Nhiều sinh viên năm cuối ra trường muộn vì dịch Covid-19

26/12/2021 06:32
Nhật Tân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sinh viên phải chuyển sang học online. Nhiều em gặp khó vì ngành học mang tính đặc thù.

Giữa tháng 10, Trường Đại học Khoa học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thông báo cho sinh viên học trực tiếp tại trường các học phần thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học, khóa luận tốt nghiệp từ ngày 1/11.

Điều kiện nhà trường đưa ra là giảng viên, người học tham gia dạy, học trực tiếp phải tiêm đủ liều vaccine theo hướng dẫn của ngành y tế và có điều kiện di chuyển đến trường. Các đối tượng chưa đáp ứng được yêu cầu trên hoặc không có nhu cầu đăng ký nhà trường sẽ tổ chức các học phần trên khi đáp ứng được điều kiện dạy – học theo quy định chung của thành phố.

Với đặc thù của ngành công nghệ may, Liêu Thị Thơm (sinh viên năm cuối) cần đến trường để học một số môn thực hành. Tuy nhiên khi đó Thơm chưa được tiêm vaccine mũi 2, đành phải bảo lưu một kỳ học.

Trước đó vào tháng 5/2021, các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang học trực tuyến, Thơm trở về quê tại xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, do lượng vaccine phân bổ không nhiều nên đến ngày 10/10 mới được tiêm mũi 1.

Thơm chia sẻ: “Nhận được thông báo đến trường để học trực tiếp, dù muốn đến trường để hoàn thành một số môn học thực hành nhưng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cộng thêm thời điểm đó bản thân chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine nên em đành bảo lưu một học kỳ. Nếu kỳ 2 có thể học trực tiếp ở trường thì em cũng sẽ ra trường muộn nửa năm.”

Nữ sinh cho biết mình đã tiêm vaccine mũi thứ 2 và đang chờ thông báo về kế hoạch học kỳ 2 của trường.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Trường Thịnh - phụ trách trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh: “Nếu như không có gì thay đổi, học kỳ 2 trường sẽ đón sinh viên trở lại học trực tiếp khi cán bộ, nhân viên và sinh sinh viên đáp ứng đủ các điều kiện tổ chức dạy học, nghiên cứu theo các quy định chung của thành phố và ngành Y tế. Hiện trường đã chuẩn bị các phương án dự phòng, kế hoạch và các kịch bản cho học kỳ 2. Dự kiến học kỳ 2 sẽ bắt đầu vào ngày 14/2/2022”

Cùng tâm trạng với Thơm, em Trần Thị Tuyến - sinh viên năm cuối ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ hiện tại vấn đề lo lắng nhất là thời hạn ra trường.

Nếu đúng theo tiến trình đào tạo, chỉ còn vài tháng nữa Tuyến sẽ hoàn thành chương trình học. Nhưng do bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp cộng thêm ngành học có tính đặc thù.

Em Trần Thị Tuyến, 21 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: NVCC)

Em Trần Thị Tuyến, 21 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Quản trị Du lịch và Lữ hành, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) (ảnh: NVCC)

Tuyến tâm sự: “Mặc dù nhà trường luôn đặt lợi ích của người học lên hàng đầu và cố gắng để giúp sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn. Nhưng đặc thù của ngành học Quản trị du lịch và Lữ hành không thể thực tập, thực tế bằng hình thức online. Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp em lo lắng các môn học này sẽ bị trì hoãn.”

Ngoài nỗi lo về thời hạn tốt nghiệp, Tuyến còn lo lắng cơ hội việc làm sau khi ra trường.

4 năm trước khi làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, trước những lời khuyên: “Con gái theo ngành du lịch sẽ vất vả, không thể chăm sóc cho gia đình, tuổi nghề ngắn và dễ có thể bị đào thải sau vài năm doanh nghiệp tìm nhân sự mới”, Tuyến vẫn quyết tâm chọn ngành du lịch.

Bởi thời điểm đó nữ sinh cho rằng cho rằng học ngành này không chỉ có thể làm hướng dẫn viên du lịch mà còn làm được nhiều công việc trong ngành khác nữa nên Tuyến yên tâm hơn về quyết định của mình.

Thêm vào đó nếu làm các ngành nghề du lịch khi đã có uy tín với khách hàng thì sẽ có thu nhập tốt và cao hơn các ngành nghề cơ bản khác. Nhưng đứng trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch lại là một trong những ngành nghề chịu nhiều tổn thất nhất.

Nữ sinh bộc bạch: “Sinh viên các ngành sư phạm hay ngôn ngữ còn có thể làm việc online còn hầu hết các công việc liên quan đến ngành du lịch đều cần làm việc trực tiếp. Hiện em còn khá mông lung về nghề nghiệp sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Em mong rằng sẽ có định hướng cho bản thân nhiều hơn sau kỳ thực tập tại công ty.”

May mắn hơn, Nguyễn Trâm Anh - sinh viên năm cuối ngành Thiết kế thời trang của một cơ sở giáo dục tư thục tại Hà Nội thở phào nhẹ nhõm vì được học trực tiếp tại trường vì ngành học này cần thực hành nhiều nên việc học online khá là bất tiện.

Trước đó Trâm Anh đã học chậm một kỳ học, cụ thể vào học kỳ 2 năm học 2019-2020 (sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán), do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho sinh viên tạm thời nghỉ học. Đầu tháng 3/2020, các trường chuyển sang hình thức học online. Do ngành học đặc thù, cần thực hành rất nhiều nên sau khi thầy cô lấy ý kiến đã thống nhất chọn không học online đồng nghĩa với việc bị chậm một học kỳ.

Bình thường khi được học trực tiếp ở trường, ngoài việc lên ý tưởng, vẽ mẫu, chọn một mẫu để thực hiện và chụp hình làm poster gửi thầy cô. Sau đó sinh viên học làm các sản phẩm ở trường và may đồ án tại phòng trọ.

Vào học kỳ 2 năm học 2020-2021, sau dịp nghỉ lễ nghỉ 30/4 – 1/5, ở Hà Nội dịch Covid-19 bùng phát, trường chuyển sang học online. Về quê từ đợt nghỉ lễ, các bạn lớp Trâm Anh người thì có máy may, người thì không. Thêm vào đó rất khó có vải hay phụ kiện tốt nhất để làm ra sản phẩm vì ở quê những thứ này đều hạn chế, đành vẽ các mẫu thiết kế xong chụp hình gửi thầy cô.

Không đủ thời gian để thực hiện đồ án tốt nghiệp, sinh viên trong lớp phải xin thầy cô lùi thời hạn. Chính vì vậy thời gian tốt nghiệp đại học của Trâm Anh chậm lại 0,5-1 năm.

Nói như vậy để thấy, hiện có nhiều sinh viên ở nhiều trường đại học đang gặp khó khăn trong việc ra trường, thậm chí phải ra trường muộn vì ngành học mang tính đặc thù.

Nhật Tân