Nhìn các em, nước mắt của tôi cứ thế chảy ngược vào trong

22/11/2018 08:13
Thùy Linh
(GDVN) - “Nhìn hình ảnh có em vịn vào cây để đi, có em lại lết chân, có em giơ cả 2 chân lên trời để di chuyển từng bước một để đến trường gây cho tôi rung cảm lớn”.

Không đề xuất, kiến nghị gì cho riêng mình, các giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 chỉ có những mong muốn để trẻ em khuyết tật được dạy dỗ và chăm sóc tốt hơn.

Tôi có dịp trò chuyện cùng cô giáo Nguyễn Thị Ánh Đào - Giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật (Bến Tre) chia sẻ sáng kiến làm bản đồ nổi, giúp học sinh khiếm thị tiếp thu kiến thức Địa lý dễ dàng hơn.

Đến với Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre như một cái duyên bởi lẽ năm 1991 khi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, cô Đào được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre đưa về công tác tại đây – môi trường hoàn toàn mới, vừa mới thành lập.

Tháng 8/1991, cô Đào trở thành một trong 3 giáo viên đầu tiên của trường, kể từ đó đến nay đã 27 năm trôi qua, cô Đào gắn bó với các em học sinh nơi đây.

Cô Nguyễn Thị Ánh Đào - Giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật (Bến Tre) chia sẻ sáng kiến làm bản đồ nổi, giúp học sinh khiếm thị tiếp thu kiến thức Địa lý dễ dàng hơn. (Ảnh: Thùy Linh)
Cô Nguyễn Thị Ánh Đào - Giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật (Bến Tre) chia sẻ sáng kiến làm bản đồ nổi, giúp học sinh khiếm thị tiếp thu kiến thức Địa lý dễ dàng hơn. (Ảnh: Thùy Linh)

Nhớ lại ngày đầu đi dạy, cô Đào kể: “Ngay buổi dạy đầu tiên, tôi tiếp xúc với 34 học sinh bị bại liệt đầu tiên của trường.

Nhìn hình ảnh có em vịn vào cây để đi, có em lại lết chân, lại có em giơ cả 2 chân lên trời để di chuyển từng bước một…

Ngay từ giây phút đó tôi không khóc vì khó khăn mà nước mắt tôi đã chảy ngược vào trong vì thương cảm với các em”.

Cũng kể từ đó tỉnh Bến Tre bắt đầu cung cấp xe lăn cho trường để tạo điều kiện đi lại cho các em với sự hỗ trợ của hộ lý.

Sau đó 1 năm, trường nhận thêm học sinh là đối tượng khiếm thị. Cứ như vậy, những người giáo viên như cô Đào học thêm chữ braille đồng thời nhà trường có nhận thêm giáo viên để dạy đối tượng học sinh này.

Tiếp sau đó là nhà trường nhận thêm đối tượng học sinh chậm phát triển, trẻ bị khiếm thính, câm rồi nhóm lớp can thiệp sớm.

Ngần ấy dạng khuyết tật đều có ở trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre đủ biết thầy cô nơi đây vất vả, cực nhọc thế nào thế nhưng điều khiến những “người lái đò” như cô Đào cảm thấy được động viên, thậm chí là tự hào chính là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nhà tới đối tượng trẻ khuyết tật và giáo viên dạy trẻ khuyết tật.

27 năm gắn bó với học sinh khuyết tật, những cô giáo nơi đây luôn cố gắng làm đồ dùng dạy học phù hợp với từng nhóm đối tượng chuyên biệt để các em có được môi trường học tập tốt nhất.

Thế nhưng điều khiến cô Đào lo lắng và trăn trở nhiều nhất chính là tương lai của trẻ khiếm thị bởi lẽ nếu trẻ khiếm thính có thể tự sinh hoạt cá nhân được, làm công nhân may mặc, trở thành thợ cắt tóc thì những trẻ khiếm thị vô cùng khó khăn để tìm được một công việc.

“Tôi trăn trở nhất là học sinh khiếm thị ra trường lại đi bán vé số”, cô Đào chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Đào được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 (Ảnh: Thùy Linh)
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Đào được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 (Ảnh: Thùy Linh)

Là một giáo viên dạy môn Địa, cô Đào đã có sáng kiến làm bản đồ nổi, giúp học sinh khiếm thị tiếp thu kiến thức Địa lý dễ dàng hơn.

Cô Đào đã thể hiện và thu nhỏ hình dạng tương đối chính xác về Bến Tre, Việt Nam và toàn bộ bề mặt Trái Đất.

Dựa vào các bản đồ nổi đó, học sinh có thể thu thập được nhiều thông tin như: Vị trí, địa hình, đặc điểm, sự phân bố của các đối tượng địa lý và các mối quan hệ giữa chúng.

Những đồ dùng nổi cho học sinh sờ một thời gian ngắn thì bị tróc, bể,….do đó, cô Đào rút kinh nghiệm làm một bộ đồ dùng với 3 bản đồ nổi: Thế giới, Việt Nam và Bến Tre trên những khung gỗ với những chất liệu kết chặt cho học sinh sử dụng lâu hơn.

Thùy Linh