nền giáo dục cổ truyền này.

Trên cơ sở những quan điểm của các bậc chuyên gia thời đó, nền giáo dục chữ Hán được chia làm ba bậc: ấu học, tiểu học và trung học.

Trong đó không cắt hẳn phần học chữ Hán nhưng triệt để "phổ cập" chữ quốc ngữ.

Đối với các trường nữ học thì chủ yếu là thực hành; tại các trường tiểu học, tiếng Pháp là tự nguyện còn với các trường cao đẳng thì đó là ngôn ngữ bắt buộc.

Thời gian này, nhà cầm quyền Pháp còn mở thêm các trường sư phạm ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Gia Định; các trường chuyên nghiệp và xưởng học nghề; các trường Kỹ thuật thực hành.

Ngoài ra, còn có các trường Mỹ thuật thực hành; trường Thợ máy như trường Cơ khí Á Châu (École des Mécaniciens Asiatiques) ở Sài Gòn (1906), trường Mỹ thuật Gia Định (1913)...

Trường Y sĩ Hà Nội (sau này thành Đại học Y khoa) mở ra từ năm 1902.

Cuộc cải cách giáo dục lần này có những điểm nổi bật sau:

Sự xâm nhập mạnh mẽ của nền giáo dục Pháp - Việt vào hệ thống giáo dục phong kiến.

Nếu như trước kia từ Paul Bert đến Paul Doumer chỉ mới có một vài quy chế cho việc học chữ Pháp, chữ quốc ngữ mang tính chất từng phần thì lần này Paul Beau đã kế thừa những thành quả trên, hệ thống lại cụ thể hơn và bổ sung một số điểm cho phù hợp với tình hình lúc đó.

Đối với nền giáo dục phong kiến lần này họ đã cắt đi một phần chữ Hán để thay vào phần khoa học thường thức như Toán, Vệ sinh...

Nhìn lại cuộc cải cách giáo dục của Pháp ở Việt Nam và bài học hôm nay ảnh 4

Tính “địa phương” trong giáo dục phổ thông - một bài học sâu sắc

Nhưng họ vẫn chưa dám thẳng tay xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục phong kiến và những cơ cấu của nó như nội dung chương trình, sách giáo khoa và tổ chức thi cử...

Điều đáng chú ý là, trước kia hai nền giáo dục phong kiến và Pháp - Việt tồn tại hầu như biệt lập với nhau.

Còn trong cuộc cải cách giáo dục lần này, thực dân Pháp vẫn để tồn tại song song nhưng lại cố làm cho hai nền giáo dục này xích lại gần nhau hơn.

Theo đó, sự khác nhau giữa hai nền giáo dục này sẽ chỉ như giáo dục cổ điển và giáo dục hiện đại ở Pháp.

Do đó, ở các trường ấu học, tiểu học và trung học của giáo dục phong kiến chương trình cổ điển là phần chữ Hán, có chương trình hiện đại là chữ Pháp, chữ quốc ngữ và chính phần chữ Pháp của các trường này cũng lấy trong sách của trường Pháp - Việt.

Học sinh sau khi học xong trường ấu học không nhất thiết phải theo học trường tiểu học và trung học để đi thi hương mà còn có thể học trường tiểu học Pháp - Việt để thi vào các trường trung học Pháp - Việt.

Như vậy, tuy cải cách lần này chưa triệt để nhưng nền giáo dục thực dân đã xâm nhập mạnh mẽ hơn vào nền giáo dục phong kiến cổ truyền, sẽ tạo điều kiện để xóa bỏ hoàn toàn nền giáo dục này khi cần thiết.

Với cải cách giáo dục lần thứ nhất, nhà cầm quyền Pháp hy vọng trong một thời gian ngắn có thể đào tạo được một số công nhân kỹ thuật và viên chức giúp việc, đó là hướng của các trường Pháp - Việt.

Đối với hệ thống giáo dục phong kiến, sẽ có được một tầng lớp quan lại tuy vẫn lấy cựu học làm chính, nhưng đã ít nhiều tân học có thể làm cầu nối giữa nhân dân và "nhà nước bảo hộ".

Tuy nhiên, các trường Pháp - Việt với 14 môn dạy bằng tiếng Pháp trên tổng số 20 môn ngay từ những lớp đầu tiên của bậc tiểu học, cũng đủ thấy sự mô phỏng hầu như hoàn toàn theo chương trình của bậc tiểu học ở Pháp.

Nó đã gây ra nhiều khó khăn về giáo viên, sách giáo khoa, tổ chức cơ sở vật chất, chất lượng và hiệu quả không thể cao.

Còn nội dung giảng dạy chữ quốc ngữ và chữ Pháp ở hệ thống các trường chữ Hán, người ta đã tập trung nhiều về luật pháp, đơn từ, phong tục... là những môn cần thiết cho việc cai trị ở phủ, huyện.

Đối với thi Hội chưa có gì thay đổi. Trong khi chữ Pháp và chữ quốc ngữ vốn chưa phải là thứ chữ quen thuộc đối với dân chúng.

Chỉ riêng chữ Pháp, cách đặt câu, cách đọc, cách viết đã có bao nhiêu thứ rắc rối, muốn tiếp thu học trò phải mất rất nhiều thời gian mới có thể lọt qua kỳ thi Hương.

Đến kỳ thi Hội, sĩ tử phải kiến giải những vấn đề nóng bỏng về kinh tế, chính trị, xã hội mà họ chưa được học hỏi bao nhiêu, nên không có cách nào khác là nói dựa hoặc trình bày, lý giải vấn đề một cách chủ quan, nông cạn và hời hợt.

Do vậy, tuy công cuộc cải cách giáo dục của Toàn quyền Paul Beau đã cố dung hòa hai nền giáo dục Pháp - Việt và phong kiến nhưng rõ ràng là không thể đáp ứng được yêu cầu như người ta mong muốn.

Sau hơn 10 năm nền giáo dục tỏ ra bất cập vì những người đào tạo ra "tân học không dày và cựu học cũng mỏng" mà người Pháp lại phải tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai vào năm 1917.

Tài liệu tham khảo:
- "Hỏi đáp Lịch sử Việt Nam" - Tập 5, Nxb Trẻ, TP HCM - 2007.
- "Đại cương Lịch sử Việt Nam" - Tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội - 2006.

Đặng Việt Thủy