Nhiều phần mềm dạy trực tuyến miễn phí của nước ngoài rất tốt, chậm do mạng thôi

02/10/2021 06:34
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc học trực tuyến diễn ra không suôn sẻ chứ không hẳn là lỗi của phần mềm”, thầy Nguyễn Danh Bắc nhận định.

Chia sẻ trên báo chí của đại diện một nhà mạng lớn trong nước liên quan đến công tác dạy học trực tuyến mới đây đang khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, vị này cho rằng phần mềm học trực tuyến có nguồn gốc nước ngoài được các trường sử dụng hiện nay đang không đáp ứng tiêu chuẩn học online .

Vị này cũng dẫn thống kê trong đợt dịch vừa rồi, người dùng Việt Nam sử dụng nhiều phần mềm của nước ngoài và cho rằng, các phần mềm ngoại có yếu tố là trải nghiệm người dùng tốt. Tuy nhiên, đa phần các phần mềm này có máy chủ đặt ở nước ngoài và bị ảnh hưởng nhiều yếu tố về đường truyền, phạm vi địa lý nên không đáp ứng được yêu cầu của việc học trực tuyến.

Đặc biệt, khi phần mềm đó kinh doanh trên nền tảng cloud với mục đích chính là hội thảo trực tuyến. Trong khi nhu cầu của các cơ sở giáo dục là tổ chức các hoạt động quản lý, dạy, học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến nên xảy ra nhiều bất cập trong việc sử dụng với những bất cập như nghẽn mạng, khó truy cập phần mềm hoặc đang học thì mất kết nối [1]

Thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: NTCC

Thầy Nguyễn Danh Bắc - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang). Ảnh: NTCC

Sau phát ngôn này, trong dư luận dấy lên nhiều luồng ý kiến khác nhau, một số ý kiến cho rằng, việc nghẽn mạng, khó truy cập của các phần mềm dạy trực truyến là do nhiều nguyên nhân chứ chưa hẳn là do bản thân các phần mềm ấy có vấn đề, bởi lẽ, nó còn phụ thuộc rất lớn vào tốc độ đường truyền của các nhà mạng trong nước cung cấp.

Cũng có ý kiến khác thắc mắc rằng, nếu các nền tảng dạy học trực tuyến trong nước phát triển tốt thì tại sao đến thời điểm hiện tại nhiều địa phương lại vẫn không mấy “mặn mà” với các phần mềm nội địa như vậy?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này, thầy Nguyễn Danh Bắc – Hiệu trưởng Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Việt Yên, Bắc Giang) cho rằng: “Thời điểm còn phải dạy học trực tuyến thì Bắc Giang hầu như là dạy trực tuyến thông qua mềm Microsoft Teams 365.

Từ cuối năm 2019, khi toàn tỉnh Bắc Giang phải tổ chức học trực tuyến thì Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cũng đã có chủ trương đưa phần mềm này vào các trường để phục vụ cho công tác giảng dạy, mọi thứ liên quan đến việc sử dụng phần mềm này cho các phụ huynh và học sinh đều là miễn phí hết.

Phần mềm này được khá nhiều trường sử dụng, bởi nó không chỉ phục vụ dạy và học online tương tác theo tiết học ở lớp mà còn giúp giáo viên giao bài tập dễ dàng. Thầy cô có thể tạo bài tập, chọn người nhận bài (có thể là từng em hoặc theo nhóm), thêm hướng dẫn cho học sinh kèm tài liệu, chọn ngày đến hạn phải nộp bài và chấm điểm, trả điểm.

Phần mềm này có liên kết với một ứng dụng khác trong bộ Office 365 là OneNote Class Notebook. Ứng dụng này sẽ tạo ra sổ tay lớp học gồm ba loại là sổ tay học viên, thư viện nội dung và không gian cộng tác. Trong đó, sổ tay học viên là không gian riêng tư được chia sẻ giữa giáo viên và từng học sinh. Giáo viên có thể truy nhập mọi sổ ghi chép của học sinh trong khi học sinh chỉ có thể xem sổ ghi chép riêng của mình".

Thầy Bắc chia sẻ thêm: “Thời gian đầu khi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vì yếu tố cấp bách nên hầu như các trường tự tìm tòi ra các ứng dụng riêng, mỗi trường một kiểu để có thể dạy học trực tuyến cho các học sinh theo kế hoạch dạy học đề ra.

Lúc đó thì có trường dạy bằng Zoom, có trường thì dạy thông qua Google meet và nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, các phần mềm dạy học trực tuyến của các đơn vị sản xuất trong nước thì hầu như là chúng tôi chưa tiếp cận được với một ứng dụng nào, chủ yếu vì nó không phổ biến, khó tìm. Độ phổ cập của các phần mềm trong nước là chưa cao khiến cho nhiều học sinh và phụ huynh khó thích ứng, chưa kể giáo viên cũng cần phải được tập huấn và hướng dẫn sử dụng nữa.

Riêng các ứng dụng của nước ngoài thì vốn dĩ nó đã có nền tảng dưới dạng hội họp từ trước đó rồi, nên đến thời điểm cấp bách, nếu mình có lựa chọn sử dụng để dạy học thì chỉ một vài thao tác tìm hiểu là giáo viên đã có thể làm chủ được nó”.

Trước việc, có nhiều ý kiến cho rằng các phần mềm dạy học trực tuyến của nước ngoài vẫn chưa đạt chuẩn học online bởi vẫn còn tình trạng bất cập như nghẽn mạng, khó truy cập phần mềm hoặc đang học thì mất kết nối, thầy Bắc cho rằng: “Toàn tỉnh Bắc Giang may mắn là năm học mới này tất cả học sinh đều được đến trường học trực tiếp sau ngày khai giảng 5/9. Tuy nhiên, với việc dạy học trực tuyến của Bắc Giang thì vào cuối năm 2019 đầu năm 2020, Sở, các trường cũng dùng ứng dụng Microsoft Teams vào giảng dạy trong các nhà trường.

Qua quá trình sử dụng, chúng tôi là những người làm công tác quản lý giáo dục, phụ trách và nắm tình hình trực tiếp về việc dạy học trực tuyến thông qua các ứng dụng. Có thể thấy, qua các đợt dịch, dù phải dạy học trực tuyến nhưng đến giờ đều ổn.

Việc nghẽn mạng, khó truy cập vào phần mềm học trực tuyến do nhiều yếu tố chứ không hẳn là tại phần mềm nước ngoài. Ảnh: K.A

Việc nghẽn mạng, khó truy cập vào phần mềm học trực tuyến do nhiều yếu tố chứ không hẳn là tại phần mềm nước ngoài. Ảnh: K.A

Theo tôi, việc nhiều nơi vẫn có tình trạng nghẽn mạng, rớt mạng khi đang học hoặc học sinh đăng nhập cả buổi mà vẫn không vào được tài khoản của các em có thể là do chất lượng đường truyền mạng của từng khu vực đó không tốt, chứ không thể nào hoàn toàn là do các phần mềm không đáp ứng được. Bởi lẽ, đường truyền tốt, ổn định thì việc học hành trực tuyến cũng trơn tru, suôn sẻ hơn.

Hoặc đó cũng có thể là do điều kiện kinh tế xã hội địa phương, trang thiết bị học tập mà học sinh đó đang sử dụng không được đảm bảo. Chẳng hạn như nếu dùng máy tính thì sóng wifi hoặc kết nối mạng lan phải ổn định, nếu dùng điện thoại thì yêu cầu tối thiểu là điện thoại đó phải có tính năng 3G. Điều này, nhiều học sinh các địa phương vùng xa xôi, khó khăn chưa đáp ứng được.

Ngoài ra, với các phần mềm dạy học trực tuyến do các đơn vị trong nước sản xuất thì cơ bản chúng tôi vẫn chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận trải nghiệm, khó có thể đưa ra so sánh và đánh giá thật chuẩn xác được".

Tư liệu tham khảo:

[1]. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/phan-mem-hoc-truc-tuyen-nuoc-ngoai-khong-dap-ung-tieu-chuan-hoc-online

Trung Dũng