Nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của giáo dục năm Tân Sửu

31/01/2022 07:17
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo tổng kết của thầy Bùi Nam, đây là 10 sự kiện nổi bật của giáo dục được giáo viên phổ thông rất quan tâm trong năm 2021.

Dưới quan điểm cá nhân xin được lựa chọn 10 vấn đề nổi bật về giáo dục năm 2021 được nhiều bạn đọc trong đó có giáo viên cả nước quan tâm.

Thứ nhất, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đầu tiên, sự kiện nổi bật, quan tâm nhiều nhất về giáo dục năm qua là việc Phó giáo sư- tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn - nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây có thể nói đây là sự kiện được những ai quan tâm đến giáo dục đặc biệt chú ý, được bổ nhiệm, gánh trọng trách tư lệnh ngành “nóng” là một trong những thử thách rất lớn của Bộ trưởng.

Tuy nhiên, theo người viết chỉ trong thời gian ngắn giữ cương vị Bộ trưởng nhưng Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn đã cho thấy bản lĩnh, chuyên môn vững chắc, các văn bản hướng dẫn, hành động dần dần đi vào thực chất, từng bước lấy lại niềm tin trong nhân dân.

Hy vọng trong thời gian tới những bất cập, vướng mắc về chế độ chính sách cho nhà giáo sẽ từng bước được tháo gỡ, ngành giáo dục sẽ từng bước hiện thực hóa chủ trương dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Thứ hai, sóng gió của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021

Có thể nói đây là vấn đề gây nhiều tranh luận nhất trong giai đoạn qua, Thông tư bổ nhiệm, xếp lương giáo viên có hiệu lực 20/3 nhưng đến cuối năm 2021 vẫn chưa thực hiện được và phải chờ chỉnh sửa, bổ sung.

Cả Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng đã lên tiếng và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa đổi chùm Thông tư “sóng gió” trên theo hướng xóa bất cập, bất công, chú ý những yếu tố do lịch sử để lại…

Thứ ba, nhiều giám đốc sở, hiệu trưởng bị khởi tố, xử lý

Đây cũng có thể coi là năm mà có các vị giám đốc sở giáo dục - đào tạo và hiệu trưởng bị khởi tố, xử lý nhiều nhất.

Từng bước cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, răn đe các lãnh đạo ngành, từng bước lấy lại sự trong sạch trong giáo dục và cá nhân cố tình vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm minh, từng bước lấy lại niềm tin trong nhân dân, không có ai được đứng trên pháp luật.

Có thể điểm lại các vụ giám đốc sở, hiệu trưởng bị khởi tố thời gian qua như sau:

Ngày 23/9/2021, Cục Cảnh sát sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại điều 222 Bộ luật hình sự, xảy ra tại Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Điện Biên và các công ty, đơn vị có liên quan.

C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Kiên - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên - để điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Ngày 16/7/2021, C03 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa (khi bị bắt là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa) và 8 người khác, trong đó có 4 cán bộ thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 25/6/2021, C03 cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan, theo khoản 3, điều 222 Bộ luật hình sự. Ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 9 bị can, gồm: Vũ Liên Oanh (cựu giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Quảng Ninh),...

Ngày 25/5/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam bốn tháng đối với Trần Thị Liên (SN 1971), Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) để điều tra về tội “Tham ô tài sản” theo khoản 4, Điều 353 Bộ luật hình sự.

Ngày 13/7/2021, ông Trần Quang Vinh và bà Nguyễn Thanh Mai là Hiệu trưởng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch của Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải Bắc Giang đã bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ,…

Thứ tư, bối rối với môn “tích hợp” khi thực hiện chương trình mới ở lớp 6

Đây cũng là vấn đề mà nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo viên và học sinh cả nước. Năm học 2021-2022 bắt đầu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 với sự xuất hiện của các môn “tích hợp” gây nhiều tranh luận trái chiều như môn: Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Lịch sử và Địa lý (gồm 2 phân môn Lịch sử, Địa lý); Giáo dục địa phương; Trải nghiệm hướng nghiệp (nhiều bộ môn); Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật).

Hiện nay, việc thực hiện, triển khai một môn học nhưng đến 2, 3 giáo viên, thậm chí 6 -7 giáo viên dạy (như môn Giáo dục địa phương) đã dẫn đến vô số bất cập, bất hợp lý trong quá trình triển khai về dạy, vào điểm, nhận xét, tiếp thu của học sinh, quản lý của cấp trên,…

Thứ năm, thời gian dạy trực tuyến dài nhất trong lịch sử

Do dịch Covid-19 quái ác, phức tạp đã dẫn đến giáo viên và học sinh dạy online dài nhất đến thời điểm hiện nay.

Đến hết học kỳ I nhưng nhiều nơi vẫn còn dạy trực tuyến, kiểm tra trực tuyến cho thấy sự nỗ lực khắc phục khó khăn của lãnh đạo ngành, giáo viên cả nước dù trong hoàn cảnh khó khăn vẫn mang kiến thức cho học sinh, sự an toàn cho giáo viên và học sinh được đặt lên trên hết.

Sự kiện tổ chức khai giảng, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 trực tuyến,… cũng là những vấn đề được dư luận cả nước, quan tâm

Tuy nhiên, đến giai đoạn này kiểm tra xong học kỳ I nhưng Bộ chưa ban hành công văn cụ thể hướng dẫn thực hiện việc quy đổi tiết dạy trực tuyến sang trực tiếp khiến các đơn vị gặp khó khăn trong việc phân công, trả tiền tăng giờ, tăng buổi,…

Thứ sáu, lùm xùm vụ đề thi môn Sinh của một thầy giáo giống đến… 90% đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021

Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm, rất lớn của bạn đọc cả nước.

Vụ việc một giáo viên ôn tập giống không chỉ 80% như báo chí phản ánh mà có thể giống đến trên 90% là một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn của giáo viên cả nước, có thể xem là “bất thường”.

Ngày 23/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Thông qua công tác quản lý, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như nắm bắt các thông tin, ý kiến từ dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 và ông cho biết hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng có kết luận chính thức, công khai.

Thứ bảy, chính thức bỏ chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ

Sau nhiều lần kiên trì đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ thì sau khi Nghị định 89/2021/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực thì chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học chính thức được bãi bỏ trong việc tuyển dụng, xét tuyển công chức, viên chức, thi, xét thăng hạng, bổ nhiệm,…

Đây là việc điều chỉnh quá hợp lý, đáp ứng niềm mong mỏi của giáo viên cả nước.

Bên cạnh đó, quy định chỉ còn 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp duy nhất cũng là nỗ lực lớn của các bộ ngành trong việc bỏ “giấy phép con” hành giáo viên.

Thứ tám, xuất hiện dạy thêm online cho học sinh chính khóa để thu tiền

Tình hình dịch bệnh phức tạp, tuy nhiên vẫn có một số tổ chức, cá nhân giáo viên tổ chức dạy thêm online thu tiền là đáng lên án.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đăng đàn trả lời trước Quốc hội việc giáo viên dạy thêm online thu tiền là đáng lên án, nhưng chưa có văn bản chỉ đạo cụ thể, nên vẫn còn một số nơi tổ chức dạy thêm online thu tiền, khiến phụ huynh, giáo viên bức xúc.

Học sinh học online cả ngày tiếp xúc điện thoại, máy vi tính ảnh hưởng phần nào sức khỏe, thần kinh, thị lực,… tối phải học thêm online đóng tiền là việc vô cùng bất hợp lý nhưng vẫn tiếp diễn, thách thức dư luận,…

Thứ chín, giáo viên học bồi dưỡng chứng chỉ “tích hợp” có thể tự bỏ tiền túi

Quy định giáo viên phải học và có chứng chỉ các môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở là điều kiện tối thiểu để được giảng dạy các môn tích hợp mới xuất hiện nhưng lại quy định giáo viên có thể phải đóng kinh phí gây nhiều bức xúc trong giáo viên, không phù hợp với các quy định hiện hành về việc bồi dưỡng giáo viên để dạy các môn mới xuất hiện.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét bỏ quy định giáo viên học bồi dưỡng có thể đóng góp học phí trên.

Thứ mười, tuyên dương hàng trăm giáo viên ưu tú, tiêu biểu cả nước

Sáng 14/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu tại buổi lễ.

Được nhận vinh dự này là 7 Nhà giáo Nhân dân, 72 Nhà giáo Ưu tú thuộc các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng 191 nhà giáo tiêu biểu năm 2021 được bình chọn từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và các đại học, trường đại học, cao đẳng sư phạm trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây là những tấm gương sáng, tiêu biểu về giáo dục, lan tỏa tinh thần từ học, sáng tạo và không ngừng vươn lên trong giáo dục.

Trên đây là 10 sự kiện giáo dục mà người viết cho rằng đây là những sự việc tiêu biểu nhận được sự quan tâm của giáo viên phổ thông cả nước trong thời gian qua.

Hy vọng năm 2022, ngành giáo dục sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, khắc phục những tồn tại trong thời gian qua.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM