Nhiều tổ hợp không thông dụng có rất ít thí sinh chọn lựa

17/06/2020 08:28
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các tổ hợp truyền thống với các môn thi chủ yếu và có tính liên quan đến nhau vẫn là điều kiện tuyển sinh của phần lớn các ngành, các trường.

Theo quy định tại Quy chế tuyển sinh năm 2020, nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển được quy định sử dụng kết quả của ba bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn.

Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn bốn tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành.

Với nguyên tắc lựa chọn tổ hợp trên, trong những mùa tuyển sinh trước, nhiều trường đã kết hợp để tạo ra các tổ hợp, đặc biệt là với các tổ hợp có môn năng khiếu.

Ảnh minh họa, nguồn: website Trường Marie Curie, Hà Nội

Ảnh minh họa, nguồn: website Trường Marie Curie, Hà Nội

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay chưa có thống kê đầy đủ nên chưa biết chính xác tỷ lệ các tổ hợp truyền thống trong phương án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.

Cung cấp số liệu năm 2018 và năm 2019, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết:

Các trường đã sử dụng hơn 150 tổ hợp để xét tuyển. Trong đó, năm tổ hợp xét tuyển truyền thống (A00, D01, A01, B00, C00) luôn chiếm trên 90% nguyện vọng đăng ký xét tuyển và đã có trên 85,5% thí sinh trúng tuyển ở năm tổ hợp truyền thống này.

Các tổ hợp truyền thống với các môn thi chủ yếu và có tính liên quan đến nhau vẫn là điều kiện tuyển sinh của phần lớn các ngành, các trường.

Hơn 140 tổ hợp khác có thí sinh đăng ký nhưng chỉ chiếm gần 10% số nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

“Nhiều tổ hợp do các trường đưa ra không có, hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển. Nếu có đăng ký xét tuyển bằng các tổ hợp này thì thí sinh cũng để ở các nguyện vọng có mức ưu tiên rất thấp” – bà Nguyễn Thu Thủy nhận xét.

Có thể thấy, các tổ hợp ít thông dụng hầu như không được các trường tốt và thí sinh tốt lựa chọn nên hầu như không phát huy tác dụng, trừ các ngành liên quan đến năng khiếu.

“Như vậy, việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc thí sinh lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển” - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết.

Đồng thời, bà Thủy lưu ý rằng theo quy định "hiệu trưởng cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh".

Linh Hương