Nhiều thầy cô giáo ở An Giang lo lắng vì không có bằng cử nhân phù hợp

27/11/2021 06:52
NGUYỄN ĐĂNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi Luật Giáo dục 2019; Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT ra đời và có hiệu lực thì nhiều thầy cô giáo ở An Giang đứng trước nguy cơ không đáp ứng được văn bằng phù hợp.

Thời gian qua, một số giáo viên trên địa bàn tỉnh An Giang đang dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật ở cấp tiểu học bày tỏ sự lo lắng về chuyện văn bằng của mình khi ngành giáo dục áp dụng Luật Giáo dục 2019 và Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT.

Bởi lẽ, giai đoạn từ năm 2008-2010, cấp tiểu học ở An Giang thiếu nhiều giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật, trong khi một số môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí…lại thừa nên sinh viên sư phạm ra trường không có cơ hội được đứng trên bục giảng.

Chính vì thế, nhằm đáp ứng nhân sự cho các nhà trường ở cấp tiểu học của địa phương và cũng là để giải quyết tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm lúc đó nên Sở Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương tuyển dụng những giáo sinh ngành Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí…để đào tạo và đảm nhận giảng dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật.

Đây được xem là một chủ trương rất nhân văn đối với sinh viên sư phạm ra trường không có cơ hội dạy học và giải quyết được bài toán nhân sự đối với những môn học còn thiếu ở cấp tiểu học.

Thế nhưng, giờ đây khi Luật Giáo dục 2019 và Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ra đời và có hiệu lực thì những thầy cô giáo này đang đứng trước nguy cơ không đáp ứng được văn bằng phù hợp và họ đang khá lo lắng về chuyện chuẩn trình độ của mình.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thtrungvuong.hoankiem.edu.vn

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: thtrungvuong.hoankiem.edu.vn

Từ chỗ đang vượt chuẩn chuyển sang giáo viên thiếu chuẩn trình độ

Hiện nay, ở An Giang có hàng ngàn giáo viên đang dạy môn Âm nhạc, Mĩ thuật đã có bằng đại học nhưng lại không đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 và Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT.

Bởi lẽ, trước đây họ được đào tạo ngành sư phạm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý…nhưng vì không có cơ hội để dạy môn mình được đào tạo mà Sở lại tuyển dụng để đào tạo, bồi dưỡng dạy Âm nhạc, Mĩ thuật.

Lúc bấy giờ, họ được Sở Giáo dục tuyển dụng, sau đó lập danh sách cử đi học bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp dạy tiểu học tại Trường Đại học An Giang đối với các chuyên ngành Âm nhạc hoặc Mĩ thuật.

Những thầy cô giáo này được Trường Đại học An Giang đào tạo với “thời gian 300 tiết theo chương trình chuyên sâu hệ cao đẳng sư phạm tiểu học” và trường cấp giấy chứng nhận để họ về trường giảng dạy môn học mà mình đã được đào tạo.

Lúc đó, ngoài tấm bằng đại học chuyên ngành, cộng với kết quả tuyển dụng của Sở Giáo dục và giấy chứng nhận của trường Đại học An Giang cấp, công nhận kết quả học tập sau “thời gian 300 tiết theo chương trình chuyên sâu hệ cao đẳng sư phạm tiểu học” thì họ đã yên tâm công tác suốt hàng chục năm nay.

Vì chuẩn trình độ giáo viên tiểu học trước khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực chỉ yêu cầu giáo viên tiểu học có trình độ “trung cấp sư phạm”.

Thế nhưng, giờ đây, khi mà Luật Giáo dục 2019 và Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT ra đời và có hiệu lực thì những thầy cô giáo này đứng trước nguy cơ phải đi học thêm văn bằng 2.

Bởi lẽ, Điều 72 Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT đều hướng dẫn: Đối với giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Chính vì thế, những thầy cô giáo này lâm vào cảnh “không có bằng cử nhân phù hợp”. Dù trong quá trình giảng dạy thì những thầy cô giáo này đang rất cố gắng vì họ đa số ở độ tuổi 35-40 nên tinh thần học hỏi, tự trau dồi thêm chuyên môn khá tốt.

Nhiều thầy cô giáo có nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện (thành phố), nhiều thầy cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh…

Thế nhưng, điều mà một số thầy cô giáo dạy Âm nhạc, Mĩ thuật cấp tiểu học ở An Giang đang lo lắng là họ được nhà trường thông báo là họ không thuộc diện nâng chuẩn trình độ theo lộ trình như hướng dẫn của Nghị định 71/2020/NĐ-CP.

Một số giáo viên còn được nhà trường yêu cầu ký vào bản cam kết học nâng chuẩn bằng kinh phí “tự túc” trong một khoảng thời gian cụ thể.

Trong khi, tại khoản 1, Điều 2 của Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định đối tượng nâng chuẩn được hướng dẫn như sau:

Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định”.

Chính vì thế, một số thầy cô giáo đang phải tìm xem trường đại học nào đào tạo phù hợp về kinh phí, thời gian để đi học văn bằng 2 nhằm đáp ứng bằng cấp nhưng công việc này khá khó khăn…

Hướng đi nào cho những giáo viên trong diện dạy sai ngành đào tạo chính của mình?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở An Giang mà nhiều tỉnh, thành hiện nay đang có khá nhiều giáo viên đang dạy môn học khác với môn đào tạo của mình. Nếu nói về văn bằng thì bằng cấp của họ không phù hợp theo hướng dẫn của Điều 72 Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT.

Để đội ngũ giáo viên này yên tâm công tác, có lẽ Bộ và các Sở Giáo dục cần có những định hướng cụ thể, tránh tình trạng manh mún mỗi nơi thực hiện mỗi khác.

Nếu cho rằng bằng đại học của họ không phù hợp, giấy chứng nhận, hoặc chứng chỉ bồi dưỡng không đáp ứng đủ chuẩn trình độ thì cũng cần có hướng dẫn, định hướng cụ thể.

Hoặc, nếu bắt buộc phải đi học văn bằng 2 thì cũng cần thống nhất là kinh phí giáo viên tự túc hay do ngân sách địa phương và nhà trường chi trả như hướng dẫn từ Nghị định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Bởi, Nghị định 71/2020/NĐ-CP hướng dẫn rất rõ về đối tượng nâng chuẩn, kinh phí đào tạo, cơ chế đào tạo…nhưng các nhà trường lại đang hướng dẫn giáo viên khác nhau, chưa có sự thống nhất.

Hơn nữa, ngày 11/11/2021 vừa qua, trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội thì Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã đề nghị: “Tôi rất mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm căn cứ vào Nghị định này để rà soát và sửa đổi một cách hết sức khẩn trương đối với chùm Thông tư 01, 02, 03, 04.

Bởi vì hiện nay, trong quá trình tổ chức thực hiện chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều những đơn thư đề nghị từ giáo viên ở cơ sở trong việc còn những vướng mắc, bất cập, bởi vì chúng ta chưa tính đến sự chuyển tiếp đối với rất nhiều thế hệ giáo viên đào tạo qua nhiều hệ đào tạo khác nhau.

Bây giờ chúng ta căn cứ vào Luật Giáo dục mới thì chúng ta đưa ra việc đó là mầm non là phải cao đẳng và tiểu học trở lên phải tốt nghiệp đại học đại học sư phạm.

Chính vì vậy mà giai đoạn thế hệ lịch sử chúng ta để lại thì nó vẫn còn những tồn tại, cho nên chúng ta phải tính toán làm sao trong quá trình chuyển hạng, trong quá trình xếp lương giáo viên làm sao đảm bảo giáo viên không thiệt thòi, tạo điều kiện cho giáo viên một cách tốt nhất”. [1]

Hơn lúc nào hết, rất nhiều giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật cấp tiểu học ở An Giang cũng như nhiều địa phương khác đang rất cần những hướng dẫn cụ thể để giáo viên có thể yên tâm công tác và tìm ra hướng đi cho quá trình “nâng chuẩn” của mình.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-noi-vu-de-nghi-bo-giao-duc-het-suc-khan-truong-sua-thong-tu-01-02-03-04-post222348.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN ĐĂNG